Chứng khoán tuần mới: Đáy nào mới là đáy cuối cùng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh hơn là hồi phục. Trong đó, Vn-Index đã rơi xuống dưới ngưỡng 710 điểm vào phiên cuối tuần 20.3, nằm trong vùng đáy được dự báo trước đó là từ 700-710 điểm.

 

 Biểu đồ Vn-Index ngày 20.3.2020 (nguồn: tradingview.com).
Biểu đồ Vn-Index ngày 20.3.2020 (nguồn: tradingview.com).




Không chắc đáy nào là đáy cuối cùng

Nhìn chung tới thời điểm này, hầu hết các dự báo đều cùng một quan điểm là chứng khoán Việt Nam đang trong xu hướng giảm điểm cùng với chứng khoán Châu Á và chứng khoán Mỹ.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Vn-Index đã giảm tới hơn 251 điểm tương ứng với mức giảm hơn 26%. Trong đó, nhiều cổ phiếu bị giảm sâu tới 50%, rất nhiều cổ phiếu trong số còn lại trên hai sàn HoSE và HNX giảm ở mức từ 20-30%.

Tuy nhiên, với những số liệu thống kê giảm ở trên thì Vn-Index đã chạm đáy hay chưa?

Bởi bản thân các nhà đầu tư cũng luôn nóng lòng, mong mỏi được biết đích xác đáy nào là đáy cuối cùng để định hướng tham gia thị trường.

Không khó có lời giải đáp từ các công ty chứng khoán: Đã chạm đáy. Nhưng vấn đề là, đáy nào mới là đáy cuối cùng. Những đáy mang tính thời điểm, hoặc là những đáy kế tiếp, đã hình thành khá nhiều trong thời gian qua. Từ mốc 900 điểm bị xuyên thủng, Vn-Index chạm tới vùng đáy ngắn hạn 850-880, rồi sau đó thủng tiếp chạm vùng đáy 800-820, 760-770, và cuối tuần rồi là thủng mốc 720 điểm…

Các chuyên gia đến từ nhiều công ty chứng khoán đang bối rối để có thể đưa ra một nhận định về đáy cuối cùng, mà chỉ có thể đưa ra mức đáy tham chiếu theo thời gian. Đơn cử chuyên gia từ Công ty chứng khoán TVI cho rằng, một số cổ phiếu nếu nhà đầu tư biết sàn lọc lựa chọn và xem xét kĩ, thì đã xuống đáy với chính nó trong nhiều năm qua ở mức giảm tới 50% giá trị. Còn theo Công ty chứng khoán MB (MBS), rổ cổ phiếu VN30 hiện có mức giá giảm về đáy của 5 năm trở lại đây.

Mức đáy kế tiếp theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán là vùng 670-700 điểm. Trong khi đó, chuyên gia từ TVI thì cho rằng, 650 điểm sẽ là vùng đáy khá cứng có tính hỗ trợ mạnh.

Có thể bắt đáy dần?

Giả thiết về trường hợp hồi phục, các chuyên gia cho rằng chỉ có những phiên hoặc hơn nữa là nhịp hồi phục nhẹ kĩ thuật chứ không thể xảy ra đợt tăng mạnh trong bối cảnh đang diễn ra phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Châu Âu và Mỹ ảnh hưởng khó lường đến thị trường chứng khoán.


 

 Dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Ảnh: L.H/LĐO.
Dịch bệnh COVID-19 là nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh. Ảnh: L.H/LĐO.



Tuy nhiên, với những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro, Công ty chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho rằng có thể tham gia dò đáy với một tỉ trọng thấp cổ phiếu mua vào. Tỉ trọng này theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) có thể từ 10-20% ưu tiên các cổ phiếu có tầm nhìn đầu tư trung và dài hạn.

Về tỉ trọng tiền mặt nắm giữ, với nhà đầu tư muốn cầm chắc an toàn thì nên 100%, còn các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì có thể là 50% tiền mặt và 50% cổ phiếu, hoặc dám chơi hơn để dò đáy, bắt đáy thì tỉ trọng tiền mặt có thể từ 10-20% mà thôi.

Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), những nhịp giảm sâu trong thời gian vừa qua khiến Vn-Index rơi xuống mức tương đối thấp, chỉ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) đã ở mức đáy của nhiều năm do đó có thể kích thích một số nhà đầu tư xuống tay bắt đáy.

Với những nhà đầu tư đang dồi dào tiền mặt, việc bắt đáy từng đợt với tỉ trọng nhỏ cũng là một chiến thuật mang tính đầu tư trung và dài hạn đồng thời vừa có thể dò đáy và cũng phần nào có thể chủ động được khi sóng tăng quay trở lại.

 

https://laodong.vn/kinh-te/chung-khoan-tuan-moi-day-nao-moi-la-day-cuoi-cung-792589.ldo

Theo Thế Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.