Gia Lai: Tôn vinh người làm báo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lễ kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2018) và trao giải Báo chí tỉnh Gia Lai lần thứ VII-năm 2018 vừa được Hội Nhà báo tỉnh tổ chức vào chiều 18-6 nhằm ghi nhận những cống hiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên trong tỉnh trong năm qua. Đây cũng là dịp để những người làm báo bày tỏ những ý kiến tâm huyết nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng tuyên truyền.
 

Ảnh: Đ.T
Ảnh: Đ.T

Đến dự buổi gặp mặt có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Quân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh cùng hơn 200 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam đang sinh hoạt tại 7 chi hội thuộc Hội Nhà báo tỉnh và đội ngũ phóng viên Trung ương, ngành có văn phòng thường trú trên địa bàn.

Những ý kiến tâm huyết

Trong không khí thân mật, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại truyền thống 93 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Cùng với hoạt động báo chí cả nước, báo chí Gia Lai đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn; cổ vũ, động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Các cơ quan báo chí Gia Lai đã tập trung tuyên truyền kịp thời và đúng định hướng của tỉnh, bám sát thực tế, thông tin kịp thời và phân tích sâu sắc những sự kiện mới; phát hiện và phản ánh trung thực những điển hình tiên tiến, cổ vũ nhân tố mới, dũng cảm trong đấu tranh chống những biểu hiện trì trệ, tiêu cực; đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề thiết thực mà xã hội quan tâm; đóng góp xứng đáng vào những thành tựu to lớn của tỉnh nhà.

 

Ông Trần Văn Nghĩa-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giải A cho các tác giả.      Ảnh: Đ.T
Ông Trần Văn Nghĩa-Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh trao giải A cho các tác giả. Ảnh: Đ.T

Nhân dịp này, đội ngũ người làm báo tỉnh nhà đã bày tỏ những ý kiến tâm huyết để nâng cao chất lượng tuyên truyền trong thời gian tới. Là một hội viên đã nghỉ hưu gần 9 năm và đang sinh hoạt tại chi hội Nhà báo Đài Truyền thanh-Truyền hình khu vực Đông Gia Lai, nhà báo Phan Duy Tiên luôn tâm nguyện giữ gìn phẩm chất của một nhà báo, thực hiện nhiệm vụ trong khả năng có thể. Ông bày tỏ: “Với trách nhiệm là một hội viên, tôi đã viết nhiều bài nêu bật những truyền thống của ông cha trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Chúng ta không thể chống “tự diễn biến, tự chuyển hóa” bằng những câu từ sáo ngữ, mà bằng chính những bài viết của mình”.

Là một phóng viên trẻ, phóng viên Song Nguyễn (chi hội Nhà báo Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) cho rằng: Trước yêu cầu mới đặt ra, nhất là trong thời kỳ nước ta đang tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0 và mạng xã hội phát triển phổ biến như hiện nay, mỗi người làm báo địa phương phải thật sự nhạy bén, chủ động tiếp thu và làm chủ công nghệ. Cần đi sâu, đi sát cơ sở, tiếp cận đa chiều để có những ấn phẩm hay, đặc sắc tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, nâng cao tính phản biện của báo chí. “Mỗi tác phẩm báo chí hình thành là cả một quá trình phấn đấu, khẳng định trách nhiệm của bản thân đối với nghề và vượt lên tất cả là niềm hăng say được cống hiến”-anh Song Nguyễn nói.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm và trao giải, đồng chí Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ghi nhận và biểu dương những kết quả mà các tập thể, cá nhân những người làm báo đã đạt được trong thời gian qua. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo trên địa bàn tỉnh cần lưu ý thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Một là, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, định hướng phát triển và quản lý báo chí, bảo đảm nguyên tắc báo chí luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, bám sát nhiệm vụ chính trị, phù hợp với thực tiễn và xu thế chung của đất nước. Hai là, báo chí Gia Lai phải thực sự là vũ khí sắc bén của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn tin cậy của nhân dân trong tỉnh. Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí, các nhà báo cần chủ động tổ chức học tập, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo. Ba là, cần tích cực viết các bài viết nêu gương người tốt, việc tốt, những kết quả, thành tựu tốt của địa phương, cơ quan, những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Bốn là, để giải báo chí hàng năm trở thành “sân chơi” hấp dẫn và ngày càng đạt chất lượng, hiệu quả hơn, yêu cầu Hội Nhà báo tỉnh thường xuyên phát động các đợt thi đua theo từng mảng chủ đề gắn với những sự kiện chính trị, những ngày kỷ niệm lớn trong năm, thông qua đó chọn ra những tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí tỉnh và Giải Báo chí Quốc gia.

Tôn vinh những tác phẩm chất lượng

Giải Báo chí tỉnh hàng năm luôn thu hút đông đảo các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên của tỉnh tham gia. Năm nay, Giải Báo chí lần thứ VII có 67 tác phẩm dự thi. Các tác phẩm dự giải đều được đầu tư rất công phu, có sự bám sát thực tế, chịu khó tìm tòi và phản ánh khá toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Đặc biệt, nhiều tác phẩm chú trọng phản ánh các sự kiện lớn của tỉnh nhà; đề tài học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; công tác xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng.

