Không để dân đói, thiếu nước và dịch bệnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hôm qua (24-3), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát; lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cùng các bộ, ngành đã đến thị sát một số địa phương bị thiệt hại nặng do nắng hạn tại Gia Lai. Cùng đi với đoàn về phía tỉnh có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành liên quan của tỉnh.

Xây dựng công trình thủy lợi chống hạn

Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Võ Ngọc Thành cho biết, tính đến ngày 22-3, tổng diện tích cây trồng bị hạn trên địa bàn tỉnh là 13.515,6 ha. Trong đó, diện tích lúa là 4.410 ha, mía 2.314 ha, cà phê 4.209,8 ha, hồ tiêu 1.486,7 ha, bắp 247 ha, rau màu các loại 80,6 ha, mì 616,5 ha... Ước thiệt hại do hạn hán gây ra trên địa bàn tỉnh trong vụ Đông Xuân 2015-2016 khoảng 152 tỷ đồng.

 

Ảnh: Đ.T
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo công tác phòng-chống hạn. Ảnh: Đ.T

Một số địa phương thiếu nước sinh hoạt (hơn 7.036 hộ) thuộc địa bàn các huyện Chư Pưh, Chư Sê, Krông Pa, Ia Pa, Kbang, Đak Pơ, Kông Chro, Chư Prông... Tính đến nay, toàn tỉnh có 14.695 hộ với 64.289 khẩu bị thiếu đói do hạn hán gây ra trong vụ Đông Xuân 2015-2016, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số là 11.894 hộ với 61.186 khẩu. Các địa phương này đã chủ động dùng ngân sách hỗ trợ mua 238 tấn gạo cứu đói cho 1.891 hộ tương đương 9.189 khẩu. Đề nghị tỉnh, Trung ương tiếp tục hỗ trợ cho 13.381 hộ còn lại.

Theo báo cáo của lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên, tình hình hạn hán tại địa bàn các tỉnh này đang diễn ra trên diện rộng, con số thiệt hại do nắng hạn gây ra tăng lên từng ngày. Cụ thể, tại tỉnh Kon Tum hiện có khoảng 4.000 ha cây trồng bị hạn, tập trung chủ yếu ở các loại cây công nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 4.142 giếng nước bị cạn kiệt, ảnh hưởng đến khoảng 5.400 hộ. Còn tại tỉnh Đak Lak, ngay Trung tâm TP. Buôn Ma Thuột có những con phố đến 2 ngày vẫn không có nước để cấp cho người dân sinh hoạt. Nếu đến cuối tháng 4 vẫn chưa có mưa thì Đak Lak sẽ có khoảng 80.000 ha cây trồng bị thiệt hại do hạn (trong đó có khoảng 30.000 ha cà phê). Riêng tỉnh Lâm Đồng thiệt hại do hạn hán tương đối nhẹ hơn so với các tỉnh trong khu vực, nhờ vào công tác dự báo chính xác, tổ chức chủ động đón đầu, huy động tổng lực sức dân trong công tác phòng-chống hạn. Tuy nhiên, toàn tỉnh đã có 1.000 ha cây trồng bị hạn. Dự báo đến cuối tháng 4 sẽ có khoảng trên 4.000 ha cây trồng ở Lâm Đồng bị thiệt hại do hạn và cần khoảng trên 50 tỷ đồng để chống hạn năm 2016.

 

Ảnh: Đ.T
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh, Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Để khắc phục tình trạng hạn hán, các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí sửa chữa cấp bách một số công trình thủy lợi, hỗ trợ gạo cứu đói cho người dân. Riêng với Gia Lai, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành đề nghị Chính phủ hỗ trợ kinh phí đợt đầu cho tỉnh là 31,5 tỷ đồng để chống hạn; hỗ trợ 540 tỷ đồng đầu tư xây dựng 2 công trình chống hạn cấp bách trên địa bàn tỉnh gồm hồ chứa nước Plei Thơh Ga (huyện Chư Pưh) và hồ Tầu Dầu (huyện Đak Pơ). Hai công trình này sẽ giúp các địa phương trữ nước trong mùa mưa, chống hạn một cách căn cơ, đảm bảo ổn định sản xuất hơn 720 ha lúa và 1.350 cây công nghiệp. Đề nghị Chính phủ đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ia Toan (huyện Ia Pa) có dung tích 14 triệu m3 nước dùng để tưới 300 ha cây trồng, cung cấp nước sinh hoạt cho 5 ngàn hộ dân; xây dựng 2 tuyến kênh thuộc công trình thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa); cấp 1.500 tấn gạo để cứu đói cho 13.381 hộ dân.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tình hình hạn hán ở Tây Nguyên đang diễn ra nghiêm trọng và còn kéo dài trong thời gian tới. Do vậy, các ngành, địa phương cần tìm mọi cách giảm thiểu thiệt hại. Đặc biệt không để người dân đói, thiếu nước sinh hoạt và dịch bệnh xảy ra. Phó Thủ tướng thống nhất phương án ứng 2.000 tấn gạo để kịp thời cứu đói cho nhân dân 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak và Đak Nông. Các địa phương, Bộ Nông nghiệp và PTNT nhanh chóng hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt, sớm đưa gạo về cho người dân.

