Kbang: Dân thị trấn "khát" nước sinh hoạt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Kbang đã bắt đầu xuất hiện vài cơn mưa nhưng lượng mưa quá nhỏ, không đủ giúp vùng đất này giải nhiệt. Sự cạn kiệt nguồn nước ngầm do nắng hạn kéo dài trong nhiều tháng qua đã khiến người dân trong huyện nói chung, thị trấn Kbang nói riêng phải chật vật với việc tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt.

 

Dẫn chúng tôi đến “mục sở thị” bể trữ nước tự làm cách nhà khoảng 500 m, chị Trần Thị Lệ Thu (tổ 1) cho biết: Mùa khô năm nào giếng nước nhà chị cũng bị cạn. Do vậy, cứ mỗi khi đến mùa khô, chị đều phải xin nước của các hộ dân có giếng khoan về sử dụng. Riêng năm nay, nắng hạn kéo dài nên việc đi xin nước cũng khó khăn. Vì vậy, sau khi khảo sát thấy phía sau nhà có khe nước tự chảy, chị đã cùng với 4 hộ khác đóng góp tổng cộng 15 triệu đồng để xây bể chứa và đấu nối đường ống dẫn nước về nhà. “Từ đó đến nay, gia đình tôi không phải đi xin nước nữa. Tuy nhiên, nguồn nước này không đảm bảo vệ sinh nên phải đưa vào bồn để lắng rồi mới dám sử dụng. Gia đình rất mong sớm được sử dụng nguồn nước máy hợp vệ sinh của thị trấn nhằm đảm bảo sức khỏe”-chị Thu bày tỏ.

  Khu vực xây bể chứa nước tự chảy để dẫn về nhà sử dụng của gia đình chị Trần Thị Lệ Thu và 4 hộ khác.                                            Ảnh: H.T
Khu vực xây bể chứa nước tự chảy để dẫn về nhà sử dụng của gia đình chị Trần Thị Lệ Thu và 4 hộ khác. Ảnh: H.T



Chị Nguyễn Thị Thế Nhi-Trưởng ban công tác Mặt trận tổ 1-cho biết: Tổ có 215 hộ, trong đó khoảng 70% đang bị thiếu nước sinh hoạt. Nguyên nhân là các hộ dân sử dụng nước giếng đào hoặc giếng khoan nhưng nắng hạn kéo dài đã khiến các giếng bị cạn kiệt. Vì vậy, nhiều hộ đầu tư thêm giếng khoan ở độ sâu 40-50 m, mua nước bồn loại 220 lít hoặc xin nước của các hộ lân cận về sử dụng. Họ còn xây thêm bể trữ nước mưa. Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, không thể giải quyết dứt điểm được tình trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. “Hiện nay, người dân tổ 1 vẫn chưa được tiếp cận nguồn nước của các nhà máy nước thị trấn Kbang. Chúng tôi đã nêu nguyện vọng được sử dụng nước máy gần 5 năm nay nhưng vẫn chưa được giải quyết”-chị Nhi cho hay.

Trong khi đó, tổ 11 nằm sát Nhà máy nước Dốc Khảo Sát của thị trấn Kbang nhưng đến nay vẫn còn 100/300 hộ chưa được sử dụng nguồn nước máy. Vào mùa khô, họ thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Ông Trần Ngọc Thận-Tổ trưởng tổ 11-cho biết: Thời điểm này ở Kbang đang là cuối mùa khô. Vì thiếu nước, các hộ trên đã mua thêm nước bồn về sử dụng một cách rất tiết kiệm, thậm chí việc tắm giặt cũng bị hạn chế. Nhiều hộ trước đây trồng rau xanh để cải thiện bữa ăn thì nay đất đều bị bỏ hoang vì không còn nước tưới. “Chúng tôi mong nhà máy nước đấu nối thêm đường ống cung cấp nước cho bà con sử dụng”-ông Thận đề xuất.

