Gồng mình chống hạn cho lúa Đông Xuân trên địa bàn Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do thời tiết nắng kéo dài nên một số cánh đồng lúa ở huyện Đak Đoa, Mang Yang đã xuất hiện hạn cục bộ. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương và người dân đang tập trung chống hạn cho cây lúa.

 

 Hàng trăm héc ta lúa thiếu nước tưới

Nắng nóng gay gắt thời gian qua đã làm hơn 168 ha lúa nước tại nhiều cánh đồng ở huyện Đak Đoa bị hạn, có nguy cơ mất trắng. Trong đó, xã Đak Sơ Mei có hơn 40 ha, xã A Dơk hơn 35 ha, xã Glar 30 ha, xã Ia Băng gần 40 ha, xã Kdang 18 ha, xã Trang 5 ha...

Đang tưới nước cho lúa tại cánh đồng Ia Không, anh Djêm (làng O Yố, xã Ia Băng) cho biết: “Mình có 4 sào lúa đang thời kỳ làm đòng nhưng lại thiếu nước. Mình phải thuê máy bơm với giá 25 ngàn đồng/giờ bơm nước về cứu lúa. Để tưới hết 4 sào lúa này, gia đình mình phải mất hơn 1 triệu đồng/lần”. Tương tự, anh Er (làng O Yố) buồn rầu nói: “2 sào lúa của gia đình ở cánh đồng Ia Không đang chuẩn bị trổ bông thì thiếu nước. Giờ cây lúa cháy vàng, coi như năm nay mất mùa”.   

  Anh Djêm (làng O Yố, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đang tưới chống hạn cho lúa tại cánh đồng Ia Không. Ảnh: L.N
Anh Djêm (làng O Yố, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đang tưới chống hạn cho lúa tại cánh đồng Ia Không. Ảnh: L.N



Theo ông Lê Trọng Đoàn-Chủ tịch UBND xã A Dơk: Trên địa bàn xã không có hồ, đập thủy lợi mà phụ thuộc vào nước mặt nên việc chống hạn cho cây lúa rất khó. Do đó, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, làng hướng dẫn người dân tưới luân phiên và phân chia nguồn nước để tránh xảy ra tranh chấp nguồn nước tưới giữa cây dài ngày và cây ngắn ngày. Đồng thời, xã hướng dẫn bà con tưới ẩm cho cây lúa đang trong giai đoạn trổ bông. Nếu đến cuối tháng 3 mà không có mưa thì khả năng khoảng 70 ha lúa trên địa bàn sẽ mất trắng do những diện tích lúa này hiện đang trong giai đoạn chuẩn bị trổ bông.

Tại huyện Mang Yang, nhiều diện tích lúa cũng đang bị hạn. Ông Phạm Ngọc Cơ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Năm nay, nắng hạn xảy ra sớm hơn so với những năm trước. Một số xã đã có hiện tượng thiếu nước cục bộ trên cây lúa với tổng diện tích 55,6 ha, trong đó, xã Đak Djrăng 32,5 ha, Đak Yă 2,9 ha, Lơ Pang 20,2 ha. Một số xã khác đang tiếp tục cập nhật, thống kê tình hình thiếu nước sản xuất. Phần lớn diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông bị thiếu nước nên ảnh hưởng lớn đến năng suất và có nguy cơ mất trắng.

 Lúa tại cánh đồng Ia Brang (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đang chuẩn bị trổ bông thì bị hạn, có nguy cơ mất trắng. Ảnh: Lê Nam
Cánh đồng lúa tại Ia Brang (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) đang chuẩn bị trổ bông thì bị hạn có nguy cơ mất trắng. Ảnh: Lê Nam



Triển khai các giải pháp chống hạn

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Phần lớn diện tích lúa bị hạn đang ở giai đoạn làm đòng, trổ bông và đều ở khu vực không có công trình thủy lợi, phải sử dụng nguồn nước mạch, khe suối. Nếu thời gian tới tiếp tục không có mưa thì diện tích bị hạn sẽ tăng lên rất nhiều. Cũng theo ông Anh, mặc dù ngay từ đầu vụ, huyện Đak Đoa đã không đưa vào kế hoạch sản xuất hơn 100 ha lúa nước và khuyến cáo người dân chuyển đổi hơn 30 ha lúa thường xuyên bị hạn sang cây trồng khác; đồng thời, hướng dẫn người dân gieo sạ lúa sớm hơn 20-25 ngày so với vụ trước và sử dụng các loại giống ngắn ngày nhưng vẫn có một số nơi xảy ra hạn. “Trước mắt, người dân tự đánh giá diện tích nào có khả năng cứu được mới tiến hành tưới cầm chừng chờ mưa. Đồng thời, các địa phương cần khoanh vùng những diện tích bị hạn năm nay để không đưa vào kế hoạch sản xuất vụ tới”-ông Nguyễn Kim Anh thông tin.  

Anh Siu Đu-làng O Yố, xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) chuyển đổi diện tích lúa nước sang cây rau màu. Ảnh: Lê Nam
Anh Siu Đu tại làng O Yố (xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) chuyển đổi diện tích lúa nước sang cây rau màu. Ảnh: Lê Nam



Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lương-Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Hiện những diện tích bị hạn đều ở những vùng không chủ động được nguồn nước, không có công trình thủy lợi. Còn những diện tích tại khu vực có công trình thủy lợi vẫn cơ bản đảm bảo nước tưới. “Nhằm giảm thiểu thiệt hại do nắng hạn gây ra, đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để triển khai các biện pháp chống hạn. Bên cạnh đó cần có phương án điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nước tưới cho các cây trồng đang ra hoa, kết trái; tuyên truyền người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh để thất thoát, lãng phí nước. Trước mắt, các địa phương chủ động xuất nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ, vận hành các trạm bơm dã chiến và tận dụng tối đa nguồn nước để chống hạn”-ông Lương cho biết thêm.
 

LÊ NAM

 

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.