Chư Sê: Nỗi lo khi nông dân ồ ạt trồng chanh dây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do giá chanh dây liên tục tăng cao trong 2 năm trở lại đây,  nhiều người dân ở huyện Chư Sê đã bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đổ xô trồng loại cây này. Hệ quả là hiện nay, nhiều hộ trồng chanh dây trên địa bàn huyện đang gặp khó khăn do chanh dây rớt giá.

Xã Chư Pơng là một trong những địa phương có diện tích chanh dây lớn nhất huyện Chư Sê. Từ vài ha ban đầu, đến nay, diện tích chanh dây ở xã này đã tăng lên 48 ha. Năm ngoái, có thời điểm giá chanh dây tăng cao, đạt mức 40.000-50.000 đồng/kg nên người trồng chanh dây lãi lớn. Do thấy lợi nhuận trước mắt, nhiều người dân trên địa bàn xã đã đổ xô trồng chanh dây mà không quan tâm đến khuyến cáo của các cơ quan chức năng. Anh Nguyễn Duy Luật (thôn Hố Bi, xã Chư Pơng) cho biết: “Gia đình tôi trồng chanh dây từ năm 2015, lúc đó giá chanh dây khá cao. Khi tôi mở rộng diện tích trồng thì giá chanh dây xuống rất thấp khiến tôi cảm thấy rất lo lắng”.

 

Anh Luật bên vườn chanh dây.                                                               Ảnh: M.Đ
Anh Luật bên vườn chanh dây. Ảnh: M.Đ

Anh Phạm Thắng (thôn Greo Sek, xã Dun) hiện có 3 sào chanh dây đang cho thu hoạch. Theo anh Thắng, đầu tư 3 sào chanh dây từ dựng trụ, kéo dây cho đến mua giống tốn khoảng 10 triệu đồng, chưa kể tiền mua phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Sau 6 tháng trồng, 3 sào chanh dây của gia đình anh đã cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Thế nhưng hiện nay, giá chanh dây chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg chanh loại 1, còn chanh loại 2, 3 chỉ có giá 3.000-4.000 đồng/kg. Với đà rớt giá như hiện nay, anh Thắng cũng chẳng biết khi nào mới lấy lại được vốn. Cũng ở thôn Greo Sek, anh Phạm Thắng chia sẻ: “3 sào đất này ngày trước tôi trồng hồ tiêu bị chết. Thấy người ta trồng chanh dây nhiều nên tôi cũng tận dụng trồng theo. Trung bình 2-3 ngày, tôi thu hoạch 1 lần, mỗi  ngày thu được 20 kg nhưng giá thị trường hiện nay rất bấp bênh, có khi không có người thu mua”.

Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Chư Sê có hơn 276 ha chanh dây, tập trung ở các xã Chư Pơng, Ia Tiêm, Al Bá… Tuy nhiên, trên thực tế, con số này còn có thể cao hơn vì một số doanh nghiệp và người dân trên địa bàn vẫn đang tiếp tục đầu tư trồng chanh dây. Diện tích chanh dây tăng nhanh là do người dân tận dụng các trụ trồng hồ tiêu bị chết để kéo dây trồng. Mặt khác, trồng chanh dây khá đơn giản, nhanh cho thu hoạch và từng mang lại lợi nhuận cao nên người dân vẫn đổ xô trồng. Nói về vấn đề này,  ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê, cho biết:”Hiện nay, thị trường tiêu thụ cây chanh dây không ổn định. Vì vậy, bà con nông dân đã trồng cần đầu tư để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, không nên mở rộng diện tích để tránh thiệt hại về kinh tế. Bà con cũng không nên phá bỏ các loại cây trồng truyền thống để trồng cây chanh dây. Mặt khác, bà con nông dân nên mua các loại giống chanh dây rõ nguồn gốc để đảm bảo chất lượng. Huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư thu mua chế biến liên kết với nông dân để tạo ra thị trường tiêu thụ bền vững hơn”.

Mặc dù đã có nhiều bài học từ thanh long, dưa hấu bị thương lái  bỏ thu mua, ép giá đến mức rẻ mạt, vậy nhưng nhiều hộ nông dân vẫn ồ ạt trồng cây chanh dây khi không có đầu ra ổn định. Để không phải nhận thêm “trái đắng”, nông dân cần tính toán kỹ, lâu dài khi quyết định trồng một loại cây mới, không nên chạy theo lợi nhuận trước mắt để tránh thiệt hại về kinh tế.

Mỹ Đức

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.