Đưa mãng cầu xiêm ra ruộng lại làm cả trà hữu cơ, không đủ bán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bằng sự cần cù, sáng tạo trong sản xuất, anh Danh Nhân (ngụ ấp Hòa An B, xã Ngọc Hòa, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) đã trồng thành công cây mãng cầu xiêm trên nền đất ruộng lúa. Ngoài tiêu thụ trái mãng cầu tươi chín cây, anh Nhân còn chế biến thành trà mãng cầu bán với giá cao.
   

 

Tự tay thụ phấn cho cây

Xã Ngọc Hòa vốn có thế mạnh về cây lúa, cây ăn trái và thủy sản các loại nhờ nguồn nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ. Năm 2017, anh Nhân chuyển đổi 3.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng 200 gốc mãng cầu xiêm.

Ấp ủ ý tưởng hình thành một vườn mãng cầu xiêm hữu cơ, cung cấp nguồn trái cây sạch đến người tiêu dùng, anh Nhân chỉ sử dụng phân trùn quế bón cho cây mãng cầu. Để trái to, tròn đều, vợ chồng anh hái những bông xa cành để tự tay thụ phấn cho những hoa nằm sát nách cây.

 

 Anh Nhân chọn hái những trái mãng cầu già để chuẩn bị làm trà. Ảnh: Chúc Ly
Anh Nhân chọn hái những trái mãng cầu già để chuẩn bị làm trà. Ảnh: Chúc Ly

"Hiện mãng cầu xiêm tươi hay trà mãng cầu đều có đầu ra khá tốt vì không chỉ là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, mà theo một số tài liệu y khoa còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Tôi vẫn đang ấp ủ ý tưởng tạo ra một thương hiệu trà mãng cầu cho riêng mình”.

Anh Danh Nhân


Khi cây mang trái, anh dùng túi lưới để bao trái nhằm hạn chế côn trùng gây hại và giữ màu sáng đẹp cho vỏ. Nhờ cách làm này, mãng cầu vườn nhà anh đa phần đạt trọng lượng 2-3kg/trái, ít bị sâu hại tấn công.

Năm 2018, vườn mãng cầu xiêm của anh Nhân bắt đầu cho trái, sản lượng thu hoạch hơn 1 tấn trái chín, anh bán với giá 25.000 đồng/kg, trừ chi phí anh lãi hơn 20 triệu đồng.

Đặc biệt, giống mãng cầu của anh trồng được ương từ hạt mãng cầu xiêm, không phải là loại mãng cầu tháp bình bác nên có mùi thơm và vị ngọt thanh đặc trưng. Nhờ đó, khách đến tận vườn tìm mua, anh không đủ trái để bán.

Tạo khác biệt với trà mãng cầu

Với mong muốn mở rộng đầu ra và tăng giá trị cho vườn nhà, anh Nhân đã tìm cách chế biến mãng cầu xiêm thành trà thay vì chỉ bán trái tươi như thông thường. Cách làm này cũng được anh thử nghiệm thành công sau những ngày đi một số nơi để học tập.

Từ đầu năm 2019 đến nay, anh Nhân tận dụng hơn 200 gốc mãng cầu xiêm trong vườn làm nguồn nguyên liệu để sản xuất trà. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khách đặt hàng đến đâu, anh mới làm đến đó. Ngoài bán cho người dân, cán bộ ở xã, anh Nhân còn liên tục gửi hàng đi TP.Rạch Giá, TP.HCM để tiêu thụ.


 

 Anh Nhân phơi kiểm tra nguyên liệu trà mãng cầu. Ảnh: Chúc Ly
Anh Nhân phơi kiểm tra nguyên liệu trà mãng cầu. Ảnh: Chúc Ly



Theo anh Nhân, điểm khác biệt để tạo nên thương hiệu trà nằm ở bí quyết chọn trái và quy trình sản xuất. Sau khi lựa chọn những trái mãng cầu xiêm già đạt tiêu chuẩn, anh đưa vào gọt vỏ, rửa sạch, ngâm nước pha muối để diệt khuẩn trong 30-40 phút. Sau đó, trái được để ráo nước và tách bỏ hạt rồi cắt nhỏ, phơi khô dưới nắng và sấy trên lửa để giữ độ khô ráo và mùi thơm đặc trưng của trái mãng cầu xiêm trước khi đóng gói.

Để bảo quản sản phẩm tốt hơn, anh Nhân còn đặt mua bao bì cho sản phẩm là túi đựng có khóa.

Theo anh Nhân, để tạo ra 1kg trà thành phẩm anh sử dụng hơn 10kg trái tươi. Giá bán lẻ sản phẩm trà mãng cầu xiêm của gia đình anh là 600.000 đồng/kg.

Anh Nhân cho biết: “Hiện mãng cầu xiêm tươi hay trà mãng cầu đều có đầu ra khá tốt vì không chỉ là thực phẩm thơm ngon, bổ dưỡng, mà theo một số tài liệu y khoa còn có tác dụng chữa nhiều bệnh. Tôi vẫn đang ấp ủ ý tưởng tạo ra một thương hiệu trà mãng cầu cho riêng mình”.

http://danviet.vn/nong-thon-moi/dua-mang-cau-xiem-ra-ruong-lai-lam-ca-tra-huu-co-khong-du-ban-1062460.html

Theo Chúc Ly (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.