Sở Khoa học và Công nghệ đồng hành cùng nhà sáng chế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đối với mỗi doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, việc bảo hộ tài sản trí tuệ nói chung và sáng chế/giải pháp hữu ích nói riêng là yêu cầu cấp bách, từ đó đảm bảo quyền lợi chính đáng của các nhà sáng chế theo pháp luật. Vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã triển khai nhiều hoạt động hữu ích nhằm hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà sáng chế, đặc biệt là những người không chuyên.   
NHIỀU VƯỚNG MẮC TRONG BẢO HỘ TÀI SẢN TRÍ TUỆ  
Dù không có nhiều kiến thức, không được đào tạo bài bản, nhưng với niềm đam mê sáng tạo, các nhà sáng chế không chuyên đã nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, đây lại là những người gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình đăng ký sáng chế, quyền sở hữu trí tuệ, cách thức tra cứu thông tin sáng chế cũng như các cơ chế, chính sách hỗ trợ.
Sáng chế máy hái cà phê và máy đào bồn cà phê của ông Đỗ Đức Quang (TP. Pleiku) được trưng bày tại sự kiện TechDemo 2019. Ảnh: N.T
Sáng chế máy hái cà phê và máy đào bồn cà phê của ông Đỗ Đức Quang (TP. Pleiku) được trưng bày tại sự kiện TechDemo 2019. Ảnh: N.T
Điển hình là sáng chế “Máy phun thuốc sử dụng năng lượng mặt trời gắn trên xe máy” của ông Phạm Văn Bình (buôn Tang, xã Phú Cần, huyện Krông Pa) đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần IX. Tuy đã được tìm hiểu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình thông qua các lớp tập huấn do Sở KH-CN tổ chức nhưng ông Bình vẫn còn băn khoăn về việc đăng ký sáng chế. “Việc đăng ký rất phức tạp. Là nông dân nên tôi không thể tự làm được các hồ sơ theo yêu cầu. Vì vậy, tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn để tránh việc bị mất bản quyền của sáng chế”-ông Bình nói. 
Tương tự, ông Chu Văn Thọ (TP. Pleiku) cũng gặp nhiều khó khăn khi đăng ký sáng chế “Giường cố định cột sống”. Ông Thọ cho hay: “Tôi làm thủ tục thì gặp trục trặc vì chưa hiểu rõ cách thức. Bản vẽ mô tả khá phức tạp và đòi hỏi độ chính xác cao nên tôi đành thuê kỹ sư làm việc này. Phải 6 tháng sau tôi mới hoàn tất hồ sơ để được đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Vì vậy, tôi mong muốn việc hướng dẫn đăng ký, cách thức tra cứu thông tin sáng chế nên chi tiết, dễ tìm hiểu hơn. Ngoài ra, sau khi được công nhận sở hữu trí tuệ, tôi cũng muốn các ngành liên quan hỗ trợ để phát triển thị trường”. 
ĐỒNG HÀNH CÙNG NHÀ SÁNG CHẾ
Để giải quyết vướng mắc và hỗ trợ tác giả các sáng chế/giải pháp hữu ích trong bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ, Sở KH-CN phối hợp với Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ (Bộ KH-CN) vừa tổ chức hội nghị “Đồng hành cùng nhà sáng chế Gia Lai năm 2020”. Tiến sĩ Phạm Ngọc Pha-Giám đốc Trung tâm Thống kê dữ liệu và Phân tích (Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ) cho biết: “Chúng tôi sẽ cung cấp kịp thời những thông tin về việc hỗ trợ đăng ký bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích tại Việt Nam đối với các giải pháp kỹ thuật; giới thiệu về cách thức xây dựng một bộ hồ sơ đầy đủ để đăng ký bảo hộ sáng chế như: lập bản mô tả, tờ khai và các tài liệu cần thiết khác; kỹ năng và phương pháp viết bản mô tả sáng chế… Đồng thời, tư vấn và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn để giúp các nhà sáng chế không chuyên thực hiện tốt việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Viện đã tiến hành thu thập thông tin về các nhà sáng chế và khảo sát thực tế các sản phẩm, quy trình, giải pháp công nghệ, kỹ thuật để đánh giá khả năng bảo hộ và thương mại hóa của sáng chế/giải pháp hữu ích”.
Đại diện Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ giới thiệu đến các đại biểu về cách thức xây dựng một bộ hồ sơ đầy đủ để đăng ký bảo hộ sáng chế. Ảnh: N.T
Đại diện Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ giới thiệu đến các đại biểu về cách thức xây dựng một bộ hồ sơ đầy đủ để đăng ký bảo hộ sáng chế. Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở KH-CN-cho hay: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với Viện Nghiên cứu sáng chế và Khai thác công nghệ cùng các đơn vị chuyên môn khác đẩy mạnh công tác hỗ trợ, tư vấn bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích của các nhà sáng chế chuyên và không chuyên thông qua các hoạt động như: tra cứu thông tin về sáng chế, xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế; tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về bảo hộ và khai thác nhãn hiệu, sáng chế/giải pháp hữu ích cho các tổ chức, cá nhân; triển khai hoạt động hỗ trợ sáng chế/giải pháp hữu ích cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh... Đồng thời, Sở cũng sẽ triển khai khảo sát thực tế nhằm hỗ trợ, tư vấn cho các nhà sáng chế về khả năng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích, thương mại hóa sản phẩm, hỗ trợ tham gia các sự kiện trình diễn công nghệ... Từ đó, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo; các sáng chế/giải pháp hữu ích được thương mại hóa cũng sẽ trở thành công cụ đắc lực nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
NGỌC THU - TẤN THẮNG 

Có thể bạn quan tâm