51 năm thành lập ASEAN(8/8/1967-8/8/2018): Điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trải qua hơn nửa thế kỷ thành lập và phát triển, ASEAN ngày càng lớn mạnh, đạt nhiều thành tựu mang tính bước ngoặt, có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế thế giới. Trong đó, Việt Nam đóng góp không nhỏ vào thành tựu chung của ASEAN
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 (tháng 4/2018)
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 32 (tháng 4/2018)
ASEAN ngày nay có sức mạnh kinh tế to lớn, với 630 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ. Các nước ASEAN là những đầu tàu mạnh mẽ của tăng trưởng, dưới các hình thức công nghiệp hóa, đô thị hóa, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ và cải tiến giáo dục…
Trong sự phát triển chung đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực nhất, đóng góp chủ động vào các hoạt động chung của khu vực. ASEAN nay đã trở thành đối tác thương mại đứng thứ hai của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng bình quân 14,5%/năm trong thập kỷ qua; thị trường lớn thứ ba và là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và ASEAN đạt 28,45 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này 12,65 tỷ USD, nhập khẩu 15,8 tỷ USD.
Hiện có 8/11 nước ASEAN (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Brunei, Indonesia, Philippines, Lào, Campuchia) đầu tư vào Việt Nam với 2.629 dự án còn hiệu lực. Tổng vốn đăng ký đạt 54,6 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng số dự án và 21,7% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước. Lĩnh vực thu hút được nhiều dự án của nhà đầu tư ASEAN là công nghiệp chế biến, chế tạo (1.009 dự án và 22,2 tỷ USD, chiếm 38% tổng số dự án và 40,8% tổng vốn đầu tư).
Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra mới đây tại Singapore, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, với việc mở rộng thành viên, đẩy mạnh hợp tác, nhất là về kinh tế, thúc đẩy quan hệ với các đối tác và hình thành các diễn đàn đối thoại đa dạng ở khu vực như ARF, ASEAN+3, EAS…, ASEAN đã đóng góp tích cực cho việc hình thành một cấu trúc khu vực rộng mở, thu nạp và dựa trên luật lệ; đóng góp quan trọng cho hòa bình, an ninh và ổn định chung.
“Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, ASEAN cần đẩy mạnh nỗ lực ứng dụng công nghệ mới, thúc đẩy kết nối số và phát triển dựa vào sáng tạo” - Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, sau Singapore 2018 và Thái Lan 2019.
“Chúng ta đã có nền tảng vững chắc trong ASEAN và sẽ phấn đấu ở mức độ cao nhất để thành công trong nhiệm kỳ Chủ tịch 2020, góp phần đưa ASEAN có những bước tiến xa hơn nữa và nâng cao hơn nữa vị thế Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng khẳng định.
Nguyễn Hường (Công thương)

Có thể bạn quan tâm