Phóng tên lửa đạn đạo,Trung Quốc gửi thông điệp đe dọa tàu sân bay Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cho rằng bước tiến nhanh chóng về quân sự, địa chính trị của Trung Quốc tạo ra những đe dọa sống còn với lợi ích của Mỹ.
Hôm 18/7, Đô đốc Philip Davidson cho biết Trung Quốc vừa tiến hành phóng thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo chống hạm mới. Quân đội Trung Quốc đã bắn tổng cộng 6 tên lửa diệt hạm tại khu vực Biển Đông.
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng tiết lộ Bắc Kinh trước đó đã phóng thử một tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân ngay sau bài phát biểu mang tính đe dọa của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tại Diễn đàn an ninh Shangri-La ở Singapore.
Lời hăm dọa từ Trung Quốc
Phát biểu tại Diễn đàn an ninh Aspen, bang Colorado, Đô đốc 4 sao Davidson thẳng thắn vạch ra cái mà ông coi là "đe dọa chiến lược lâu dài" từ Trung Quốc, với hàng loạt các hoạt động gây bất ổn tại châu Á cũng như khắp nơi trên thế giới.
Nói về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa tại Diễn đàn an ninh Shangri-La diễn ra hồi tháng 6, ông Davidson miêu tả đây là thông điệp "hăm dọa" từ đại diện Bắc Kinh.
"Ông Ngụy không chỉ nói rõ châu Á và Tây Thái Bình Dương không là chỗ cho người Mỹ, ông ta còn có ý rằng châu Á không có chỗ cho người châu Á, đây là nơi chỉ thuộc về người Trung Quốc", Đô đốc Davidson tuyên bố.
Trong vòng 24 giờ sau bài phát biểu đầy tính hăm dọa, Trung Quốc đã phóng thử một tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa này phóng đi từ tầu ngầm hạt nhân JL-3 của Hải quân Trung Quốc.
Đó không phải là thông điệp duy nhất của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc.
 
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa phát biểu tại diễn đàn an ninh Shangri-La. Ảnh: AP.
Hôm 8/7, ông Ngụy phát biểu trước diễn đàn các bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Latin và các quần đảo ở Thái Bình Dương tổ chức tại Trung Quốc, tuyên bố sáng kiến "Vành đai, Con đường", chương trình phát triển toàn cầu tham vọng của Bắc Kinh, là cơ sở cho chiến lược mở rộng ảnh hưởng quân sự trong tương lai.
Trước đó, các quan chức Trung Quốc từng nhiều lần tuyên bố sẽ không có các cấu phần quân sự đằng sau những dự án kinh tế - thương mại tỷ USD mà Bắc Kinh đang triển khai tại các quốc gia từ Á sang Âu.
Đô đốc Davidson cho biết bài phát biểu của ông Ngụy hôm 8/7 cho thấy rõ mục đích của Trung Quốc, sử dụng sáng kiến với vỏ bọc kinh tế như một con đường "thiết lập hiện diện quân sự tại nhiều vị trí khắp toàn cầu".
"Chỉ trong vòng vài giờ sau đó, họ phóng 6 tên lửa đạn đạo chống hạm, loại mới mà họ đang phát triển, vào Biển Đông", ông Davidson cho biết. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc thử loại tên lửa này trên biển.
Tên lửa diệt hạm khiến Mỹ e ngại
Theo các các quan chức quốc phòng Mỹ, tên lửa chống hạm mà Trung Quốc thử nghiệm có ký hiệu DF-21D, loại vũ khí công nghệ cao có khả năng tấn công các tàu thuyền đang di chuyển trên biển từ khoảng cách hàng trăm hải lý so với điểm phóng.
Nói về vụ phóng 6 tên lửa diệt hạm mới đây của Bắc Kinh, chuyên gia Rick Fisher từ Trung tâm Đánh giá và chiến lược quốc tế, bang Virginia, cho rằng vụ việc này là dấu hiệu cho thấy "cạnh tranh kiểu cũ nhằm kiểm soát các vùng biển đã bước sang thời kỳ mới, các nhóm tàu sân bay hạt nhân sẽ không còn là lực lượng độc bá trên biển".
"Trung Quốc đã xây dựng được hệ thống gồm nhiều hệ thống, tên lửa đạn đạo chống hạm cùng hàng loạt vệ tinh, radar, cảm biến máy bay cần thiết để định vị chúng, tạo ra mối đe dọa không thể ngăn chặn cho các tàu sân bay", ông Fisher đánh giá.
Ông Fisher cho rằng Lầu Năm Góc có thể sử dụng loại vũ khí năng lượng cao như tia laser hoặc súng điện từ để đối phó với các loại tên lửa này. Tuy nhiên, công nghệ này cần nhiều năm nữa mới có thể được triển khai trong thực chiến.
Một lựa chọn khác cho Washington là sản xuất thêm các thế hệ tên lửa chống hạm và triển khai trên tàu chiến và tàu ngầm của hải quân. Khi có đủ tên lửa, Washington có thể răn đe khiến Trung Quốc "không dám khai hỏa lên tàu chiến của Mỹ".
 
