Bài 2: Vì sao người dân không đồng thuận?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) - Chiều 15-5, UBND phường Hoa Lư phối hợp với Ban quản lý chợ Hoa Lư tiếp tục tổ chức đối thoại với các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ Hoa Lư cũ để làm công tác vận động di dời, đồng thời thông báo kế hoạch tháo dỡ nhà lồng chợ này. Mặc dù số lượng mời rất đông, nhưng chỉ có vài tiểu thương đến tham dự, phần lớn trong số này đều cho rằng chính quyền chưa giải quyết thỏa đáng.
Bắt đầu buổi đối thoại, ông Đỗ Tiến Giang-Phó Chủ tịch UBND phường Hoa Lư thông báo chủ trương của phường về việc tháo dỡ nhà lồng chợ Hoa Lư cũ, tổ chức di dời các hoạt động kinh doanh tại khu vực chợ này sang chợ mới. Chính quyền phường đề nghị các hộ kinh doanh di chuyển tài sản, vật dụng ra khỏi khu vực này. Tất cả các hành vi gây cản trở, gây rối trật tự công cộng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. 
Chợ Hoa Lư cũ nằm tiếp giáp với đường Cách Mạng Tháng Tám có mật độ xe cộ lưu thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông
Chợ Hoa Lư cũ nằm tiếp giáp với đường Cách Mạng Tháng Tám có mật độ xe cộ lưu thông đông đúc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: M.N
Ngay sau khi tiếp nhận thông tin này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình (tiểu thương chợ Hoa Lư cũ) đã tỏ thái độ không đồng thuận. Bà Bình cho rằng, UBND phường Hoa Lư chưa bồi thường thỏa đáng cho các tiểu thương nhưng chính quyền đã ấn định ngày giờ phá chợ là vô lý.“Gia đình chúng tôi đã có ý kiến rõ ràng là không muốn vào chợ mới. Chúng tôi muốn được giải thích vì sao UBND phường Hoa Lư đưa ra mức bồi thường như thế? Mức bồi thường phải thỏa đáng, chứ theo kiểu áp đặt như vậy người dân chúng tôi không chấp nhận”-bà Bình nêu ý kiến.
Tiểu thương này cho rằng, bao năm nay, gia đình bà đều sống dựa vào việc kinh doanh mua bán ở đây, con cái được học hành đến nơi đến chốn cũng từ cái chợ này. Ngoài khoản đền bù theo thời hạn hợp đồng còn lại là 5 năm theo mức hợp lý, bà Bình còn yêu cầu bồi thường thêm thời gian 3 năm biến động kinh doanh từ khi chợ mới hoàn thành và các vấn đề liên quan đến công tác di dời chợ cũ vào chợ mới gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của bà. Bà khẳng định, bà chỉ yêu cầu mức bồi thường hợp lý chứ không có ý định chống đối. Tuy nhiên, con số cụ thể, “hợp lý” bồi thường theo yêu cầu của bà là bao nhiêu thì lại không được nêu ra. Bà cho rằng, thời hạn hợp đồng là 30 năm (từ năm 1992 đến 2022) tương đương với thời gian công tác của một công chức nhà nước. Do vậy, chính quyền phường phải tính toán như thế nào để bà được hưởng “lương hưu” hoặc giải quyết chế độ một lần. Nếu cảm thấy số tiền đền bù đưa ra phù hợp thì bà mới đồng ý cho di dời chợ? 
Ông Lê Huy Phong-Trưởng Ban quản lý chợ Hoa Lư cho biết đã cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình để phù hợp hơn  điều kiện kinh doanh nhưng các tiểu thương vẫn không chịu vào chợ mới
Ông Lê Huy Phong-Trưởng Ban quản lý chợ Hoa Lư cho biết đã cải tạo, sửa chữa một số hạng mục công trình để phù hợp hơn điều kiện kinh doanh nhưng các tiểu thương vẫn không chịu vào chợ mới. Ảnh: M.N
Một tiểu thương khác, bà Mai Thị Tuyết Ngà cũng cho rằng: Khi góp vốn xây chợ, họ được phép xây dựng nhà ở kiên cố trong thời gian 30 năm, thế nhưng còn 5 năm kinh doanh nữa mà chỉ được bồi thường hơn 30 triệu đồng thì không thỏa đáng. Trong khi đó, có hộ ở đây không mua bán gì, chỉ cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng có được 30 triệu đồng/năm, nhân với 5 năm thì thành 150 triệu đồng. “Trước đây các tiểu thương chúng tôi góp vốn xây dựng chợ Hoa Lư, giờ còn một ngày chúng tôi cũng có quyền giữ chợ chứ đừng nói là còn 5 năm. Chúng tôi không đồng ý việc UBND phường chấm dứt một phần hợp đồng, bởi việc mua bán phải gắn liền với chợ này. Giờ chợ dời đi chúng tôi bán cho ai”-bà Ngà quyết liệt nói. Do vậy, bà Ngà yêu cầu chính quyền phường đưa ra mức đền bù thỏa đáng hơn để gia đình bà yên tâm làm ăn.
Ngoài ra, tại buổi họp, các tiểu thương Đặng Minh Chiến, Võ Công Chánh cũng trình bày nguyện vọng của mình, đồng thời kiến nghị UBND phường Hoa Lư có hướng giải quyết hợp lý cho bà con. Ông Chánh khẳng định, hộ gia đình ông không chống đối nhưng bên nào sai thì bên đó phải bồi thường hợp đồng. Việc bồi thường ra sao, mức chi trả như thế nào thì phải có sự thỏa thuận giữa hai bên. “Trong khi người dân chưa thống nhất, chưa nhận được tiền bồi thường mà UBND phường đã ra thông báo dỡ chợ. Chúng tôi mong muốn chính quyền nghiên cứu phương pháp bồi thường hợp lý, hài hòa giữa hai bên”-ông Chánh nêu quan điểm.
Một số tiểu thương mua bán trên đường Nguyễn Bá Lân, phía trước cổng chợ mới Hoa Lư
Một số tiểu thương mua bán trên đường Nguyễn Bá Lân, phía trước cổng chợ mới Hoa Lư. Ảnh: M.N
Trao đổi với P.V, ông Đỗ Tiến Giang cho biết, qua nhiều lần đối thoại với nhiều hình thức nhưng đến nay vẫn còn 20 hộ chưa đồng thuận với phương án nào của phường đưa ra. Mức bồi thường này được tính theo giá trị bình quân tiền thuê mặt bằng của các loại ki-ốt, lô sạp/năm trong chợ Hoa Lư mới và thời hạn 5 năm còn lại của hợp đồng tại chợ cũ để làm căn cứ tính tiền chi trả cho các hộ. Do đó, những yêu cầu đòi bồi thường của các tiểu thương là không có cơ sở. Căn cứ quy định của Bộ Luật dân sự, UBND phường đơn phương chấm dứt một phần hợp đồng đã ký với các tiểu thương năm 1992. Nếu các tiểu thương này không đồng ý thì họ có thể kiện ra tòa, khi đó tòa giải quyết thế nào, mức bồi thường hợp đồng ra sao thì phường sẽ chấp hành.
Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm