Để mọi nhà đều có Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này, mọi người, mọi nhà đang tất bật chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất. Nhưng với người nghèo, người thu nhập thấp, Tết lại là câu chuyện của những nỗi lo toan. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội đang dành sự quan tâm đặc biệt để lo Tết cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Các hoạt động hỗ trợ đang diễn ra khắp mọi miền đất nước với hy vọng không để gia đình nào thiếu Tết.

Cả nước hiện còn hơn 1,9 triệu hộ nghèo và hơn 1,3 triệu hộ cận nghèo, tập trung phần lớn ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Làm gì để mọi người đều có Tết là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các đoàn thể và cả xã hội phải suy nghĩ vào những ngày này-khi chỉ 2 tuần nữa là đến Tết.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Cũng như bao năm qua, Tết năm nay, mặc dù kinh tế đất nước cũng chưa dư dả gì, nhiều khoản chi tiêu phải cắt giảm nhưng Chủ tịch nước cũng đã quyết định tặng quà Tết cho các gia đình có công với cách mạng, đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng. Tại hội nghị triển khai công tác năm 2018 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ này và các địa phương tùy điều kiện cụ thể, huy động thêm nguồn lực hỗ trợ các đối tượng chính sách, gia đình nghèo, giúp bà con đón Tết.

Càng gần đến cuối năm, càng có nhiều địa phương triển khai các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo, người dân vừa bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung-Tây Nguyên… tổ chức Tuần lễ cao điểm vì người nghèo; Nghệ An quyết định không bắn pháo hoa chào năm mới, dành tiền chăm lo Tết cho dân; Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đến thăm và tặng hàng trăm suất quà cùng 11 ngôi nhà mới cho người nghèo ở Quảng Ngãi đón Tết; Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, phấn đấu vận động 2 triệu suất quà Tết tặng 2 triệu gia đình có thêm điều kiện vui Xuân, đón Tết...

Các cơ quan, doanh nghiệp, đoàn thể xã hội, cơ quan báo chí, tổ chức tôn giáo… cũng về vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiệt hại do thiên tai thăm và tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách khó khăn. Những tấm chăn bông, bộ quần áo mới, quà bánh, gạo nếp, bánh chưng xanh… do các đoàn công tác xã hội, thanh niên tình nguyện, chương trình “Xuân biên cương”, “Đưa Tết về biên giới” trao tặng đang làm ấm lòng người nghèo, những bệnh nhân đang điều trị ở bệnh viện, trẻ mồ côi ở các mái ấm, nhà mở, người già cô đơn, để ai cũng có được một cái Tết ấm áp tình người. Tại nhiều địa phương, những ngôi nhà đại đoàn kết, những mái ấm tình thương cũng đang khẩn trương hoàn thiện, kịp trao tặng để các hộ nghèo được đón Tết trong nhà mới.   

Chung tay giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền là việc làm thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam. Điều đó còn thể hiện trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành và toàn xã hội để ngày Tết của đồng bào nghèo được trọn vẹn hơn. Tuy nhiên, số lượng người nghèo, người khó khăn còn rất lớn, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo. Để lo Tết cho các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ mồ côi, người già cô đơn được chu toàn là thách thức không nhỏ. Vì vậy, rất cần có sự chung tay của toàn xã hội, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp.

Để sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến được với người nghèo, đối tượng chính sách thì các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc tham mưu, hướng dẫn các đoàn tặng quà Tết, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, không để xảy ra tình trạng ăn bớt, ăn chặn tiền hoặc quà Tết của người nghèo. Tổ chức tặng quà Tết phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng và chất lượng. Tránh tình trạng tặng những mặt hàng kém chất lượng, quá hạn, không còn giá trị sử dụng. Vì như thế, sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc làm mang đậm tính nhân văn của người Việt Nam.

Nguyễn Vân

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.