Đâu rồi "thảm đỏ"?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lâu nay, du học không còn là chuyện xa vời, các du học sinh có thể ra nước ngoài học tập bằng nhiều con đường khác nhau như: xin học bổng, tự túc hay được Nhà nước cử đi... Tuy nhiên, vấn đề đang được nhiều địa phương, trong đó có Gia Lai tranh luận, mổ xẻ hiện nay là “chảy máu chất xám” khi nhiều ứng viên không chọn con đường quay về sau khi tốt nghiệp.

Nhiều con đường du học

Hiện nay, du học ở nước ngoài có rất nhiều loại: học bổng, tự túc, doanh nghiệp bỏ tiền đào tạo. Điều này cho thấy con đường du học rất rộng mở. Dù đi theo con đường nào, thì việc học tập và sinh sống ở nước ngoài mỗi đợt cũng tốn hàng ngàn USD. Vì thế, hầu hết những du học sinh đi học đều nỗ lực, phấn đấu để đạt kết quả học tập cao nhất.

 

Thạc sĩ Vũ Mạnh Định (trái): “Nên tạo điều kiện để người đi du học về được phát huy khả năng, làm việc đúng chuyên môn.
Thạc sĩ Vũ Mạnh Định (trái): “Nên tạo điều kiện để người đi du học về được phát huy khả năng, làm việc đúng chuyên môn.

Anh Nguyễn Văn Long (SN 1984, Trưởng phòng Chuyển giao Công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Cây hồ tiêu Gia Lai-thuộc Viện Nghiên cứu Nông-Lâm nghiệp Tây Nguyên) là một trong số những du học sinh có được tấm bằng Thạc sĩ ngành Khoa học Nông nghiệp khi còn rất trẻ. Trước đó, năm 2014, anh xin được học bổng của Chính phủ Úc với số tiền 121.000 USD; sau 2 năm học tập, anh đã kết thúc khóa học và quay trở lại làm việc tại cơ quan. Thạc sĩ Long chia sẻ: “Môi trường học tập ở nước ngoài rất năng động, đòi hỏi mỗi du học sinh không ngừng tìm tòi, trau dồi kiến thức để có kết quả cao nhất. Ở đây, các du học sinh có điều kiện phát triển khả năng tư duy, các đề tài nghiên cứu một cách hoàn chỉnh nhất. Điều này rất hữu ích cho công việc của tôi sau khi tốt nghiệp, có thể áp dụng vào thực tế công việc. Những người đi du học ở Úc như chúng tôi cũng thường xuyên giữ liên lạc với nhau để trao đổi kinh nghiệm”.

Bên cạnh chương trình du học bằng hình thức tự xin học bổng, Nhà nước cũng có đề án cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, đó là Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” (gọi tắt là Đề án 165) của Ban Tổ chức Trung ương. Những đối tượng này sau khi về nước bắt buộc phải làm cho đơn vị cử  mình đi học hoặc chịu sự phân bổ của Nhà nước về các đơn vị công tác trong 3 năm. Theo đề án này, trong giai đoạn 2010-2015, tỉnh Gia Lai có 5 cán bộ theo học chương trình thạc sĩ, 1 cán bộ theo học chương trình tiến sĩ. Anh Vũ Mạnh Định (SN 1977, Trưởng phòng Tài chính Đảng Văn phòng Tỉnh ủy Gia Lai) là người được cử đi học tại Trường Đại học Paris Ouest Nanterre La Défense (Cộng hòa Pháp) với chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quản lý nhân sự. Anh Định cho biết: “Việc tạo điều kiện cho cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo trong công tác nâng cao, bồi dưỡng kiến thức. Với chuyên ngành được học, tôi đã được đào tạo về tổ chức và nhân sự một cách khoa học, hệ thống và có phương pháp, biết cách xây dựng tầm nhìn và hướng đi”.