Cũng theo ông Thận, 200 hộ trong diện phục vụ của các nhà máy nước trên địa bàn vẫn phải đối diện với tình trạng thiếu nước cục bộ vào mùa khô; nguồn nước đôi khi còn bị đục khiến người dân không yên tâm về chất lượng. Bà Nguyễn Thị An (tổ 11) cho biết: “Trước đây, nhà tôi sử dụng nước giếng nên cứ vào mùa khô là bị thiếu nước. Hơn 3 năm nay, gia đình sử dụng nước được cấp từ các nhà máy nước của thị trấn nhưng vào mùa khô nước cấp không đều, ngày có, ngày không. Không những vậy, thỉnh thoảng nước cũng bị đục nên gia đình phải mua thêm thùng phuy để nước lắng khoảng 1 tiếng đồng hồ mới sử dụng”.

Đề cập vấn đề này, ông Lê Cao Sáng-Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kbang-cho biết: Thị trấn Kbang có 3.500 hộ dân, trong đó có 2.500 hộ đã được tiếp cận nguồn nước từ các nhà máy nước của thị trấn cung cấp. Do năm nay nắng hạn kéo dài nên nguồn nước đầu nguồn của các nhà máy bị cạn, dẫn đến không đủ cung cấp thường xuyên cho người dân. Đối với khoảng 1.000 hộ chưa được sử dụng nước máy thuộc các tổ 1, 3, 13 và một phần tổ 11, 12 thì do địa hình khá cao nên các giếng nước thường xuyên bị cạn kiệt vào mùa khô. Các hộ dân này đã khắc phục bằng cách khoan giếng, mua bồn đựng nước hoặc xây bể trữ nước; đồng thời, san sẻ nước cho nhau cùng sử dụng. “Hầu hết các hộ dân đều có nhu cầu được sử dụng nước từ các nhà máy. Vì vậy, địa phương đã kiến nghị huyện cải tạo, nâng cấp các nhà máy và đầu tư thêm hệ thống ống dẫn để cấp nước cho người dân”-ông Sáng cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Cao Cự Minh-Phó Trưởng ban phụ trách Ban Quản lý Hạ tầng Giao thông-Đô thị huyện Kbang-cho biết: Trước đây, huyện Kbang đã đầu tư xây dựng Nhà máy nước Đak Lốp để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân thị trấn. Tuy nhiên, vào mùa khô, nước đầu nguồn của nhà máy thường xuyên bị cạn kiệt dẫn đến không đủ cung cấp. Vì vậy, năm 2016, huyện đã xây dựng thêm Nhà máy nước Dốc Khảo Sát với công suất 2.000 m3/ngày đêm để cấp bù nước cho người dân. Tuy nhiên, số hộ sử dụng nước tăng cao (2.500 hộ ký hợp đồng sử dụng) và năm nay nắng hạn kéo dài khiến nguồn nước từ Nhà máy nước Đak Lốp bị cạn kiệt. Từ đó, nhà máy đã phân lịch cấp nước cho từng khu vực dẫn tới tình trạng ngày có nước, ngày không. Ông Minh thông tin: “Nhà máy nước Đak Lốp xây dựng đã gần 20 năm nên phần nào xuống cấp, đặc biệt là đường ống trung áp chính được chôn lấp dưới đất, lúc nước cạn thường không xả đáy được dẫn đến nước bị đục. Do vậy, huyện có chủ trương nâng cấp, cải tạo Nhà máy nước Đak Lốp và xây mới, mở rộng đập nước Đak Lốp để trữ nước nhiều hơn nhằm đảm bảo nguồn nước cấp cho người dân nhiều hơn, sạch hơn. Riêng với những khu vực chưa được sử dụng nước cấp từ các nhà máy nước của thị trấn, nguyên nhân một phần do nhà máy chưa có kinh phí lắp đặt đường ống dẫn nước, phần khác do địa hình các địa phương này khá cao nhưng công suất vận hành của nhà máy không đủ mạnh để cấp nước”.

 HỒNG THƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.