 

Theo thống kê, khu vực Tây Nguyên đã có đến 95.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới. Trong khi đó, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn mực nước chỉ còn 20- 40%. Toàn vùng có 7.100 ha cây trồng đã dừng sản xuất do thiếu nước. Theo dự báo từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, nắng hạn vẫn còn kéo dài đến tháng 5 và tháng 6, theo đó sẽ có khoảng gần 170.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng nặng do nắng hạn.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương các tỉnh Tây Nguyên đã chủ động có nhiều biện pháp tích cực trong việc phòng-chống hạn, đặc biệt là tỉnh Gia Lai đã huy động xe quân đội phục vụ nước tưới cho cây công nghiệp ở một số địa phương nhằm giảm nhẹ thiệt hại; huy động lực lượng đoàn thanh niên cùng tham gia việc cấp nước cho người dân, kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhiều công trình cấp nước sinh hoạt...

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương cần điều tra, quy hoạch phát triển nguồn nước tại các tỉnh Tây Nguyên, đầu tư một số dự án thủy lợi đảm bảo hiệu quả nguồn nước; cần hướng dẫn nhân dân tưới nước tiết kiệm, sử dụng hợp lý nguồn nước còn lại. Ưu tiên nguồn nước sinh hoạt cho dân, đảm bảo đủ và sạch. Đồng thời, hệ thống Ngân hàng phải sớm vào cuộc để giúp nông dân tháo gỡ khó khăn trong thời điểm này.

Chuyển đổi cây trồng chống hạn

Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã đến thị sát cánh đồng lúa ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh). Báo cáo với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh Lưu Trung Nghĩa cho biết: Hiện nay trên địa bàn huyện đang xảy ra tình trạng khô hạn và thiếu nước sinh hoạt. Đã có 431 ha/510 ha lúa bị mất trắng với 1.697 hộ bị thiệt hại. Hơn 164,6 ha cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu) của 157 hộ bị thiệt hại do không có nước tưới; 800 ha cây hồ tiêu, 1.000 ha cây cà phê đang khó khăn về nước tưới. Tổng thiệt hại do hạn hán gây ra trên 9,3 tỷ đồng.

 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Đ.T
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh, Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Tại xã Chư Don, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa đang khô cháy vì không có nước tưới, nhiều diện tích lúa chưa kịp thu hoạch đã bị chết cháy hoàn toàn, mặt ruộng nứt nẻ, không còn khả năng thu hoạch. Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, khảo sát hồ chứa nước Plei Thơh Ga, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị bà con nông dân cùng với chính quyền địa phương nghiên cứu chuyển đổi cây trồng phù hợp, không nhất thiết cứ phải trồng lúa nước để rồi bị nắng hạn. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương xây dựng hồ chứa nước Plei Thơh Ga với dung tích hơn 6,5 triệu m3 nước, kinh phí dự kiến khoảng 200 tỷ đồng. Công trình này hoàn thành sẽ giải quyết nước tưới cho khoảng 700 ha lúa nước, hơn 1.000 ha cây công nghiệp và nước sinh hoạt của người dân.
 

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho người dân huyện Chư Sê. Ảnh: Đ.T
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà cho người dân huyện Chư Sê, Gia Lai. Ảnh: Đ.T

Sau khi khảo sát, kiểm tra tình hình hạn hán tại huyện Chư Pưh, Phó Thủ tướng đã đến thăm bà con ở xã Hbông (huyện Chư Sê)-một trong những xã khó khăn nhất về nước tưới và nước sinh hoạt của huyện. Tại đây, Phó Thủ tướng hết sức chia sẻ những khó khăn của bà con. Trò chuyện với bà con, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ và chính quyền địa phương quyết không để nhân dân bị đói ăn, khát uống, không để xảy ra dịch bệnh. Tại đây, Phó Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Gia Lai trong việc chủ động dùng xe chuyên chở nước hỗ trợ kịp thời cho người dân nguồn nước tưới, nước sinh hoạt ở những vùng khô khát.

Minh Nguyễn

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.