Tên lửa diệt hạm DF-21D của Trung Quốc. Ảnh: SCMP.
Vụ phóng 6 tên lửa đạn đạo chống hạm bị Lầu Năm Góc coi là vi phạm cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra năm 2015, theo đó Trung Quốc cam kết không quân sự hóa các thực thể mà nước này đang chiếm đóng tại Biển Đông. 
Bắc Kinh hiện chiếm đóng trái phép toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
"Một lần thì có thể là trùng hợp, tuy nhiên khi các vụ phóng tên lửa diễn ra đến lần thứ hai, đây có thể coi là thông điệp không chỉ gửi đến Mỹ, mà còn gửi tới toàn bộ cộng đồng quốc tế", ông Davidson bình luận.
Tên lửa DF-21D và tên lửa DF-26, tên lửa Trung Quốc từng thử nghiệm hồi tháng 4, đều có khả năng tấn công tàu chiến. 
Khi được hỏi liệu các tàu sân bay và tàu chiến khác của Mỹ có thể đối phó với tên lửa diệt hạm của Trung Quốc hay không, Đô đốc Davidson không trả lời thẳng vào câu hỏi.
"Chắc chắn là họ đang phát triển những năng lực mà chúng ta chưa từng chứng kiến trước đây, mà mới nhất là các tên lửa đạn đạo diệt hạm. Tuy nhiên, chúng (tên lửa của Trung Quốc) không phải là không thể bị đánh bại", ông Davidson nói.
Hải quân Mỹ hiện phát triển hệ thống chống tên lửa SM-6 với đầu đạn nổ. Theo ông Davidson, đây là vũ khí có thể đối phó với đe dọa của tên lửa DF-21D và DF-26.
Chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương cũng cảnh báo quân đội Mỹ cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống vũ khí nhằm tránh bị lấn át bởi tốc độ phát triển nhanh chóng trong năng lực chiến tranh thông thường cũng như công nghệ cao của Trung Quốc.
Phát triển vũ khí thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo và hệ thống thông tin liên lạc an toàn với công nghệ điện toán lượng tử đang là vấn đề cấp thiết đối với an ninh quốc gia của Mỹ.
"Nếu không có những biện pháp tích cực, chúng ta sẽ đối mặt nguy cơ bị Trung Quốc vượt qua về năng lực trong thập kỷ sắp tới, và năng lực mà tôi thấy ở đây là về cả trên không, trên biển, trên mặt đất, trong vũ trụ cùng môi trường mạng", ông Davidson cảnh báo.
Đô đốc Mỹ cho rằng nước này cần có cách tiếp cận trên quy mô toàn chính phủ để tránh nguy cơ bị Trung Quốc chiếm mất các ưu thế.
Vài năm qua, Trung Quốc liên tục đưa vệ tinh lên quỹ đạo. Trong năm nay, Bắc Kinh sẽ phóng mới khoảng 100 vệ tinh. Trung Quốc cũng đang sản xuất vũ khí công nghệ cao ở quy mô lớn, đồng thời đẩy mạnh tốc độ triển khai lực lượng ra toàn cầu.
Mở rộng cạnh tranh tại châu Á
"Trung Quốc đang mở rộng (ảnh hưởng) nguy hiểm khắp Ấn Độ - Thái Bình Dương, nếu không muốn nói là toàn cầu", ông Davidson nhận xét.
Sáng kiến "Vành đai, Con đường" được Bắc Kinh triển khai âm thầm, với hàng loạt tai tiếng tham nhũng và bẫy nợ dành cho những nước tiếp nhận hỗ trợ kinh tế, nhằm tăng cường kiểm soát và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong bối cảnh ấy, một số nước đã phản ứng lại trước sự mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Về mặt tích cực, Đô đốc Davidson cho biết nỗ lực của Mỹ nhằm vạch trần các hoạt động của Trung Quốc đã giúp mang lại cho Washington ngày càng nhiều tiếng nói ủng hộ khắp khu vực Ấn Độ và Thái Bình Dương đối với sáng kiến khu vực "tự do và mở" không chịu kiểm soát của Trung Quốc.
Để hiện thực hóa các cam kết với khu vực, Mỹ vẫn tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông, chống lại yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh trên vùng biển là tuyến đường giao thương trị giá hơn 3.000 tỷ USD.
 
