Buôn bán ế ẩm vì dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19. Biểu hiện rõ nhất là lượng khách đến mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng giảm mạnh.

 

Những ngày này, Trung tâm Thương mại Pleiku khá thưa vắng khách, nhất là tại khu nhà lồng bán giày dép, mũ nón, quần áo, hàng tiêu dùng, đồ khô… Bà Hồ Thị Dạn cho biết: “Nói không ai tin chứ 3 ngày nay, tôi chưa bán được món hàng nào. Nếu tình trạng này kéo dài chắc tôi phải chuyển nghề”. Không riêng gì bà Dạn, các tiểu thương bán quần áo ở khu nhà lồng đều rơi vào tình cảnh ế ẩm triền miên. Theo nhiều tiểu thương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tác động của dịch Covid-19. Dịch khiến các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân bị ảnh hưởng, thu nhập theo đó giảm theo dẫn đến phải hạn chế tiêu dùng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại bên ngoài chợ phát triển cũng khiến không ít người dân thay đổi thói quen mua sắm.

 Trung tâm Thương mại Pleiku vắng người mua. Ảnh: V.T
Trung tâm Thương mại Pleiku vắng người mua. Ảnh: V.T



Ông Bùi Kim Truyền-Phó Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku-thông tin: “Theo thống kê sơ bộ, bị ảnh hưởng nhiều nhất là mặt hàng tiêu dùng, gia dụng và đồ khô với doanh thu giảm khoảng 40%. Trong khi đó, doanh thu mặt hàng tươi sống giảm khoảng 20%. Đặc biệt, tại khu kinh doanh lộ thiên trước đây có 150 hộ kinh doanh nhưng nay chỉ còn hơn 100 hộ. Hàng ngày, lượng khách mua lẻ khá thưa thớt, các hộ kinh doanh chủ yếu duy trì lượng khách bỏ mối sỉ cho các huyện nhưng ước tính doanh thu cũng giảm 35-40%”.

Tại một số chợ khác, tình hình buôn bán cũng không mấy sáng sủa. Chị Nguyễn Thị Hoài Thanh-tiểu thương tại chợ Hoa Lư (TP. Pleiku) cho hay: Từ khi dịch Covid-19 xảy ra đến nay, chợ vắng hẳn người. Các quán xá nhập rất ít hàng vì không có khách ăn, trường học thì nghỉ nên không lấy hàng. Nếu trước kia, mỗi ngày tôi bán 100 kg thịt thì nay giảm còn một nửa. “Thực phẩm thiết yếu mà đã bị ảnh hưởng như vậy thì các mặt hàng khác còn chịu tác động ghê gớm như thế nào. Tình hình mua bán ngày một khó khăn, thu nhập không riêng gì gia đình tôi mà tất cả các hộ tiểu thương đều bị ảnh hưởng”-chị Thanh rầu rĩ nói.

Không chỉ các chợ mà cả siêu thị, cửa hàng cũng rơi vào tình trạng buôn bán ế ẩm. Để kích cầu, nhiều cửa hàng, siêu thị đã đưa ra các chương trình khuyến mãi như giảm giá trực tiếp trên tất cả các mặt hàng với mức giảm lên đến 50% hay mua hàng kèm quà tặng hấp dẫn. Tuy nhiên, điều này cũng không mấy tác dụng.

Lượng khách hàng mua sắm tại các chợ giảm khoảng 30% so với thời điểm trước. Ảnh: Vũ Thảo
Lượng khách hàng mua sắm tại các chợ giảm khoảng 30% so với thời điểm trước. Ảnh: Vũ Thảo



Theo báo cáo của Sở Công thương, tháng 1-2020, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh đạt 6.547 tỷ đồng, giảm 340 tỷ đồng (tương đương 5%) so với tháng 12-2019. Trong tháng 2, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ chỉ đạt 5.625 tỷ đồng, giảm 922 tỷ đồng (tương đương 15%) so với tháng 1. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã giảm 1.262 tỷ đồng; dự kiến trong quý I-2020 sẽ giảm khoảng 20%.

Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương-cho biết: Biểu hiện rõ nhất của sự sụt giảm hoạt động thương mại là lượng khách đến mua sắm tại các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, cửa hàng giảm rất mạnh. Để hạn chế những tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động thương mại của tỉnh, Sở Công thương đã khẩn trương triển khai các chỉ thị, văn bản của Chính phủ, Bộ Công thương, UBND tỉnh đến các địa phương và doanh nghiệp thực hiện một số giải pháp như hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh chương trình khuyến mãi, giảm giá, phát triển các hệ thống phân phối làm cầu nối sản xuất với tiêu dùng nhằm kích cầu tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn đang chịu ảnh hưởng rất lớn do dịch Covid-19.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.