Chấm thi THPT Quốc gia 2019: Quy trình chặt chẽ,kỹ càng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hiện nay, khâu chấm thi của kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có nhiều điều chỉnh, bổ sung nâng cấp quy trình và phần mềm chấm thi trắc nghiệm lẫn tự luận. Tại Gia Lai, quy trình này cũng đang được tiến hành hết sức chặt chẽ.
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Đức Thụy
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT Quốc gia 2019 tại điểm thi Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Đức Thụy
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng ban chấm thi tự luận-cho biết: Hiện nay, hơn 100 cán bộ, giáo viên chấm 12.988 bài Ngữ văn tự luận đã được cách ly, làm nhiệm vụ ở khu vực chấm thi đặt tại Trường THPT chuyên Hùng Vương. Năm nay, Bộ GD-ĐT vẫn giao cho các Sở GD-ĐT chủ trì việc chấm bài tự luận nhưng áp dụng quy trình chặt chẽ hơn, lắp đặt camera giám sát tại tất cả các phòng chấm thi. Mỗi bài thi tự luận được chấm 2 vòng độc lập bởi 2 giám khảo ngồi ở 2 phòng khác nhau, trước khi so dò điểm. Nếu bài thi lệch dưới 1 điểm thì 2 giám khảo tiến hành thảo luận thống nhất. Nếu bài thi chênh lệch từ 1 đến 1,5 điểm thì 2 giám khảo sẽ phải đối thoại và ghi biên bản. Nếu 2 giám khảo không thống nhất được thì Tổ trưởng chấm thi sẽ chấm lại và quyết định điểm số cuối cùng. Nếu bài thi chênh lệch trên 1,5 điểm thì phải tổ chức chấm lại lần 3. Kết quả trong 3 lần chấm khác nhau và chênh lệch trên 2,5 điểm thì Tổ trưởng chấm thi sẽ tổ chức chấm tập thể. Năm nay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, bài thi tự luận nào đạt điểm cao sẽ được Bộ GD-ĐT xem xét lại kỹ lưỡng.
Đối với các bài thi trắc nghiệm, năm nay, Bộ GD-ĐT không giao cho các Sở GD-ĐT như những năm trước mà giao cho các trường đại học chủ trì với 100% cán bộ, giảng viên các trường đại học thực hiện nhiệm vụ chấm thi. Đây được coi là giải pháp phòng ngừa tình trạng gian lận trong thi cử từ phía địa phương. Tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Gia Lai, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh được giao nhiệm vụ này. Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Tất Toàn-Phó Hiệu trưởng nhà trường, Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm-cho biết: “Hiện nay, 15 cán bộ, giảng viên của chúng tôi đang làm nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao. Chúng tôi rất đồng tình khi Bộ GD-ĐT giao các trường đại học chủ trì công tác chấm thi trắc nghiệm, vì hơn ai hết chúng tôi mong muốn một kỳ thi “sạch” để có được những sinh viên tốt nhất vào trường”.
Cũng theo PGS-TS. Nguyễn Tất Toàn, theo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2019, các thành viên của Ban chấm thi trắc nghiệm, tổ giám sát và người thi hành nhiệm vụ liên quan không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác vào phòng chấm thi; không được sửa chữa, thêm bớt vào phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh với bất kỳ hình thức nào và lý do gì. Kỹ thuật viên thực hiện nhiệm vụ trực tiếp chấm bài thi trắc nghiệm phải nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm, nếu phát hiện bất thường phải báo ngay với Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm để cùng tổ giám sát lập biên bản, báo cáo Trưởng ban chấm thi xử lý. Các phiếu trả lời trắc nghiệm đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GD-ĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả. Bài thi trắc nghiệm của thí sinh được đánh phách điện tử đảm bảo người chấm nhìn thấy bài nhưng không thấy phách, qua đó nhằm loại trừ việc cố tình can thiệp vào điểm của thí sinh.
Nói về phần mềm chấm thi trắc nghiệm của Bộ GD-ĐT tại kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, ông Trần Quốc Việt-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, giảng viên bộ môn Hệ thống thông tin (Khoa Công nghệ thông tin), Tổ trưởng chấm thi trắc nghiệm-cho biết thêm: “Bộ GD-ĐT đã sửa đổi, nâng cấp và cho chạy thử nghiệm phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Các dữ liệu sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa, kể cả đáp án. Chỉ khi Bộ GD-ĐT cung cấp khóa giải mã, người chấm mới có thể xem. Nếu làm sai ở khâu nào đó, người chấm thi không thể tự quay lại để điều chỉnh mà phải được Bộ cấp mã để vào sửa. Do đó, chúng tôi đã nhắc nhở anh em nêu cao tinh thần trách nhiệm, bảo đảm sự chính xác, chậm mà chắc chứ không vội vàng trong các khâu thực hiện”.
Năm nay, kết quả thi THPT Quốc gia 2019 sẽ được công bố vào ngày 14-7 tới (muộn hơn 3 ngày so với năm 2018). Thí sinh nộp đơn chấm phúc khảo từ ngày 14 đến 23-7.

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Để khâu chấm thi tự luận tại kỳ THPT Quốc gia 2019 diễn ra thuận lợi, mang lại sự công bằng cho từng thí sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia chấm thi đã được Sở GD-ĐT lựa chọn kỹ càng. Những giáo viên này phải đáp ứng các yêu cầu: chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, có nhiều kinh nghiệm trong chấm thi tại các kỳ thi quan trọng cấp tỉnh và đặc biệt là không vi phạm quy định trong thi cử, học tập trước đó”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Tổng kết, sơ kết các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quân đội

Quân đoàn 3: Tổng kết, sơ kết các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quân đội

(GLO)-

Ngày 15-3, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI; sơ kết 3 năm việc thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XIII và 2 năm thực hiện Nghị quyết 847-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương.