"Bà đỡ" cho người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) mà hàng ngàn hộ nghèo và đối tượng chính sách ở huyện Ia Pa vượt qua khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Ngân hàng CSXH đã trở thành “bà đỡ” cho người dân ở huyện nghèo này.

Cơ hội thoát nghèo

Trước năm 2010, gia đình bà Siu H’Mer (thôn Hly 1, xã Ia Ma Rơn) gặp rất nhiều khó khăn do đông con, ruộng đất ít, vốn liếng làm ăn không có. Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa cho gia đình bà vay 10 triệu đồng vốn ưu đãi hộ nghèo để mua bò về nuôi. Đến năm 2016, bò mẹ đẻ được 4 con, bà H’Mer bán bớt 1 con, trả hết tiền vay đến hạn cho ngân hàng. Hiện bà tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng để phát triển sản xuất. “Nhờ có Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay vốn ưu đãi nên tôi mới có điều kiện mở mang sản xuất, thoát được cảnh nghèo và nuôi các con khôn lớn. Vừa rồi tôi còn tích lũy gửi tiết kiệm được một khoản tiền”-bà H’Mer hồ hởi nói. 

 

Nhờ được vay vốn, nhiều hộ nghèo huyện Ia Pa đầu tư nuôi bò vươn lên khá giả. Ảnh: Đ.P
Nhờ được vay vốn, nhiều hộ nghèo huyện Ia Pa đầu tư nuôi bò vươn lên khá giả. Ảnh: Đ.P

Nói về con đường thoát nghèo của gia đình mình, ông Siu Vít (thôn Hly 2, xã Ia Ma Rơn) xúc động: “Nếu không có Ngân hàng CSXH cho vay vốn để chăn nuôi bò thì có lẽ gia đình tôi vẫn còn nghèo khổ mãi”. Trước đây, vợ chồng ông Vít đông con lại không có vốn hay nghề nghiệp ổn định. Năm 2010, ông được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa cho vay 10 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi. Đến nay, sau khi bán bớt bò để trả nợ ngân hàng, gia đình ông đã thoát nghèo. Với mong muốn làm giàu trên mảnh đất của mình, ông tiếp tục vay 40 triệu đồng để phát triển sản xuất kinh doanh.

Đưa đồng vốn đến tận tay người nghèo

Ông Nguyễn Văn Diệu-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa, cho biết: Thủ tục cho hộ nghèo vay vốn khá đơn giản, giảm những giấy tờ không cần thiết. Với sự phối hợp tốt của Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên, đồng vốn của ngân hàng được giải ngân đúng địa chỉ hộ nghèo và được hỗ trợ, tư vấn, giám sát sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Ia Pa phối hợp với các Hội, đoàn thể xây dựng được 175 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. Việc xác định tiêu chuẩn hộ nghèo do các tổ đảm nhận dưới sự giám sát của tổ chức chính trị-xã hội địa phương, sau đó lập danh sách chuyển lên xã xác nhận, gửi ngân hàng xem xét. Cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH sẽ xuống điểm giao dịch đặt tại UBND xã để lập hồ sơ cho vay. Hộ nghèo nhận tiền vốn, trả tiền lãi ngay tại các điểm giao dịch nên giảm bớt được chi phí đi lại. Bà Ksor H’Ngon-Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn phụ nữ thôn Hly 1 (xã Ia Ma Rơn) nhận xét: “Cơ chế, thủ tục vay vốn rất gọn nhẹ. Trong thôn đã có 60 hộ hội viên phụ nữ được vay vốn ưu đãi với số tiền 1,875 tỷ đồng, trong đó đã có trên 20 hộ thoát nghèo”.

 

Đến cuối tháng 9-2017, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ia Pa đã triển khai 13 chương trình cho vay vốn, giải ngân cho 7.769 hộ với tổng dư nợ 224 tỷ đồng; trong đó có 3.568 hộ nghèo được vay vốn với tổng dư nợ 94 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 0,2% so với tổng dư nợ.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Diệu cho biết thêm: “Ngân hàng CSXH không thu một khoản lệ phí nào. Nhờ đó, bà con giảm được chi phí, dành toàn bộ vốn tập trung cho phát triển sản xuất. Từ tháng 6-2010 đến nay đã có hàng ngàn hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất. Trong đó, nhiều hộ đã thoát nghèo và gửi tiết kiệm vào ngân hàng”.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.