Việt Nam - Yemen: Sẽ sai lầm nếu tấn công dồn dập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Từ lâu, các chuyên gia bóng đá Việt Nam (BĐVN) đưa ra quan điểm do bất lợi về tố chất, thể hình nên lối chơi tối ưu của người Việt nên là phối hợp nhỏ, nhanh nhằm phát huy tối đa ưu điểm kỹ thuật, khéo léo, xoay trở nhanh nhẹn.
Quan điểm đó xem ra đã lỗi thời. Bóng đá ngày nay đã khác, kỹ thuật đã phải nhường bước trước sức vóc cùng hệ thống chiến thuật linh hoạt trong từng thời điểm của trận đấu sao cho phù hợp với thế trận trước từng đối thủ. Bóng đá hiện đại không còn cho phép cầu thủ có dư không gian và thời gian để xử lý bóng, bởi còn có sự can thiệp của khoa học kỹ thuật - không chỉ về dinh dưỡng nhằm nâng cao thể hình, tố chất mà còn về cả phương pháp huấn luyện, nâng cao thể lực cũng như phân tích rồi đưa ra đấu pháp tối ưu để ứng dụng.
Tại SEA Games 1997, chiều cao trung bình của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) là 1,708 m, còn tại Asian Cup 2019 là 1,748 m. Sau hơn 21 năm, bình quân chiều cao ĐTVN đã tăng lên 4 cm nhưng Việt Nam vẫn là đội bóng có chiều cao trung bình thấp nhất ở VCK Asian Cup 2019. Thua về sức vóc, BĐVN ngày nay cũng không hơn về sự khôn khéo, phối hợp nhanh trong không gian hẹp và điều đó chúng ta đã thấy rất rõ trong trận thua Iran 0-2.
Văn Toàn (trái) có thể được vào sân ngay từ đầu khi Việt Nam cần bàn thắng sớm trước Yemen Ảnh: Anh Khoa
Văn Toàn (trái) có thể được vào sân ngay từ đầu khi Việt Nam cần bàn thắng sớm trước Yemen Ảnh: Anh Khoa
Để san lấp những khoảng trống không thể bù đắp này, qua 3 thời kỳ thành công của BĐVN dưới sự dẫn dắt của lần lượt 3 HLV Alfred Rield (HCB AFF Cup, SEA Games, tứ kết Asian Cup 2007), Henrique Calisto (vô địch AFF Cup 2008) và Park Hang-seo (vô địch AFF Cup 2018) - đều có một điểm chung: xây dựng lối chơi phòng ngự phản công cho BĐVN.
Nếu như triết lý của 2 ông Riedl và Calisto là phòng ngự chặt, tích cực phản công nhanh xuyên suốt trận đấu thì triết lý của ông Park đã nâng lên một tầm cao mới trong lối chơi phòng ngự phản công khi linh hoạt chia ra 3 khu vực phòng ngự tầm thấp, tầm trung và tầm cao rồi tùy từng thời điểm áp dụng nhằm hạn chế tối đa sức mạnh của đối phương, đồng thời phát huy tốt nhất khi đội Việt Nam có cơ hội tấn công.
Xem lại 2 trận thua của Yemen tại giải, họ đều chơi mở, chơi đôi công và cũng có cơ hội ghi bàn trước Iraq và Iran. Họ cũng rất khỏe nên đây là đối thủ không dễ để đội Việt Nam thắng, chứ đừng mơ thắng đậm.
Tóm lại, trước đối thủ Yemen cùng có chiều cao trung bình 1,75 m và hiệu số 0/8, sẽ là sự lựa chọn sai lầm nếu Việt Nam tiếp cận trận đấu với lối chơi tấn công và dồn dập để kiếm 3 điểm và ghi nhiều bàn thắng - điều kiện cần và đủ để chắc suất vào vòng 1/8. Thận trọng nhưng tự tin, dùng sở trường phòng ngự phản công khi đối mặt với sở trường tấn công, thậm chí đánh vào sở đoản phòng ngự phản công của Yemen, là đấu pháp tối ưu cho đội Việt Nam trong trận sống còn đêm 16-1.
Hoàng Tú (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Cơ hội vàng cho Vovinam Gia Lai

Cơ hội vàng cho Vovinam Gia Lai

(GLO)- Giải Vô địch các đội mạnh Vovinam toàn quốc lần thứ 15-2024 diễn ra ở Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai từ ngày 18 đến 24-4 là cơ hội vàng để phong trào Vovinam tỉnh nhà vươn lên một tầm cao mới.