Công ty Cao su Chư Prông:Nhiều sáng kiến kỹ thuật làm lợi tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cán bộ, người lao động Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông có nhiều giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất lao động và mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng. Trong đó, nhiều giải pháp đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng phòng Quản lý chất lượng luôn dẫn đầu về số giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tiễn, nâng cao hiệu quả sản xuất, mang lại lợi nhuận cao và đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở trong, ngoài tỉnh. Điển hình là giải pháp đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10 (2020-2021) mang tên “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10. Sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây-mủ skim”. Giải pháp này do ông Tuấn phối hợp với Tổng Giám đốc Công ty Võ Toàn Thắng cùng 3 đồng nghiệp nghiên cứu hơn 2 năm. 
Ông Tuấn chia sẻ: Trước đây, nhà máy chế biến phải tách riêng 4 loại mủ chén, đông, dây và skim để tạo ra mủ cốm thành phẩm. Mỗi loại mủ được tách ở nhiều khu vực khác nhau. Công nhân phải chuyển từng loại mủ cho chạy qua 14 loại máy móc rồi mới ra mủ thành phẩm. Nhiều công đoạn nên tốn thời gian, tiêu hao nhiên liệu và ảnh hưởng đến môi trường. Để khắc phục vấn đề này, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp trộn cả 4 loại mủ với nhau mà chất lượng mủ cốm thành phẩm lại tốt hơn nhiều lần so với khi sản xuất tách riêng. “Giải pháp này giúp giảm thời gian gia công cơ vì chỉ thực hiện qua 2 máy cán, băm. Tờ mủ đem cán khô đều nên khi cán cắt, hạt cốm đều đồng nhất, thời gian sấy được rút ngắn, nâng công suất hoạt động của nhà máy. Qua kiểm nghiệm, mức độ đồng đều trong các lô hàng đảm bảo với độ rộng chỉ tiêu cho phép theo TCCS 112:2017 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam”-ông Tuấn cho hay.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty vài tỷ đồng. Ảnh: Thiên Di
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn có nhiều sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật làm lợi cho công ty vài tỷ đồng. Ảnh: Thiên Di
Ông Phan Đình Bổng-Giám đốc Nông trường Đoàn Kết cũng có 3 sáng kiến tiêu biểu là dập thiết kế bảng cạo, thang chuyên dùng và vòng phun thuốc trị bệnh botryo cho cây cao su. Nói về sáng kiến của mình, ông Bổng chia sẻ: “Trước đây, việc phun thuốc trị bệnh botryo cho cây cao su đạt hiệu quả thấp. Lý do là phải dùng một vòi phun dài gắn với một cây sào để công nhân giơ lên giơ xuống theo thân cây cao su khiến lượng thuốc bị phát tán ra không khí. Bên cạnh đó, công nhân phải ngửa mặt lên nhìn, nguy cơ thuốc bay vào mắt mũi. Để cải thiện, tôi đã làm vòng phun hình tròn với 6 béc hình ôm sát thân cây cao su và chỉ cần 2 lần đưa lên đưa xuống là phun xong 1 cây. Cả 6 béc cùng chụm vào thân cây, đỡ tốn thuốc, phun trúng ổ bệnh, an toàn cho công nhân. Sáng kiến này được Công ty áp dụng rộng rãi trong thực tiễn”.
Còn sáng kiến cải tiến máng che mưa trên cây cao su của ông Nguyễn Trung Kiên-Giám đốc Nông trường An Biên đã giúp đơn vị vẫn tổ chức khai thác mủ trong điều kiện trời mưa. Sáng kiến này giúp Nông trường An Biên dẫn đầu Tổng Công ty về sản lượng mủ khai thác từ đầu năm 2021 đến nay.
Hiệu quả kinh tế cao
Để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng lợi nhuận, những năm qua, Ban Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông luôn khuyến khích, áp dụng những giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của đội ngũ nhân viên. Tùy thuộc vào lợi ích, hiệu quả từ sáng kiến, giải pháp đem lại mà Công ty có phần thưởng xứng đáng với công sức của người sáng tạo. Điều đó đã khích lệ tinh thần sáng tạo của cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp. 
Anh Bổng làm vòng phun thuốc trị bệnh Botryo trên cây cao su. Ảnh: Thiên Di
Ông Phan Đình Bổng làm vòng phun thuốc trị bệnh botryo cho cây cao su. Ảnh: Thiên Di
“Chúng tôi có một hội đồng khoa học kỹ thuật riêng. Hàng năm, trên cơ sở đề xuất của phòng chức năng, hội đồng sẽ xem xét những giải pháp, sáng kiến hay có thể áp dụng vào thực tiễn. Tiếp đó, hội đồng sẽ phân công thêm nhân lực hỗ trợ hoặc cấp kinh phí để hoàn thiện giải pháp, sáng kiến. Hàng chục sáng kiến, giải pháp của cán bộ, công nhân được áp dụng vào sản xuất kinh doanh và mang lại lợi nhuận vài tỷ đồng. Riêng giải pháp “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10. Sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây-mủ skim” đem lại lợi nhuận khoảng 3,7 tỷ đồng/năm. Chúng tôi đã gửi giải pháp này tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 10”-Trưởng phòng Quản lý chất lượng cho hay.
Trao đổi với chúng tôi, Tổng Giám đốc Công ty Võ Toàn Thắng cho biết: “Những giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của cán bộ, người lao động đã mang lại hiệu quả thiết thực và được áp dụng rộng rãi trong Công ty. Tất cả sáng kiến, giải pháp đều xuất phát từ thực tiễn. Thời gian tới, chúng tôi khuyến khích cán bộ, nhân viên tiếp tục đề ra giải pháp, sáng kiến mang lại lợi ích kinh tế cho Công ty, an toàn cho người lao động và đảm bảo môi trường”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.