Một kiểu tuyển sinh kỳ quặc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Một kiểu tuyển sinh kỳ quặc vừa được một số trường đại học công bố trong mùa tuyển sinh năm nay. Đó là đưa ra tổ hợp môn xét tuyển trái ngược hẳn với ngành đào tạo. Đơn cử, các ngành như: Công nghệ thông tin, Kế toán, Tài chính ngân hàng... thì tuyển sinh bằng tổ hợp môn khoa học xã hội hay ngành Văn học tuyển sinh tổ hợp môn khoa học tự nhiên. Một số trường tuyển ngành Kiến trúc bằng các tổ hợp không có môn năng khiếu hay Công nghệ sinh học nhưng không có môn Sinh học. Có vẻ như các trường đang cố tuyển cho đủ chỉ tiêu, bất chấp hệ quả lâu dài xảy ra với sinh viên và nhà trường.
 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thật khó tìm được từ nào chính xác hơn từ “kỳ quặc” để nói về kiểu tuyển sinh lần đầu xuất hiện trong lịch sử giáo dục đại học ở nước ta. Nhiều chuyên gia cho rằng: “Không hiểu cách tuyển sinh này nhằm ý đồ gì. Bởi tuyển đầu vào mà không gắn với chuyên ngành đào tạo, không phải là kiến thức nền tảng cho việc đào tạo thì sinh viên sẽ khó học tốt, chất lượng đầu ra khó có thể đạt chất lượng cao”. PGS-TS Lê Hữu Lập-nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, cho rằng: “Về nguyên tắc, khi được tự chủ, các trường đại học có quyền đưa ra bất kỳ tổ hợp môn xét tuyển nào cho các ngành đào tạo. Tuy nhiên, nếu tổ hợp môn xét tuyển trái với ngành nghề đào tạo thì sẽ không đánh giá được học sinh ấy có nền tảng để học tốt ngành học hay không. Điều này sẽ gây rủi ro rất lớn cho thí sinh sau này” .

Dư luận từng bất ngờ với chuyện hàng ngàn sinh viên bị các trường đại học cảnh cáo, buộc thôi học vì kết quả học tập kém; có trường, hàng trăm sinh viên không thể tốt nghiệp đúng hạn mỗi năm. Nguyên nhân thì nhiều nhưng chủ yếu là do sinh viên không đủ khả năng theo đuổi chương trình đào tạo vì đã chọn ngành học quá sức của mình. Đây là hệ quả của tình trạng học lệch, học sinh theo khối C sẽ học không tốt khối A và ngược lại.

Chính vì vậy, thông tin các trường đại học mở rộng tổ hợp, xét tuyển cả những môn không phù hợp với đặc thù của ngành nghề đào tạo đã khiến dư luận băn khoăn, lo lắng và đặt câu hỏi: Liệu chất lượng đào tạo có được đảm bảo? Sinh viên có theo kịp được chương trình, hay phải thôi học giữa chừng, tốn kém thời gian và tiền bạc, gây lãng phí cho gia đình và xã hội?

Cũng có chuyên gia cho rằng, mở rộng cửa tuyển sinh là cách tạo ra thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn ngành nghề để học tập. Chỉ cần siết chặt “đầu ra” là sẽ đảm bảo sản phẩm đào tạo đạt ngưỡng chất lượng. Tuy nhiên, đó là nói theo lý thuyết mà thôi. Thực tế cho thấy, nguyên tắc này dường như chưa được thực hiện nghiêm túc ở phần nhiều các trường đại học nước ta, nhất là các trường tư thục thuộc nhóm thấp. Tâm lý sính bằng cấp, tính sĩ diện của nhiều phụ huynh đang đẩy con em họ vào đại học bằng bất cứ giá nào, bất cứ trường nào, miễn là học đại học. Về lâu dài, điều này dễ dẫn đến nguy cơ sinh viên chán học, bỏ học khi không theo kịp chương trình đào tạo.

Xã hội hóa giáo dục, mở rộng các mô hình đào tạo, huy động mọi nguồn lực cho giáo dục là việc nên làm. Tuy nhiên, giáo dục là một hoạt động mang tính đặc thù. Lỗ-lãi trong giáo dục không chỉ đo đếm bằng tiền. Vì vậy, nếu chỉ cố tuyển sinh bằng mọi giá cho đủ chỉ tiêu nhằm đảm bảo nguồn thu cho hoạt động của trường mà bất chấp hậu quả xảy ra cho người học là cố tình tạo gánh nặng cho xã hội. Sinh viên ra trường kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng thì con số 200.000 cử nhân thất nghiệp chắc chắn sẽ tiếp tục được bổ sung. Không chỉ gây thiệt hại cho người học mà uy tín của nhà trường cũng sẽ giảm sút. Nghĩa là nhìn về lâu về dài thì những trường có cách tuyển sinh kỳ quặc kiểu này đang “lấy đá ghè chân mình”.

Vì vậy, cách tuyển sinh kỳ quặc này phải được ngành Giáo dục và Đào tạo ngăn chặn ngay từ đầu!

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.