Trước thực trạng “chảy máu chất xám”

Theo thống kê, đa số những cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 165 đều phải quay trở lại làm việc ở cơ quan, đơn vị cử đi. Còn các hình thức du học khác không bị ràng buộc việc về hay ở lại. Theo chia sẻ của những du học sinh đã quay về nước làm việc, có rất nhiều lý do để các du học sinh đắn đo việc ở lại hay về nước lập nghiệp. Đó là do môi trường làm việc ở các nước cởi mở năng động hơn, tạo điều kiện cho các du học sinh phát huy năng lực và sức sáng tạo. Nhiều người cũng không muốn về nước bởi sợ phải đối mặt với những thủ tục xin việc hết sức rườm rà; khi đã xin được việc thì luôn phải e dè với thói ganh đua ở trong cơ quan vì sợ bị nói là “thích thể hiện”, nói ra điều gì cũng phải dè chừng xem ý lãnh đạo.

Vì thế, việc lựa chọn ở lại hay về nước luôn là khó khăn, thử thách đối với đa số du học sinh Việt Nam. Chia sẻ về việc thu hút, khuyến khích các du học sinh về cống hiến cho quê hương, Thạc sĩ Nguyễn Văn Long cho rằng: “Theo như chia sẻ của những người tôi thường liên lạc sau khi tốt nghiệp, nếu môi trường làm việc ở Việt Nam cởi mở hơn, cấp trên biết lắng nghe ý kiến đề xuất của nhân viên, đặc biệt là những trí thức trẻ và đầu tư thêm về trang-thiết bị phục vụ cho công việc nghiên cứu, thì sẽ thu hút được khá đông du học sinh quay về nước làm việc”.

Cũng có trường hợp du học sinh của Gia Lai sau khi tốt nghiệp đã chọn “đầu quân” cho các doanh nghiệp nước ngoài tại các thành phố lớn bởi chính sách “trải thảm đỏ” rất hấp dẫn. Thậm chí, có người đã trở về địa phương công tác nhưng rồi lại chọn cách ra đi. Trong số này có thể kể đến Thạc sĩ Ksor Minh-từng công tác tại Sở Tài chính Gia Lai, hiện đang là Trưởng bộ phận đào tạo (thuộc Phòng Quản lý Nhân sự) của Tập đoàn Masan TP. Hồ Chí Minh. Năm 2008, anh Ksor Minh xin được học bổng ở Úc với chuyên ngành Đào tạo và Phát triển nhân viên. Trở về với tấm bằng thạc sĩ, anh được bố trí làm việc ngay sau đó, nhưng chỉ quanh quẩn với công việc văn phòng, không dính dáng gì đến sở trường và kiến thức được học. Làm được hơn một năm, anh xin nghỉ việc và chuyển công tác vào TP. Hồ Chí Minh. Anh Minh chia sẻ: “Vì một số lý do cá nhân và vì môi trường làm việc cũ không còn phù hợp với ngành học nên tôi không thể phát huy được năng lực. Môi trường doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh tạo cơ hội cho tôi phát triển niềm đam mê và sự năng động. Theo tôi được biết, có khoảng 70% du học sinh tự túc ở Úc đã quyết định ở lại bởi chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài ở đây rất tốt. Với khoản đầu tư cho du học quá lớn, nếu về Việt Nam, mỗi tháng nhận lương vài triệu đồng thì biết bao giờ mới trả hết số tiền đầu tư đi du học. Vì vậy, việc họ ở lại nước Úc cũng là điều dễ hiểu. Để thu hút họ về làm việc ở Việt Nam thì cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành để có thể điều chỉnh, đề ra giải pháp hiệu quả”.

Trong khi đó, Thạc sĩ Vũ Mạnh Định cũng nhận định và đề xuất: “Khi lựa chọn vào làm việc tại cơ quan nhà nước, khá nhiều cán bộ, công chức không đặt nặng vấn đề thu nhập. Bởi họ thật sự muốn cống hiến năng lực của mình cho việc phát triển cơ quan, đơn vị. Với những người từng được đi du học, các cơ quan, đơn vị cần có sự đầu tư, quan tâm để bản thân người được đi học được phát huy khả năng, làm việc đúng chuyên môn được đào tạo và tập trung nghiên cứu để vận dụng vào công tác. Có như thế mới thu hút được người tài”.

Phan Lài

Có thể bạn quan tâm