Pleiku: Cơ sở tái chế nhựa gây ô nhiễm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo phản ánh của bà Trịnh Thị Hiền (trú tại số 51 đường Nguyễn Biểu, tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku), hơn 6 năm nay, khoảng từ 6 giờ đến 17 giờ hàng ngày, cơ sở tập kết, sản xuất nhựa tái chế ở số 53 Nguyễn Biểu do bà Ngô Thị Thẩm (SN 1978, hộ khẩu thường trú phường Hoa Lư, TP. Pleiku) làm chủ thường xuyên thải trực tiếp nước chưa qua xử lý, khí độc ra môi trường khiến cư dân nơi này hết sức bất bình.
Theo bà Hiền, mỗi khi lò tái chế ở cơ sở này hoạt động, ngoài mùi khét của nhựa bị đốt còn có thêm các loại mùi khác như nước mắm, nước tương, thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ còn thừa trong các chai, lọ... phả trực tiếp ra môi trường khiến người dân xung quanh thở không nổi. Người dân ở đây còn phải chịu đựng mùi hôi thối từ hệ thống nước thải chưa qua xử lý của cơ sở này xả ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, mỗi khi trời nắng ráo, cơ sở này còn mang những loại nhựa không tiêu thụ được ra đốt ở ngoài đường khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.  
 Các kiện nhựa phế thải được tập trung ngoài trời chờ tái chế. Ảnh: T.H
Các kiện nhựa phế thải được tập trung ngoài trời chờ tái chế. Ảnh: T.H
Vì bãi tập kết các kiện hàng nhựa chưa xử lý bao gồm đủ các loại như đã nêu và được thu gom từ nhiều nơi về trong một thời gian dài nên đã trở thành nơi sinh sôi, trú ngụ của ruồi, muỗi, rắn, rết... “Nhà tôi hầu như lúc nào cũng đóng cửa im ỉm vì sợ khói bụi ô nhiễm và ruồi muỗi bay vào. Cũng chính vì ngày nào cũng được ngửi cái mùi “đặc sản” trên nên hầu như dân ở đây ai cũng bị viêm đường hô hấp, thậm chí cả trẻ em cũng có triệu chứng bị viêm xoang. Dân ở đây hầu như rất ít khi mời khách đến nhà chơi bởi vì ai cũng ái ngại cái mùi hôi phát ra từ cơ sở tái chế nhựa này. Chưa hết, lâu lâu rắn, rết trong các kiện nhựa phế thải bò qua nhà khiến chúng tôi rất lo lắng cho con cái”-bà Hiền bức xúc nói.
Qua kiến nghị của người dân, Công an TP. Pleiku đã tiến hành kiểm tra cơ sở tái chế nhựa của bà Thẩm. Tại Thông báo số 1049 ngày 13-9-2019 của Công an TP. Pleiku thể hiện, qua kiểm tra, Công an thành phố phát hiện cơ sở mua bán phế liệu của bà Thẩm dù có đầy đủ giấy tờ pháp lý như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bản cam kết bảo vệ môi trường, song các kiện hàng phế liệu để ngoài trời không che đậy gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Hành vi của bà Thẩm đã vi phạm vào điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ. Công an TP. Pleiku đã lập biên bản và đề nghị Chủ tịch UBND TP. Pleiku ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 750.000 đồng đối với bà Thẩm. Đồng thời, đề nghị cơ sở này khắc phục ngay lỗi vi phạm, tiến hành thu gom, dọn dẹp phế liệu vào trong kho, bãi theo đúng quy định, không được để ngoài trời gây phát tán mùi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Dù ngành chức năng đã vào cuộc, song theo người dân, tình hình vẫn không có gì thay đổi. Cơ sở trên vẫn tiếp tục hoạt động, thậm chí còn rầm rộ hơn trước khiến ai cũng bất bình. Mới đây, chúng tôi đến tận nơi thì thấy phản ánh của dân là hoàn toàn chính xác. Cơ sở tái chế nhựa của bà Thẩm vẫn hoạt động bình thường, nơi tập kết các kiện hàng phế liệu vẫn không hề được che đậy. Xung quanh cơ sở tái chế nhựa này, mùi hôi hỗn hợp tỏa ra nồng nặc. “Chúng tôi không thể nào hiểu nổi vì Công an vừa xử phạt ngày hôm trước thì hôm sau cơ sở trên vẫn tiếp tục hoạt động. Chúng tôi đã nhiều năm sống cực khổ rồi, kêu cũng đã nhiều rồi, thấy Công an xuống làm việc ai cũng tưởng sẽ thoát cảnh sống khốn khổ này, ai dè đâu vẫn vào đấy”-một người dân cho hay.
 TRẦN HẰNG

Có thể bạn quan tâm

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.