Khó xử lý người dân phá rừng làm rẫy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bị người dân lấn chiếm đất rừng làm rẫy, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai (huyện Krông Pa) đã buộc phải chọn biện pháp mạnh tay là phun thuốc cỏ cháy lên cây trồng của người dân để thu hồi các diện tích rừng đã bị phá.

Vấn đề nan giải

Tình trạng người dân vào lâm phần của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai để phá rừng làm rẫy đã diễn ra trong một thời gian dài. Đây là vấn đề mà các cơ quan chức năng rất trăn trở. Theo ông Ngô Tiến Hùng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Rsai (huyện Krông Pa), các cấp chính quyền đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân không được phá rừng làm nương rẫy, đồng thời yêu cầu những hộ đã vi phạm ký vào bản cam kết không tái diễn. Tuy vậy, mỗi mùa mưa về, người dân địa phương lại chặt phá rừng lấy đất trồng bắp, mì.

 

Phá rừng làm rẫy là vấn đề nan giải ở xã Ia Rsai.                    Ảnh: V.N
Phá rừng làm rẫy là vấn đề nan giải ở xã Ia Rsai. Ảnh: V.N

Khi tuyên truyền, vận động không hiệu quả, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai đã tiến hành lập biên bản với các hộ vi phạm, đồng thời chuyển hồ sơ qua Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa hoặc UBND xã Ia Rsai để xử lý theo thẩm quyền. Tại các biên bản lời khai, các hộ dân đều khai rằng dù biết hành vi phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng do thiếu đất sản xuất nên vẫn thực hiện để lấy đất trồng hoa màu. Biên bản đã lập, cam kết cũng đã ký nhưng người dân vẫn tiếp tục phá rừng làm rẫy. Hơn 18.000 ha rừng của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai vẫn từng ngày bị xà xẻo không thương tiếc.

Trước tình hình này, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai đã phải dùng đến biện pháp khá cứng rắn, đó là phối hợp với UBND xã dùng thuốc cỏ cháy để phun vào diện tích cây trồng của các hộ dân. Ở một số diện tích khác, lực lượng này dùng giải pháp nhổ bỏ cây trồng của người dân tại khu vực lấn chiếm vào đất rừng. Theo ông Vũ Đức Dân-Trưởng ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai, không riêng gì Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai mà nhiều đơn vị chủ rừng khác trên địa bàn tỉnh cũng buộc phải dùng đến cách này để lấy lại đất rừng bị người dân lấn chiếm. “Không còn cách nào khác chúng tôi mới phải dùng biện pháp này và cũng chỉ thực hiện ở diện tích hơn 10 ha thôi”-ông Dân nói.

Đi tìm lời giải

Theo ông Vũ Đức Dân, để xảy ra tình trạng phá rừng làm rẫy một phần vì sự bất cập trong phân bổ dân cư. Hiện trên địa bàn xã Ia Rsai có buôn H’Lang trước đây thuộc xã Chư Rcăm nhưng vì sạt lở trên sông Ba khiến người dân mất đất sản xuất, buộc phải chuyển vào sinh sống trên địa bàn xã Ia Rsai. Đất ở thì đã có nhưng đất sản xuất cho hơn 85 hộ dân tại buôn này vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, buôn Sai và buôn E Kia của xã Ia Rsai cũng nằm trong lâm phần của Ban Quản lý nên rất khó kiểm soát. Trước câu hỏi tại sao không sớm ngăn chặn từ khi người dân bắt đầu chặt cây rừng, ông Dân cho hay, diện tích rừng lớn mà người dân thường thực hiện lén lút nên cán bộ của Ban không thể nắm hết được.

Ông Rơ Ô Líu (buôn Chư Jú, xã Ia Rsai)-một trong những hộ có diện tích bị phun thuốc cỏ cháy gây chết cây trồng cho biết: “Nhà mình nghèo lắm, có 4 đứa con nhỏ mà mới ra ở riêng, cha mẹ nghèo không có đất rẫy cho nên mới chặt cây lấy 3 sào đất làm lúa rẫy. Lúa trồng được gần 3 tháng thì bị cán bộ phun thuốc làm chết hết, sắp tới cũng không biết lấy gì ăn nữa”. Trong khi đó, ông Ngô Tiến Hùng khẳng định: “Người dân cứ nói vậy chứ thực tế xã không để dân thiếu đất sản xuất, có chăng chỉ là một số hộ vừa tách hộ ra ở riêng thì đất đai không được nhiều, cùng với thói quen phá rừng làm rẫy nên mới xảy ra tình trạng này”.

Về phần Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai, ông Vũ Đức Dân cho rằng: “Người dân trong xã đa phần đều là người Jrai có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nên để phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi hủy hoại rừng cũng khó. Cần phải có chế tài, chính sách để hỗ trợ dân trồng rừng, hưởng lợi từ rừng thì mới chấm dứt được thói quen phá rừng làm nương rẫy của người dân chứ thực tế chúng tôi cũng không hề muốn phải phá hủy nương rẫy của dân”.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm