Chuyển đổi diện tích cao su kém hiệu quả sang cây trồng khác trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là quan điểm của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Dương Văn Trang tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy và đoàn công tác Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam do ông Trần Ngọc Thuận-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn làm trưởng đoàn. Nội dung làm việc xoay quanh công tác chuẩn bị đại hội Đảng các cấp; đánh giá kết quả công tác năm 2019 của Tập đoàn cũng như các đơn vị thành viên đứng chân trên địa bàn tỉnh và phối hợp triển khai kế hoạch công tác năm 2020.
Tăng cường công tác phối hợp
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có 5 công ty trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam gồm: Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê, Mang Yang, Chư Pah, Chư Prông và Công ty cổ phần Chế biến gỗ Đak Đoa. Thời gian qua, việc thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Tỉnh ủy Gia Lai và Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo thuận lợi để các đơn vị thành viên của Tập đoàn đứng chân trên địa bàn tỉnh sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: H.T
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: H.T
Theo đó, năm 2019, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: giá mủ cao su luôn ở mức thấp và thiếu ổn định, giá bán giảm hơn so với kế hoạch dự báo; thời tiết, khí hậu bất lợi đã ảnh hưởng đáng kể đến năng suất, sinh trưởng của vườn cây kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận từ sản phẩm cao su... song các công ty thành viên của Tập đoàn vẫn hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Đến nay, các công ty đã phát triển được hơn 34.510 ha cao su, trong đó, diện tích cao su khai thác chiếm 44,11% với sản lượng 20.468 tấn/năm (đạt 106% kế hoạch). Tổng doanh thu đạt gần 922,1 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 50 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 4,82 triệu đồng/tháng... “Những kết quả đạt được đó của các công ty có sự quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ không nhỏ từ phía Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai. Chúng tôi đánh giá cao về điều này và qua đây cũng chứng tỏ hoạt động phối hợp giữa đôi bên đã thật sự đi vào nền nếp, tạo được những bước chuyển biến tích cực”-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận khẳng định.
Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã phối hợp trao đổi, thống nhất về lãnh đạo trong công tác cán bộ của các đơn vị thành viên. Nhờ vậy, chất lượng quy hoạch cán bộ ngày càng được nâng lên. Ngoài ra, Tỉnh ủy còn luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc là thành viên của Tập đoàn trong công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên. Đến nay, tổng số đảng viên tại 4 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy là 895 người sinh hoạt ở 57 tổ chức cơ sở Đảng. Cấp ủy của đơn vị thành viên đã thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy về xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đảm bảo quốc phòng-an ninh và đồng hành cùng địa phương trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Tập trung tháo gỡ vướng mắc
Cùng với đánh giá kết quả đạt được, tại buổi làm việc, đại diện Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty thành viên đã nêu lên những vướng mắc, tồn tại trong công tác quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai thời gian qua; đồng thời kiến nghị một số phương án để tháo gỡ. 
