Tăng giá trị cho sản phẩm OCOP tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng của các địa phương bước đầu khẳng định lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Trên cơ sở đó, các địa phương đang tập trung xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.

 

Hiệu quả bước đầu

Chư Pưh là một trong những địa phương chú trọng triển khai Chương trình OCOP. Ông Nguyễn Long Khánh-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hộ nông dân tham gia chương trình OCOP, năm 2019, huyện đã mời PGS-TS. Trần Văn Ơn-Cố vấn Chương trình OCOP quốc gia về hướng dẫn cho tất cả các xã, thị trấn những nội dung liên quan đến OCOP. Đến nay, huyện đã có 4 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh. Năm 2020, huyện tiếp tục vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ nông dân tham gia đóng góp ý tưởng để hình thành sản phẩm OCOP. Hiện có 6 doanh nghiệp và 3 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện đăng ký 14 sản phẩm OCOP trong năm 2020. Bên cạnh đó, huyện sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị và các hộ sản xuất đầu tư hoàn thiện sản phẩm nhằm đạt tiêu chí của Chương trình OCOP.

Sản phẩm trái cây được trưng bày tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2019. Ảnh: Đ.T
Sản phẩm trái cây được trưng bày tại Ngày hội Du lịch Kbang năm 2019. Ảnh: Đ.T



Trên cơ sở đăng ký của các HTX và doanh nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh đã đề xuất UBND huyện xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Theo đó, 6 HTX và 3 doanh nghiệp tại 6 xã, thị trấn đăng ký 14 sản phẩm gồm: đậu đen xanh lòng giống bản địa, tinh dầu sả cam, hồ tiêu, dầu sachi OMEGA, sầu riêng, mít, na, gạo Dai Ke Lao, tinh bột nghệ đỏ, viên tinh nghệ mật ong sữa ong chúa, trà đinh lăng, rượu đinh lăng, tinh dầu bơ, trà túi lọc linh chi. Trong đó có 4 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh đăng ký nâng hạng vào năm 2020 gồm: tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai; sầu riêng của HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn; rượu ngâm đinh lăng của Công ty TNHH một thành viên Ngọc Thạch Khôi. Các đơn vị này đang phối hợp với địa phương để có kế hoạch mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, mẫu mã để nâng hạng.

Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai-chia sẻ: Công ty có 2 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh vào năm 2019. Ngay từ đầu, Công ty đã đi theo hướng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu sạch tại địa phương nên sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưu chuộng. Bên cạnh nâng cao chất lượng, việc ứng dụng các công nghệ mới để cải tiến mẫu mã sản phẩm cũng được chú trọng, tiến hành liên tục để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. “Thời gian tới, Công ty tiếp tục đầu tư cho khâu sản xuất cũng như nâng cao giá trị thương hiệu, mở rộng kênh phân phối ở cả thị trường trong nước và quốc tế”-ông Tuân cho biết.

Ở huyện Kbang, tiềm năng phát triển sản phẩm OCOP cũng rất đa dạng, phong phú. Các sản phẩm thế mạnh của địa phương gồm: trái cây, hạt mắc ca, măng khô, mật ong; dược liệu thu hái từ rừng tự nhiên và dược liệu trồng; thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ, nhạc cụ chế tác bằng tre, nứa, mây tre đan… Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo lập kế hoạch triển khai Chương trình OCOP cấp huyện. Huyện đã thành lập hội đồng đánh giá và phân hạng sản phẩm của mỗi địa phương.

Sản phẩm dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ được trưng bày tại Hội chợ nông sản, thực phẩm trong Ngày hội Du lịch năm 2019.
Sản phẩm dệt thổ cẩm, đồ gỗ mỹ nghệ được trưng bày tại Hội chợ nông sản, thực phẩm trong Ngày hội Du lịch năm 2019. Ảnh: Ngọc Sang

Cùng với đó, UBND huyện hợp đồng với chuyên gia Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tư vấn xây dựng mô hình điểm thành lập HTX nông nghiệp từ các tổ hợp tác gắn với phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức tập huấn chương trình và ý tưởng kinh doanh, tư vấn hỗ trợ cho cộng đồng phát triển sản phẩm OCOP. Năm 2019, huyện đã tiếp nhận 9 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Qua đánh giá, phân hạng có 3 sản phẩm được xếp hạng cấp huyện. Sau đó, 3 sản phẩm này được gửi tham gia đánh giá cấp tỉnh và đều đạt 3 sao. “Thời gian tới, Phòng tiếp tục hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đã đạt sao hoàn thiện hồ sơ để tham gia nâng hạng năm 2020. Đồng thời, hướng dẫn các chủ thể có ý tưởng, sản phẩm tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để tham gia Chương trình OCOP, phát huy thế mạnh sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ đặc trưng của huyện”-ông Tình thông tin.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP

