"Sống chung" đến bao giờ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sống chung có nghĩa là không phải sống riêng chứ gì, cứ tạm cho là như vậy đi! Nghĩa là ta/chúng ta phải sống với một ai khác, cái gì khác, hiện thực khác, không giống với mình/người mình/nhà mình/tổ chức mình. Mà ai/cái/thứ khác ấy, có khi ta chẳng mong muốn, dễ chịu gì cho cam.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào còn khiến bao người hoảng hốt.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào còn khiến bao người hoảng hốt. (ảnh internet)
Chẳng phải từ bao lâu nay, ta vẫn phải sống chung với vấn nạn tai nạn giao thông, trộm cướp, tệ nạn, hàng loạt loại “tặc” (lâm tặc, cát tặc, vàng tặc…), mất an toàn vệ sinh thực phẩm, rác thải, ô nhiễm môi trường, lũ lụt, sạt lở đất, nạn tàn phá rừng, chạy chức chạy quyền, tiêu cực tham nhũng tràn lan… đó sao!
Và cũng đã rất lâu lắm rồi, những vấn nạn này hình như “không có thuốc chữa”. Thực tế đã chứng minh, ô nhiễm như càng ô nhiễm nặng hơn; mất an toàn vệ sinh thực phẩm như càng mất vệ sinh và an toàn hơn. Bài toán an toàn giao thông nước nhà vẫn chưa có lời giải, trở thành nỗi lo lắng thường trực của rất nhiều người mỗi khi bước chân ra đường. Một loạt vụ tai nạn giao thông mới đây ở Quảng Nam, Kon Tum, Đồng Nai… là sự nối dài đau đớn và lo sợ trong mỗi chúng ta. Rồi sạt lở đất, lũ lụt, nhiều “vấn đề” khác, tính chất, mức độ nghiêm trọng cũng gia tăng tương tự…
Không ai là không bất bình, phẫn nộ trước thảm cảnh hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn héc ta rừng bị tàn phá-thủ phạm trực tiếp gây ra hậu quả hạn hán, sạt lở đất, lũ lụt. Không ai là không lo sợ trước những quả “bom nước” hồ chứa thủy điện, thủy lợi, ao hồ gia cố, bảo dưỡng sơ sài, qua loa trong mùa mưa bão. Sự cố vỡ đập thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy tại Lào còn khiến bao người hoảng hốt. Thủy điện Sơn La, Hòa Bình mới đây xả lũ để bảo đảm an toàn cũng gây cho nhiều vùng ở Hòa Bình, Hà Nội ngập lụt khủng khiếp.
Nhiều vấn nạn trong cuộc sống nếu không do “nhân tai” thì là “thiên tai”, có khi nguyên nhân là do cả hai. Nhưng, phải bắt được bệnh mới kê được đơn, bốc đúng thuốc. Chúng ta cũng luôn chủ động kế hoạch, đề án, phương án, tầm nhìn, chiến lược thậm chí rất sát, rất tâm huyết, rất khoa học nhưng kết quả thì chưa bao giờ như mong muốn. Tệ nạn, vấn nạn cứ mãi tồn tại, thậm chí xấu hơn, tệ hơn, đe dọa hơn, nguy hiểm hơn. Chính vì cái xấu, cái dở, cái ác, cái nguy cơ chậm đấu tranh, xóa bỏ, khắc phục. Lòng tin con người cũng vì thế mà hao hụt và giảm sút dần, lâu ngày thành chai sạn...
Lựa chọn của chúng ta là phương pháp quản lý xã hội ưu việt, tốt đẹp, tiến bộ, văn minh. Nhưng tuyên truyền, giáo dục và nhiều giải pháp khác vẫn chưa đem lại hiệu quả như mong muốn. Vậy nên, rất cần thiết chế, chế tài nghiêm khắc đối với hành vi đi ngược lại luật pháp, đạo đức, thuần phong mỹ tục. Đầu tiên là áp dụng với người thừa hành. Chủ trương đúng, pháp luật có nhưng tình hình không chuyển, kết quả nghèo nàn, người thi hành không nghiêm thì pháp chế làm sao có được? Phải từ “quan” rồi đến dân. Phải sòng phẳng, nghiêm túc để tiến bộ, thay đổi tình hình. Xã hội vận động, biến đổi không ngừng, trong đó có cái tốt, cái xấu, cái dở. Nhưng thực tế là nhiều “vấn đề”, nhiều cái xấu, cái dở đã tồn tại từ rất lâu rồi mà chưa có cách hóa giải, khắc phục, xóa bỏ.
Không lẽ “chấp nhận hy sinh”, “sống chung với lũ” hay “tránh voi chẳng xấu mặt nào” mãi hay sao?
Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.