Áo dài đón Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dù cuộc sống đổi thay nhiều mặt nhưng có những thứ mang giá trị bất biến, bền chặt, trong đó có tà áo dài Việt Nam. Bộ trang phục truyền thống duyên dáng ngày càng được nhiều phụ nữ lựa chọn mặc thường xuyên vào các dịp lễ, nhất là Tết cổ truyền. Bản sắc thời trang, niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước cũng từ đó được nhân lên. 
“Như mây xuống phố”
Vừa neo giữ hồn cốt dân tộc với nét đẹp truyền thống, vừa kín đáo song cũng rất khéo léo, áo dài có sức hút đặc biệt đối với phụ nữ mọi lứa tuổi, ngành nghề. Với những người đứng tuổi, áo dài là lựa chọn hàng đầu trong những dịp quan trọng, giúp tôn lên vẻ nền nã mà không kém phần sang trọng. Trò chuyện cùng chúng tôi khi đến may đo ở một tiệm may áo dài có tiếng, bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: Bà có một bộ sưu tập áo dài khá phong phú. Chất liệu bà ưa chuộng là lụa tơ tằm, may theo kiểu truyền thống với tà dài, tay dài, cổ cao. Nói về tình yêu dành cho áo dài truyền thống, bà Tuyến chia sẻ: “Áo dài tạo nét duyên dáng của người phụ nữ. Mặc áo dài thì phải đi nhẹ, nói khẽ, làm gì cũng phải cân nhắc cho phù hợp. Đi đâu cũng vậy, hễ gặp ai mặc áo dài là tự nhiên mình thấy yêu mến”. Đó là lý do năm nào người phụ nữ mảnh mai này cũng chọn áo dài làm trang phục ngày Tết. “Đầu năm là dịp sum họp gia đình, cả nhà tập trung đi lễ đầu xuân. Mặc áo dài truyền thống làm mình cảm nhận rõ sự trang trọng, thiêng liêng. Khi tới nghĩa trang thắp hương, tôi cũng mặc áo dài, chỉnh tề như tới chào cha chào mẹ”-bà Tuyến nhẹ nhàng bày tỏ. 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (bìa trái, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nuôi tình yêu với áo dài suốt hàng chục năm qua. Ảnh: Phương Duyên
Bà Nguyễn Thị Kim Tuyến (bìa trái, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nuôi tình yêu với áo dài suốt hàng chục năm qua. Ảnh: Phương Duyên
Là người kinh doanh tại nhà song vì trót mê đôi tà áo đẹp “như mây xuống phố” nên chị Trần Thị Thúy Vân (phường Phù Đổng, TP. Pleiku) sở hữu tủ áo dài với hàng chục bộ, chủ yếu là áo dài truyền thống, có chăng chỉ cách điệu đôi chút ở cổ áo. Chị cho biết: “Khi mặc áo dài, tôi thấy mình dịu dàng hơn. Khi có hội hè, lễ Tết, tôi đều chọn mặc áo dài vì trang phục này rất đẹp, lại lịch sự, kín đáo”. Cũng mê áo dài không kém là chị Lê Vi Na, công tác tại BIDV Nam Gia Lai. Năm nào chị cũng sắm áo dài mặc Tết. Riêng năm nay, ngoài 1 bộ cho mình, chị còn mua áo dài nam may sẵn cho 2 cậu con trai. “Ngày thường mình mặc áo sơ mi kèm chân váy đi làm nên ngày Tết muốn khác đi một chút. Mặc áo dài rất đẹp và thuận tiện. Mùng 1 Tết diện áo dài đi lễ chùa, lên nghĩa trang thắp hương cho ông bà hay đi chúc Tết cha mẹ, họ hàng đều phù hợp”.  
Nét trang nhã của áo dài còn mê hoặc rất nhiều bạn trẻ. Hưởng ứng trào lưu chụp ảnh Tết với áo dài, chị Vũ Thị Khánh Huyền (phường Yên Thế, TP. Pleiku, hiện công tác tại Công an tỉnh) đã rủ bạn bè cùng thuê trang phục chụp bộ ảnh để lưu lại nét thanh xuân của đời người. Chị Huyền “bật mí”: “Dịp Tết, nhiều quán cà phê trang trí rất đẹp để đón khách, chỉ cần đến đó là sẽ có những bức ảnh ưng ý. Năm nay, không khí Tết có phần trầm lắng do dịch Covid-19 nên mình và bạn bè cùng làm bộ ảnh cho vui. Chụp ảnh với áo dài truyền thống khiến mình thấy tự hào là phụ nữ Việt Nam”. Chị Huyền cho biết thêm, chị em phụ nữ cơ quan chị cũng đang lên kế hoạch chụp ảnh lưu niệm tập thể với áo dài trong dịp Tết này.
Ảnh Nguyễn Tấn Kần

Nét xuân thì được tôn lên rực rỡ với tà áo dài Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Tấn Kần

