Hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương Gia Lai đã đứng ra kết nối các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, chế biến nông sản với các địa phương có nhu cầu. Với cách làm này, một số mặt hàng nông sản đã được tiêu thụ, giúp người sản xuất bớt khó khăn.

   Thông qua việc kết nối, một số sản phẩm nông sản như dưa hấu đã tìm được đầu ra, giúp người sản xuất vượt qua khó khăn. Ảnh: V.T
Thông qua việc kết nối, một số sản phẩm nông sản như dưa hấu đã tìm được đầu ra, giúp người sản xuất vượt qua khó khăn. Ảnh: V.T



Giữ vai trò là kênh trung gian kết nối, Sở Công thương đã làm việc với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thị xã thống kê số đơn vị, cá nhân, hợp tác xã có sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy sản để cung cấp thông tin cho các đơn vị trung gian thu mua ở các tỉnh bạn nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Đến nay, Sở Công thương đã kết nối được 11 tổ chức và 244 cá nhân. Qua đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân sản xuất đã tìm được đầu ra cho sản phẩm; đơn vị tiêu thụ thì tìm được nguồn hàng ngay tại địa phương với chất lượng đảm bảo, giá cả tốt. Tuy nhiên, để hàng sản xuất trong dân vào được các kênh phân phối và bán lẻ lớn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe về mặt thủ tục như chứng nhận về mặt chất lượng. Với quy mô sản xuất hộ gia đình, điều này khó mà đáp ứng được. Tuy nhiên, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch Covid-19 diễn ra, một số siêu thị trên địa bàn đã linh động bằng cách kiểm tra chất lượng sản phẩm qua máy test nhanh nhằm loại bỏ những sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đem đến sản phẩm chất lượng tốt và an toàn cho người sử dụng.

Ông Võ Ngọc Trọng-Giám đốc Siêu thị VinMart Pleiku-cho hay: “Siêu thị đã thông qua một nhà cung cấp để nhập số lượng lớn dưa hấu trên địa bàn. Đồng thời, Siêu thị nhập thanh long từ các tỉnh miền Tây để thực hiện chương trình bán hàng không lợi nhuận trong một khoảng thời gian”. Cũng theo ông Trọng, không riêng gì VinMart mà các siêu thị, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng loạt việc thu mua nên một lượng lớn dưa hấu trên địa bàn được tiêu thụ, tránh được sự dồn ứ vì không xuất khẩu được. Hiện Siêu thị đang có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn.

Ông Đinh Tài (làng Bla, xã Đak Song, huyện Kông Chro) cho biết: “Gia đình tôi có 3 ha dưa hấu đã đến kỳ thu hoạch. Do giá thu mua tại ruộng thấp nên tôi chỉ mới cắt bán hơn 7 tấn, hiện vẫn còn khoảng 100 tấn chưa thu”. Theo ông Tài, thời điểm này, ông đang tích cực tưới nước để giữ dưa tại ruộng và việc này cũng chỉ duy trì thêm trong vài ngày tới. Vừa rồi, ông đã liên hệ với Sở Công thương nhờ hỗ trợ kết nối và hy vọng sẽ tiêu thụ được dưa hấu với giá cao.

Siêu thị Co.opMart Pleiku chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Vũ Thảo
Siêu thị Co.op Mart Pleiku chung tay hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Vũ Thảo



Theo đánh giá của ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương, việc hỗ trợ thông tin để các doanh nghiệp, đơn vị và địa phương kết nối tiêu thụ nông sản đã tạo hiệu ứng tốt, sản lượng hàng đã tiêu thụ hết với giá bán hợp lý, phần nào giúp người sản xuất vượt qua giai đoạn khó khăn này. Để tiếp tục thực hiện, Sở Công thương đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT nắm bắt tình hình thời vụ trái cây nhằm có giải pháp phù hợp. Hiện tại, trên địa bàn còn khoảng 350 ha dưa hấu trồng trong dân đang chuẩn bị thu hoạch rộ đã được hỗ trợ kết nối với những đầu mối lớn trong và ngoài tỉnh. Còn một số loại trái cây khác như thanh long, chuối thì doanh nghiệp sản xuất cho biết đã chủ động tìm đầu ra và khả năng tiêu thụ ổn định.

Trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dự báo việc tiêu thụ hàng nông sản sẽ còn khó khăn do nhu cầu xuất khẩu giảm. Quý I-2020, dự báo kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt hơn 110 triệu USD, giảm khoảng 23,47% so với cùng kỳ năm 2019. Khối lượng xuất khẩu các mặt hàng cà phê, tinh bột mì, cao su, trái cây đều giảm mạnh. “Hiện Sở Công thương cũng đã đề nghị các doanh nghiệp, siêu thị đánh giá khả năng dự trữ của các kho trong công tác bảo quản các sản phẩm thiết yếu, tăng cường hoạt động thu mua, mở rộng quy mô sản xuất; đồng thời tăng cường nhân lực, nâng cao công suất chế biến và tiêu thụ hàng nông sản nhằm tích cực hỗ trợ cho nông dân. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý các hành vi ép giá để trục lợi, gian lận thương mại, gây thiệt hại cho người sản xuất và tiêu dùng”-ông Lộc thông tin thêm.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.