Ví điện tử tiện ích giao dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu hướng tất yếu của thời đại công nghiệp 4.0. Đón đầu xu hướng này, các nhà mạng viễn thông như VNPT đã đưa ra sản phẩm ví điện tử với nhiều tính năng hữu ích để khách hàng giao dịch, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. 
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, số lượng khách hàng lựa chọn giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt qua mobile banking, internet banking ngày càng gia tăng. Theo đó, thuật ngữ “ví điện tử” cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng như MoMo, Moca, Zalo Pay, Viettel Pay, Bankplus… Không đứng ngoài xu thế phát triển, nhà mạng viễn thông VNPT cũng đã vào cuộc với sản phẩm ví điện tử VNPT Pay. Đây là một dịch vụ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, cho phép khách hàng khi sử dụng dịch vụ VNPT Pay có thể thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến, đồng thời các tổ chức, doanh nghiệp có kết nối với hệ thống VNPT Pay vẫn có thể thực hiện các giao dịch này một cách dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi.
Khách hàng có thể sử dụng ví điện tử VNPT Pay để giao dịch thanh toán mọi lúc mọi nơi. Ảnh: S.C
Khách hàng có thể sử dụng ví điện tử VNPT Pay để giao dịch thanh toán mọi lúc mọi nơi. Ảnh: S.C
Tại TP. Pleiku, năm 2019, ví điện tử VNPT Pay được Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai giới thiệu ra thị trường. Ví điện tử VNPT Pay cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh, cho phép lưu trữ một giá trị tiền tệ được đảm bảo bằng giá trị tiền mặt tương đương, được sử dụng để thanh toán thay thế cho tiền mặt, với nhiều tính năng và tiện ích như: nạp tiền vào tài khoản ví, rút tiền từ ví, chuyển tiền giữa các tài khoản ví điện tử VNPT Pay, thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, mua vé máy bay, vé xe, mua mã thẻ di động… Anh Lê Hữu Quốc (468 Trường Chinh) chia sẻ: “Gia đình tôi đang sử dụng nhiều dịch vụ của VNPT Gia Lai, hàng tháng đều có người đến thu cước tại nhà. Tuy nhiên, do tính chất công việc của tôi phải di chuyển nhiều nên nhân viên thu cước phải đến nhiều lần mới gặp. Vừa rồi, tôi được nhân viên VNPT Gia Lai mời sử dụng ví điện tử VNPT Pay để thanh toán các dịch vụ. Tôi có thể dùng ví điện tử VNPT Pay để trả tiền cước viễn thông hàng tháng ở bất kỳ đâu hoặc dùng để mua các dịch vụ khác như: vé máy bay, vé xe, trả tiền điện, nước…”.
Không nằm ngoài xu hướng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, anh Phạm Quốc Toàn-Chủ cửa hàng Tín Phát (285 Phan Đình Phùng) vừa phát triển mảng bán lẻ, bán sỉ tại cửa hàng, vừa phát triển kênh đặt hàng online qua mạng xã hội Zalo, Facebook cho khách hàng cá nhân. Theo chia sẻ của anh Toàn, đối với kênh bán hàng online, hầu hết khách hàng thực hiện chuyển khoản thanh toán qua mobile banking của các ngân hàng Agribank, BIDV nên tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua. “Thời gian tới, cửa hàng sẽ mở điểm chấp nhận thanh toán bằng ví điện tử để đa dạng hình thức thanh toán, phục vụ nhu cầu thanh toán của đối tượng khách hàng trẻ tuổi. Tuy nhiên, phía cửa hàng đang cân nhắc, tìm hiểu kỹ hơn về chính sách phí, chính sách ưu đãi đối với thanh toán bằng ví điện tử”-anh Toàn cho biết. 
Tương tự, chị Trương Thị Tuyết Nhung-nhân viên cửa hàng TH Truemart (68 Hùng Vương) cho hay: Song song với giao dịch bằng tiền mặt tại cửa hàng, khách hàng có thể thanh toán không tiền mặt bằng máy POS, quét mã thanh toán bằng ví điện tử có liên kết với các ngân hàng: Agribank, BIDV, Vietcombank để hưởng khuyến mại. Hiện nay, một số khách hàng thường xuyên thanh toán qua ví điện tử, mobile banking để hưởng chính sách ưu đãi.  
Nhà mạng viễn thông VNPT đang hướng về tệp khách hàng của chính mình bằng các chính sách ưu đãi, liên kết với các đơn vị đối tác để gia tăng dịch vụ, tính tiện ích, tiện lợi cho khách hàng sử dụng VNPT Pay.  (ảnh internet)
Nhà mạng viễn thông VNPT đang hướng về tệp khách hàng của chính mình bằng các chính sách ưu đãi, liên kết với các đơn vị đối tác để gia tăng dịch vụ, tính tiện ích, tiện lợi cho khách hàng sử dụng VNPT Pay. (ảnh internet)
Theo đánh giá từ VNPT Gia Lai, mặc dù ví điện tử tích hợp nhiều tính năng nhưng đang dừng ở phân khúc khách hàng có am hiểu về công nghệ và có đăng ký sử dụng mobile banking, internet banking của các ngân hàng. Trước mắt, nhà mạng viễn thông VNPT đang hướng về tệp khách hàng của chính mình bằng các chính sách ưu đãi, liên kết với các đơn vị đối tác để gia tăng dịch vụ, tính tiện ích, tiện lợi cho khách hàng sử dụng VNPT Pay. Dưới góc độ nhà cung cấp sản phẩm, ông Tô Ngọc Linh-Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Gia Lai-cho biết: “Năm 2020, mục tiêu của chúng tôi đặt ra là 40% khách hàng của VNPT Gia Lai đăng ký sử dụng VNPT Pay để chi trả, thanh toán các dịch vụ viễn thông cũng như sử dụng thanh toán các dịch vụ khác. Hiện nay, tại các cửa hàng của VNPT, chúng tôi đang đẩy mạnh triển khai VNPT Pay, có chính sách khuyến khích khách hàng trải nghiệm những tiện ích mà sản phẩm này mang lại như nạp thẻ điện thoại, thanh toán cước…”.
 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.