Rất nhiều bạn trẻ mê đôi tà áo đẹp
Rất nhiều bạn trẻ mê đôi tà áo đẹp "như mây xuống phố". Ảnh: Internet
Đặc biệt, nói về ý tưởng may một bộ áo dài bằng thổ cẩm do mình dệt nên, cô gái Bahnar Hồ Thị Viên (làng Pơ Nang, xã Tú An, thị xã An Khê) hào hứng: “Mình đã nhiều lần mặc áo dài và rất thích, thấy mình đẹp hơn, duyên dáng hơn. Mình rất muốn kết hợp văn hóa Bahnar trong tà áo dài truyền thống của dân tộc”.
Dịch vụ may, cho thuê áo dài đắt khách 
Dù sản phẩm may mặc công nghiệp lên ngôi nhưng các tiệm may áo dài vẫn đắt khách vì ai cũng muốn sở hữu một bộ áo dài chất vải đúng ý, vừa vặn phom dáng. Một trong những địa chỉ được nhiều người, cơ quan, đơn vị “chọn mặt gửi vàng” là tiệm may áo dài Hồng Hạnh (224 Hùng Vương, TP. Pleiku). Vừa khéo léo luồn kim làm một số công đoạn thủ công, chị Cao Thị Hồng Hạnh chia sẻ: Sau khi thử qua các mẫu áo dài cách tân, đa số khách hàng có xu hướng quay về với kiểu áo dài truyền thống tà dài, tay dài, cổ cao thanh thoát. Dịp Tết năm nay, chị nhận may khá nhiều áo dài kiểu này cho khách. Tuy số lượng không bằng những năm trước, song nghề “làm sang”, tôn dáng cho phái đẹp vẫn làm chị rạng rỡ niềm vui. Càng vui hơn khi có những khách hàng “trung thành” với tiệm may suốt hơn chục năm qua, năm nào cũng ghé may áo dài Tết do hài lòng với cách may đo tinh tế. Mới đây, chị còn may 5 bộ gửi cho 2 khách hàng thân thiết hiện đang định cư ở nước ngoài.
Nét duyên dáng của người phụ nữ trong tà áo dài. Anh Minh Châu
Nét duyên dáng của người phụ nữ trong tà áo dài. Ảnh: Minh Châu
Nhiều bạn trẻ không quá kỹ tính, thích sự thuận tiện lại thường chọn thuê hoặc mua áo dài may sẵn. Đáp ứng nhu cầu ấy, nhiều năm nay, ngoài trang phục biểu diễn, shop Mai Hương (362 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) chuyên cho thuê, bán áo dài nam, nữ, trẻ em may sẵn, cả kiểu dáng truyền thống, cách tân lẫn áo dài phối thổ cẩm. Đặc biệt, áo dài cặp cho mẹ và bé có nhiều hoa văn đẹp, bắt mắt, hợp thời trang. Chủ shop Bùi Thị Thúy Mai cho hay: Để chuẩn bị đón Tết Nguyên đán năm nay, khoảng 200 khách hàng đã đến mua, thuê áo dài mặc đi chơi lễ, chụp ảnh lưu niệm. Bản thân chị và con gái cũng đã chuẩn bị bộ áo dài cặp thật đẹp để cùng dạo chơi Xuân này.
“Người phụ nữ đẹp nhất trong chiếc áo dài”-có lẽ nhận định ấy chưa bao giờ là sai hay cũ. Gìn giữ, tôn vinh vẻ đẹp áo dài cũng là một cách khơi dậy, phát huy nét văn hóa truyền thống, nhất là trong dịp Tết đến, xuân về.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thương nhớ cá đồng

Thương nhớ cá đồng

(GLO)- Khác với miền Nam quanh năm ấm áp, sản vật dồi dào, miền Bắc 4 mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt nên thường là mùa nào thức ấy. Trong đó, loài cá, đặc biệt là cá đồng thì phải đúng mùa ăn mới thơm ngon.
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Mùa gặt

Mùa gặt

(GLO)- Nhắc đến Gia Lai, nhiều người sẽ nghĩ đến những dãy núi cao trùng điệp, những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát, những rẫy cà phê, cao su ngút ngàn trên đất đỏ bazan trù phú.
Ly cà phê tím

Ly cà phê tím

Sông Túy Loan tím ngát. Những vệt ráng mây in bóng tím. Dãy núi xa xa in bóng tím. Đó là khi hoàng hôn, khi trời nước hoàng hôn, khi lòng người hoàng hôn! Nước nhuốm màu tâm trạng gã “trai Quảng” đã cũ, đã đi qua quãng đời gập ghềnh, sóng gió, nay về soi mặt vào sông quê.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Khoảng lặng bình yên

Khoảng lặng bình yên

(GLO)- Hàng ngày, cửa sổ phòng tôi vẫn mở về phía núi. Lâu nay, tôi vẫn nghĩ, chỉ cần phóng tầm mắt ra xa, nhấp một ngụm trà là đã có thể tự hào với bạn bè rằng mình thuộc về núi rừng và phố núi luôn là “background” phía sau cuộc đời mình.