Lại chuyện về rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có không ít người cho rằng vài năm lại đây, nhất là năm nay mùa mưa ở Tây Nguyên như có vẻ kéo dài hơn, thời gian mưa trong ngày dày hơn, lượng mưa nhiều hơn… Nói như thế là hoặc họ chưa biết “quy luật” nắng mưa của vùng đất mà họ đang sống-Tây Nguyên; hoặc vì một lý do nào đó mà họ không quan tâm đến… chuyện của trời?
Trong các tài liệu về vùng Tây Nguyên từ trước đến nay đều nói nơi đây thời tiết chia 2 mùa nắng-mưa khá rõ rệt: mùa mưa bắt đầu từ hạ tuần tháng 4 đến hạ tuần tháng 10, và thời gian còn lại trong năm là mùa khô; lượng mưa trung bình khoảng 2.100 mm. Cho nên đang trong thời điểm mùa mưa mà mưa như mấy tháng nay là phù hợp. Ngoại trừ “thiên không thời, địa không lợi!”.
  Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh.      Ảnh: Đức Thụy
Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh. Ảnh: Đức Thụy
.
Câu chuyện về thời tiết, khí hậu Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng của năm nay nhắc tôi nhớ về một thời xa xưa, đúng như các tài liệu nói về nắng mưa của Tây Nguyên. Hồi những năm 70, 80 của thế kỷ trước, khi mà chưa có thuật ngữ “biến đổi khí hậu”, thời tiết Gia Lai khá đẹp, nắng mưa thuận hòa. Và vì thế, bao đời người dân bản địa đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm “xương máu” thể hiện qua ca dao, hò vè, câu đối…, đời trước truyền cho đời sau trong chuyện mùa màng, gieo trỉa, gặt hái; săn bắt; lễ hội… Xã hội phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu cho đời sống về mọi mặt cũng theo đó mà tăng lên, cho nên những cái từng thuộc về quy luật tự nhiên và xã hội cũng thay đổi. Có những cái thay đổi theo hướng tiêu cực, như rừng bị tàn phá dẫn đến khô hạn và lũ lụt không theo một quy luật nào; trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội không phù hợp với điều kiện tự nhiên; phát triển cây trồng, vật nuôi không theo quy hoạch; phát triển công nghiệp, thủy điện… phá vỡ môi trường sinh thái, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, “góp phần” phá hủy môi trường sống của chính mình-con người!
Trong bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ xin nêu một thực trạng về rừng ở Gia Lai, chắc chắn là một trong những tác nhân góp phần làm cho… mưa bất thuận, gió không hòa, nắng hạn kéo dài, mùa màng thất bát, dịch bệnh, ốm đau trên người và gia súc bất thường trong những năm qua. Tôi còn nhớ một tài liệu đáng tin cậy trước năm 1975 thống kê: độ che phủ của rừng Tây Nguyên (trong đó có Gia Lai) là trên 46%. Có thể nói, đó là con số lý tưởng mà nhiều quốc gia mong đạt đến. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, yếu tố gây hại nghiêm trọng cho rừng mà chúng ta đã biết và không thể không nói đến là bom đạn chiến tranh tàn phá, trong đó đặc biệt nghiêm trọng là trên 80 triệu lít chất diệt cỏ (50% số đó là chất độc da cam) mà quân đội Mỹ dội xuống hàng vạn héc ta rừng nguyên sinh. Sau chiến tranh, để kịp thời giải quyết tình trạng đói trong một bộ phận không nhỏ người dân, chúng ta cũng đã có chủ trương khai hoang, phát rừng để làm lương thực. Trong điều kiện lúc bấy giờ có chủ trương như vậy là phù hợp với thực tế. Song, cùng với chủ trương đó, chúng ta đã chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng, cho phát triển tràn lan các xí nghiệp, lâm trường làm nhiệm vụ khai thác, chế biến, mua bán gỗ và không thể kiểm soát được tình trạng khai thác và mua bán một lượng lớn gỗ và lâm sản lậu.
Sau nhiều năm “rút ra bài học”, chúng ta đã đề ra chủ trương tái tạo, trồng và tăng cường công tác bảo vệ rừng, nhưng hiệu quả đạt được không như mong muốn. Rừng tiếp tục và liên tục bị xâm hại. Đặc biệt, cách đây chưa lâu, do thực hiện chủ trương về quy hoạch, phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên của Chính phủ một cách thiếu khoa học, thiếu khách quan, quy hoạch không chính xác trong việc chuyển đổi rừng nghèo (chủ yếu là rừng khộp-dầu) sang trồng cây cao su nên trên 32.000 ha rừng (nghèo?) của Gia Lai đã biến thành trên 25.000 ha cao su. Cho đến nay, theo thống kê chưa đầy đủ từ các doanh nghiệp có dự án trồng cao su trên địa bàn, thì đã có khoảng 12.000 ha cao su đang được đề nghị chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác.
Có lẽ không ai không biết ảnh hưởng nghiêm trọng của việc phá rừng đối với môi trường lớn đến mức nào, song công tác trồng và bảo vệ rừng dù đã đặt ra rất nhiều “quyết tâm”, “quyết liệt” vẫn còn quá nhiều kẽ hở về chính sách để người dân phá rừng làm nương rẫy, trồng cây công nghiệp; doanh nghiệp lợi dụng chính sách phát triển cây công nghiệp dài ngày để tàn phá rừng; lực lượng kiểm lâm với nhiều lý do khách quan và chủ quan thực hiện nhiệm vụ của mình chưa hiệu quả. Vì vậy, mục tiêu đến năm 2020, bình quân mỗi năm Gia Lai sẽ trồng mới trên 8.000 ha rừng (hiện nay ước cả rừng tự nhiên và rừng trồng khoảng 720.000 ha), nâng độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh lên 46,6%.
Bích Hà

Có thể bạn quan tâm

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

Sức mạnh ở Tiểu đoàn SPG-9

(GLO)- Tiểu đoàn SPG-9 (Tiểu đoàn 15), Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 được trang bị hỏa lực mạnh, cơ động nhanh là một trong những lực lượng chủ công của Sư đoàn 320 khi thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ địa bàn.


Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.