 

Trao giải C cho các tác giả. Ảnh: Đ.T
Trao giải C cho các tác giả. Ảnh: Đ.T

Một số vấn đề “nóng” của địa phương cũng đã được đội ngũ những người làm báo của tỉnh phản ánh sắc sảo, đem đến cái nhìn đa chiều, cung cấp thông tin có chiều sâu cho độc giả như tác phẩm: Điêu đứng vì “tín dụng đen” của tác giả Minh Triều (Báo Gia Lai); Đường dây khai thác, vận chuyển gỗ lậu Ia Grai-Chư Pah của tác giả Nguyễn Vĩnh Hoàng (Báo Gia Lai); Lâm tặc tấn công rừng Lơ Pang của tác giả Lê Văn Ngọc (Báo Gia Lai); Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng và dấu ấn hợp tác phát triển của tác giả Hồng Uyên-Thanh Sáng (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh); Tập quán chăn nuôi-nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên đàn gia súc của tác giả Nguyễn Sang (Đài Truyền thanh-Truyền hình thị xã Ayun Pa)...

Tích cực sâu sát với cơ sở, tác giả Minh Triều (Báo Gia Lai) đã được trao giải A thể loại báo in với loạt bài: Điêu đứng vì “tín dụng đen” đề cập đến hình thức cho vay nặng lãi đang len lỏi khắp các buôn làng trên địa bàn tỉnh. Nhiều hộ dân tộc thiểu số nghèo trót vay tiền, ứng phân bón, gạo… đã vô tình rơi vào “ma trận” của các chủ nợ. Phóng viên Minh Triều cho biết: “Đây là một đề tài khá nhạy cảm, vì thế, để hoàn thành loạt bài này tôi đã đi nhiều địa phương như Krông Pa, Ia Pa, Chư Sê, Kbang... để thu thập thông tin nhằm đảm bảo tính trung thực, khách quan. Mỗi tác phẩm là một đứa con tinh thần của tác giả, vì thế tôi luôn chịu khó đầu tư thời gian, chịu khó tìm tòi để đưa đến cho bạn đọc những bài viết chất lượng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục trau dồi chuyên môn, bám sát cơ sở để sáng tạo thêm nhiều tác phẩm báo chí đạt chất lượng”.

Là phóng viên phụ trách mảng văn hóa dân tộc (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) nên phóng viên Tạ Kim Ngân có điều kiện tiếp xúc với nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Bahnar và Jrai. Tác phẩm Bảo tồn như thế-sử thi liệu có còn…? (giải A thể loại báo nói) và tác phẩm Lắng lòng nghe khúc dân ca (giải khuyến khích thể loại báo hình) là những sản phẩm tâm huyết của anh nhằm phản ánh và tuyên truyền, kêu gọi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc. “Để có những bài viết này, chúng tôi cũng gặp một số khó khăn như: các nghệ nhân đều đã lớn tuổi và nhiều người tài hoa đã qua đời, phải đi thực tế nhiều địa phương để phản ánh đầy đủ thông tin, bản thân tôi cũng không rành tiếng Jrai và Bahnar nên gặp khó trong phỏng vấn. Có tác phẩm đạt giải là niềm vinh dự và động lực để bản thân tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ”-anh Tạ Kim Ngân chia sẻ.

Đánh giá chất lượng những tác phẩm báo chí năm nay, ông Trần Ngọc Nhung-Giám đốc Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng chung khảo cho biết: Chất lượng các tác phẩm báo chí tham gia dự thi năm nay cao hơn so với những năm trước, phong phú về đề tài, đa dạng về hình thức thể hiện, góp phần làm nên sự thành công của Giải Báo chí năm nay. Nhìn chung, các tác phẩm đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là của địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về xúc tiến đầu tư, khai thác tiềm năng du lịch, nêu gương người tốt việc tốt, xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng…

Tại lễ trao giải, Hội đồng chung khảo đã trao 30 giải cho các tác phẩm báo chí ở cả 3 thể loại: báo in, báo nói, báo hình cho các tác giả, nhóm tác giả đạt giải. Mỗi thể loại gồm có 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 4 giải khuyến khích. Ở thể loại báo in, giải A thuộc về tác phẩm: “Điêu đứng vì “tín dụng đen” của tác giả Minh Triều (Báo Gia Lai). Giải A thể loại báo nói thuộc về tác phẩm “Bảo tồn như thế-sử thi liệu có còn…?” của tác giả Tạ Kim Ngân (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh). Tác phẩm “Gia Lai-TP. Hồ Chí Minh: Tiềm năng và dấu ấn hợp tác phát triển” của tác giả Hồng Uyên-Thanh Sáng (Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh) giành giải A thể loại báo hình.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.