Đầu năm 2020, huyện Kbang đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai Chương trình OCOP, trong đó đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình đến cán bộ, công chức, doanh nghiệp, HTX, hộ dân bằng nhiều hình thức như lồng ghép với các hội nghị, sinh hoạt đoàn thể, nông hội; tổ chức tập huấn, xây dựng ý tưởng và tuyên truyền nâng cao nhận thức về chương trình. Đồng thời, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế năm 2019, huyện xác định rõ sản phẩm, chủ thể cần hỗ trợ theo các nội dung cụ thể. Xác định và tập trung phát triển, nâng cấp các sản phẩm đã được đánh giá. Đặc biệt, Chương trình OCOP tập trung phát triển sản phẩm để nâng hạng lên 4 sao, 5 sao. Tổ chức đánh giá chuỗi giá trị các sản phẩm tiềm năng sẽ đạt từ 3 sao trở lên để phân tích rõ điều kiện, khả năng phát triển, có các biện pháp hỗ trợ theo chuỗi, khâu sản xuất. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, gắn với phát triển sản phẩm đặc trưng để tham gia Chương trình OCOP. Hỗ trợ các chủ thể, HTX tham gia các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại trên toàn quốc theo quy định. Xây dựng một website thành phần về Chương trình OCOP trên cổng thông tin điện tử của huyện. Hình thành điểm bán hàng, cửa hàng OCOP tại huyện…

Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019.
Sản phẩm tinh bột nghệ đỏ Agila, viên tinh nghệ đỏ-mật ong-sữa ong chúa Agila của Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) đạt chứng nhận 3 sao OCOP cấp tỉnh năm 2019. Ảnh: Quang Tấn

Năm 2019, có 47 sản phẩm đặc trưng của 11 huyện, thành phố trong tỉnh được lựa chọn gửi Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh để đánh giá, phân hạng. Kết quả, có 41/47 sản phẩm được chấm đạt 3-4 sao.
 

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh-thông tin: Năm 2020, huyện đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để phát triển Chương trình OCOP. Trong đó, huyện chú trọng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo cán bộ về xây dựng kế hoạch sản xuất và đánh giá sản phẩm theo Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý, điều hành Chương trình OCOP huyện, xã và chủ cơ sở có đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp, HTX; hướng dẫn các chủ thể sản xuất đăng ký ý tưởng sản phẩm; xét chọn ý tưởng sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể sản xuất hoàn chỉnh và triển khai thực hiện kế hoạch kinh doanh, tổ chức sản xuất các sản phẩm; xúc tiến thương mại, quảng bá và bán sản phẩm OCOP. Ngoài ra, UBND huyện đã ký hợp đồng với PGS-TS. Trần Văn Ơn để định hướng giúp địa phương xây dựng sản phẩm OCOP giai đoạn 2020-2022.

Việc các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP đã mở ra hướng phát triển cho các sản phẩm có lợi thế, đặc trưng ở từng vùng. Hiện nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh như: cà phê bột, khoai lang Lệ Cần, cá lăng sông Sê San, thịt bò một nắng Krông Pa, mật ong rừng, nấm linh chi, tinh bột nghệ, hồ tiêu Lệ Chí… không chỉ được tiêu thụ ở địa phương mà còn được phân phối ở các chuỗi siêu thị trong nước. Ngoài những sản phẩm này, trong tương lai sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh được người tiêu dùng cả nước biết đến.

Theo PGS-TS. Trần Văn Ơn, những kết quả bước đầu của Chương trình OCOP sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, góp phần phát triển sản phẩm. Để khuyến khích phát triển sản phẩm, từ ý tưởng cũng như nhu cầu, khả năng thực tế của mỗi cơ sở sản xuất, các địa phương cần xây dựng chương trình như một “sân chơi” mở, nhưng theo một chu trình được kiểm soát chặt chẽ trên nguyên tắc dân biết, dân bàn, dân làm và dân thụ hưởng. Chính quyền địa phương đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để hỗ trợ các khâu đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ, khuyến khích, hỗ trợ cho các tổ chức kinh tế phát triển sản xuất sản phẩm hướng theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ sát cánh cùng với huyện Chư Pưh lập kế hoạch hàng năm, bám sát quá trình thực hiện kế hoạch; tư vấn cho người dân khi họ có ý tưởng về sản phẩm; đào tạo cho lãnh đạo các HTX, doanh nghiệp cách phát triển sản phẩm; chọn một vài xã điểm để trực tiếp cùng cộng đồng tham gia hình thành ý tưởng, triển khai kế hoạch cho tới khi hoàn thành sản phẩm… Những cách làm trên để cho các địa phương còn lại học tập và làm theo. Từ đó, nhiều sản phẩm đẹp, chất lượng tốt từ chương trình sẽ thu hút người tiêu dùng, giúp kinh tế vùng nông thôn phát triển”-PGS-TS. Trần Văn Ơn thông tin.

 

 NGỌC SANG-QUANG TẤN

 

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.