Dân kêu chịu thiệt khi ký gởi cà phê tại cty CPCP Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ký gửi cà phê là hình thức cà phê được nông dân gửi đến đại lý hoặc các công ty, qua đó giúp bà con bán sản phẩm với giá cả phù hợp nhất. Thực tế hiện nay cho thấy, hình thức ký gửi nông sản này còn nhiều bất cập.
Theo phản ánh của một số hộ trồng cà phê tại thôn Hưng Bình (xã Ia Yok, huyện Ia Grai): Nhiều năm nay, sau khi thu hoạch cà phê, hầu như nông dân ở khu vực này đều ký gửi nông sản tại Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai-Chi nhánh Ia Yok. Dù hai bên không ký hợp đồng thỏa thuận bằng văn bản song bao năm qua, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai luôn giữ chữ tín là mua của người dân theo giá thị trường nên chưa bao giờ xảy ra khiếu kiện.
Người dân thôn Hưng Bình (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) phản ánh sự việc với P.V.  Ảnh: Trần Hằng
Người dân thôn Hưng Bình (xã Ia Yok, huyện Ia Grai) phản ánh sự việc với P.V. Ảnh: Trần Hằng
Theo người dân, sau vụ thu hoạch, nông dân ký gửi cà phê nhân cho Công ty, có lúc lên đến cả trăm tấn. Sau khi “cân đo đong đếm”, Công ty xuất biên lai tổng trọng lượng sản phẩm ký gửi cho nông dân, hai bên thỏa thuận với nhau bằng miệng, không làm hợp đồng. Khi nông dân thấy giá cả thị trường đảm bảo quyền lợi cho mình hoặc cần tiền thì đến Công ty cắt giá, nghĩa là lúc này nông dân bán luôn sản phẩm cho Công ty. Chẳng hạn, nếu giá cà phê trên thị trường tại thời điểm nông dân muốn cắt giá là 34.000 đồng/kg thì đơn vị sẽ thu mua cho nông dân với giá 33.900 đồng/kg. Dù không có giấy tờ nào ràng buộc về pháp lý song hai bên đã duy trì kiểu làm ăn này với nhau đến nay đã gần chục năm.
Vụ mùa 2018-2019, sau khi thu hoạch, gia đình ông Dương Quang Cảnh (thôn Hưng Bình, xã Ia Yok) mang 4 tấn cà phê nhân đến Công ty ký gửi. Khoảng 14 giờ ngày 23-5, giá cà phê thị trường theo công bố trên mạng là 32.000 đồng/kg nhưng Công ty chỉ đồng ý cho ông Cảnh cắt với giá 31.400 đồng/kg, nghĩa là ông Cảnh mất 6 giá, quy ra tiền là thiệt hại khoảng 2,5 triệu đồng. Không đồng ý với kiểu cắt giá này, ông Cảnh đã bức xúc phản ánh thì người của Công ty nói là do cấp trên chỉ đạo như vậy(?). Theo đó, ông Cảnh quyết định không cắt giá mà ra về. Tuy nhiên vài ngày sau, trước áp lực trả tiền phân bón và một số khoản vay khác, ông Cảnh lại đến Công ty để cắt giá. Lúc này, giá cà phê nhân trên thị trường công bố là 33.200 đồng/kg, nhưng Công ty chỉ đồng ý cho cắt với giá 32.500 đồng/kg. Vì quá cần tiền nên sau một hồi tranh cãi, ông Cảnh buộc phải đồng ý cắt 2,5 tấn cà phê và chịu thiệt 7 giá so với giá thị trường.
Theo ông Cảnh, những năm gần đây, cây cà phê luôn trong tình trạng mất mùa, mất giá. Vì vậy, để đạt ngưỡng hòa vốn thì giá thị trường phải đạt 32.000 đồng/kg cà phê nhân, vượt qua thì mới có chút lời, thấp hơn thì lỗ nặng. “Làm nông dân, ai cũng muốn đợi giá tăng cao để có thêm đồng ra đồng vô song trước các khoản chi của gia đình nên chúng tôi buộc lòng phải cắt giá sớm. Vậy mà họ còn chèn ép người nông dân”-ông Cảnh bức xúc.
Tương tự là trường hợp của bà Lã Thị Yến (cùng thôn Hưng Bình). Năm vừa rồi, gia đình bà ký gửi cho Công ty 4,7 tấn cà phê nhân. Mới đây, vì cần tiền xoay xở việc gia đình, bà Yến đã cắt giá toàn bộ số cà phê đã ký gửi, cũng bị Công ty ép xuống 5-6 giá so với giá thị trường, thiệt hại gần 3 triệu đồng.
Theo người dân, các thời điểm họ cắt giá, một đơn vị khác trên địa bàn huyện Ia Grai là Công ty Cà phê Bắc Tây Nguyên vẫn trả cho người ký gửi như giá thị trường công bố. Trước đây, khi còn thuộc Nhà nước quản lý, Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai làm ăn rất đàng hoàng nên người dân trong vùng có lúc ký gửi hàng ngàn tấn cà phê nhân mà vẫn không một chút băn khoăn. Khi vừa được chuyển giao sang cho tư nhân quản lý chẳng bao lâu mà đã “chặn” nông dân một cách ngang nhiên như thế. “Với cách làm việc như trên, chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ hợp tác với công ty này nữa”-một người dân khẳng định.
Trao đổi với P.V, ông Lê Ngọc Điệp-Chủ tịch UBND xã Ia Yok-cho biết: Ông có nghe dân bức xúc nhưng chỉ mới mức độ nói với nhau chứ không có đơn từ gửi đến xã. “Nếu dân gửi đơn đến xã, lúc đó chúng tôi sẽ có cơ sở thành lập đoàn, mời các bên liên quan lên làm việc cho rõ ràng. Hiện Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai là của tư nhân, trụ sở chính tại TP. Pleiku, lãnh đạo thì chẳng mấy khi vào đây, rồi việc bàn giao giữa Nhà nước và tư nhân nghe đâu cũng chưa dứt điểm nên đây cũng là một khó khăn của chúng tôi nếu giải quyết vụ việc”-ông Điệp nói.
Liên quan đến vấn đề này, P.V đã nhiều lần đăng ký làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Cà phê Gia Lai nhưng đều nhận được câu trả lời bận hoặc đi công tác nước ngoài.
Trần Hằng

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.