Tàu khu trục USS Decatur tiếp nhiên liệu khi thực hiện tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông. Ảnh: Hải quân Mỹ.
Quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các hoạt động tuần tra của tàu chiến nước này cũng sẽ ngăn cản Trung Quốc can thiệp vào hệ thống dây cáp thông tin ngầm dưới lòng biển, nối từ bờ Tây nước Mỹ, đi qua Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong, với điểm đến là các nước ở Đông Nam Á.
"Vì thế, tự do hàng hải không chỉ là chuyện hai tàu khu trục di chuyển an toàn vào ban đêm, chúng ta đang nói về quyền tiếp cận của cả thế giới đối với vùng biển quan trọng nhất hành tinh", ông Davidson nhấn mạnh.
Nhiều quốc gia khác, gồm Nhật Bản, Australia, Canada, Anh và Pháp, cũng tham gia hoặc tự thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải, nhằm phản đối yêu sách chủ quyền đối với 90% diện tích Biển Đông của Trung Quốc.
Đô đốc Davidson tuyên bố Mỹ muốn cạnh tranh với Trung Quốc, tuy nhiên không có ý định đối đầu hoặc kiềm tỏa.
"Cạnh tranh không có nghĩa là chúng tôi không hợp tác".
Duy Anh (Zing.vn/Theo Washington Free Beacon)

Có thể bạn quan tâm

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

Nga cho chưa đúng thời điểm để ngừng bắn ở Ucraine

(GLO)-"Hôm nay là khoảnh khắc đặc biệt, duy nhất sẽ không bao giờ xảy ra. Cả trong lịch sử Nga, Belarus và Ukraine, cũng như trong lịch sử thế giới, đặc biệt là châu Âu. Câu hỏi duy nhất là phải làm gì. Tất cả các bạn đều hiểu và biết rằng chỉ có một cách thức – đó là đàm phán. Đàm phán không có điều kiện tiên quyết", ông Lukashenko nói trong bài phát biểu trước người dân Belarus và các nhà lập pháp hôm 31/3.
Cựu tổng thống Trump bị truy tố

Cựu tổng thống Trump bị truy tố

(GLO)-Theo CNN đưa tin ngày 30/3, ông Trump sẽ trở thành cựu Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ bị truy tố hình sự. Diễn biến này có thể tác động đáng kể đến chiến dịch tái tranh cử năm 2024 của ông Trump, trùng với thời điểm xét xử vụ án.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

Vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ chuyển đến Belarus

(GLO)-Mới đây, đài RT dẫn lời ông Putin cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga có thể được đưa đến Belarus sớm nhất vào mùa hè năm nay, đánh dấu lần đầu tiên từ thập niên 1990 vũ khí này được triển khai ngoài lãnh thổ Nga. Vũ khí đưa đến Belarus nhưng sẽ do lực lượng Nga quản lý.
Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

Lần đầu sau 19 năm, dân số Bắc Kinh giảm xuống

(GLO)-CNN hôm 23/3 dẫn số liệu thống kê từ chính quyền Bắc Kinh cho hay, từ năm 2021 – 2022, dân số thành phố đã giảm từ 21,88 triệu người xuống 21,84 triệu người. Đây là lần đầu tiên trong vòng 19 năm trở lại đây, Bắc Kinh ghi nhận tình trạng dân số giảm.
Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

Khổng lồ: cần 411 tỷ USD để tái thiết Ucraine

(GLO)-Theo Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây, nhu cầu để Ukraine tái thiết và phục hồi đã tăng lên tới 411 tỷ USD, chỉ sau một năm Nga tấn công nước này. Khoản kinh phí khổng lồ nêu trên thể hiện tại cáo cáo được thực hiện bởi Kiev, Ngân hàng Thế giới, Ủy ban châu Âu và Liên hợp quốc.
Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

Mỹ không coi quan hệ Nga- Trung là liên minh

(GLO)-Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 21/3, người phát ngôn phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby nói: “Chúng ta đã thấy cách mà hai quốc gia này phát triển mối quan hệ gắn bó như thế nào trong nhiều năm qua”.
Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

Nếu trái đất nóng lên 1,8 độ C, tính mạng con người bị đe dọa vào năm 2100

(GLO)-Báo cáo được Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (IPCC) công bố hôm 20/ 3 ‐ chắt lọc từ 10.000 trang báo cáo của hơn 1.000 nhà khoa học - cho thấy thế giới có khả năng đã bỏ lỡ mục tiêu khí hậu là hạn chế sự nóng lên ở mức 1,5⁰C so với nhiệt độ thời tiền công nghiệp.