Cán bộ Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho công nhân. Ảnh: ĐỨC THỤY
Cán bộ Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah hướng dẫn kỹ thuật cạo mủ cao su cho công nhân. Ảnh: ĐỨC THỤY
Cụ thể, Tập đoàn đề nghị tỉnh ban hành các quyết định bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích 30 ha còn lại mà Tập đoàn sẽ bàn giao về cho tỉnh để triển khai các dự án phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo đơn giá của tỉnh song không được thấp hơn giá trị mà các công ty đã đầu tư trên đất; thống nhất chủ trương với các nhà đầu tư dự án điện gió trên diện tích của các công ty cao su khi tổ chức khảo sát cần tính toán chọn các vị trí đặt tua bin, đường điện và đường giao thông sao cho diện tích dự kiến thực hiện dự án vuông vắn với các tuyến đường lô, đường liên lô hiện hữu; xem xét, chấp thuận cho Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê được sử dụng bản đồ hiện trạng rừng để thực hiện hồ sơ thu hồi đất đối với 296,1 ha bị dân lấn chiếm làm rẫy tại tiểu khu 964, 965 xã Ia Lâu (huyện Chư Prông); sớm ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích hành lang các tuyến đường điện để thuận lợi trong công tác quản lý đất đai của công ty thành viên; tạo điều kiện cho các công ty được quản lý nhưng không thu tiền sử dụng đất đối với 252,3 ha đất bìa rừng, hợp thủy không trồng được cao su tại huyện Chư Prông; thanh toán giá trị đền bù còn lại của diện tích 11,48 ha đất thu hồi thuộc Nông trường Ia Lâu để xây dựng đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước-Cầu Bông.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đề nghị tỉnh tạo cơ chế, chính sách thông thoáng để chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư của dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku; cho phép các công ty cao su liên doanh, liên kết đầu tư các dự án điện gió và làm chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp trên đất cao su; xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng đất để hỗ trợ nơi ở cho công nhân của các công ty cao su trên khu vực biên giới… Ngoài ra, ông Trần Ngọc Thuận mong muốn Tỉnh ủy tạo điều kiện để cán bộ các công ty tham gia vào cấp ủy, HĐND cấp huyện và tỉnh nhằm tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp giữa Tập đoàn với địa phương; đồng thời tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa hai bên và ký kết lại chương trình hợp tác toàn diện.
Ông Trần Ngọc Thuận-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn CNCS Việt Nam nêu kiến nghị tại buổi làm việc- Ảnh Hồng Thi
Ông Trần Ngọc Thuận-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nêu kiến nghị tại buổi làm việc. Ảnh: Hồng Thi
Sau khi nghe ý kiến giải trình từ các cơ quan chuyên môn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành yêu cầu ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát diện tích cao su trên địa bàn để quy hoạch lại theo 2 giai đoạn: giai đoạn 2020-2025 thực hiện chuyển đổi các diện tích cao su nằm ở độ cao 650 m trở lên vì hầu như rất kém hiệu quả; giai đoạn 2025-2030 sẽ tính toán chuyển đổi diện tích cao su có cao trình từ 600 m. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng với huyện Chư Prông và các công ty cao su liên quan tập trung giải quyết, xử lý thỏa đáng diện tích đất bị dân lấn chiếm làm rẫy tại xã Ia Lâu; tính toán hỗ trợ xây dựng lán trại cho công nhân cao su ở vùng biên giới nhưng không cấp đất ở và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật; đồng thời phối hợp cùng ngành Thuế căn cứ quy định để tiến hành việc thu hồi và giao lại đất cho Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để triển khai thực hiện dự án Khu Công nghiệp Nam Pleiku. “Tỉnh Gia Lai xem đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025) nên chúng tôi đề nghị Tập đoàn và chủ đầu tư là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê đẩy nhanh tiến độ về thủ tục đầu tư, triển khai nhanh dự án, đặc biệt phải lưu ý ưu tiên xây dựng trước cơ sở hạ tầng để xử lý nước thải, tránh gây ô nhiễm môi trường”-Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của các công ty thành viên đứng chân trên địa bàn tỉnh nói riêng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam nói chung vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai nhiều năm qua. Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Trong nhiệm kỳ tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến và du lịch; qua đó đề nghị lãnh đạo Tập đoàn quan tâm chỉ đạo các công ty thành viên đồng hành cùng với tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản. Cùng với đó, Tập đoàn nên xem xét chuyển đổi những diện tích cao su kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; tạo điều kiện trong việc phát triển điện gió theo hướng hài hòa lợi ích giữa Tập đoàn và doanh nghiệp đầu tư để góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu UBND tỉnh chủ trì giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc đã nêu; xây dựng, lập quy hoạch các dự án khu-cụm công nghiệp trên diện tích đất do Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam quản lý trong khuôn khổ thẩm quyền của tỉnh để rút ngắn thời gian, thủ tục đầu tư. Riêng đối với công tác cán bộ, tỉnh sẽ nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn và hồi đáp sau.
 HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.