Kbang: Tập trung đầu tư để phát triển bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn, huyện Kbang (Gia Lai) còn dồn sức để phát triển ngành nông nghiệp. Thông qua việc liên kết với các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, Kbang đang hướng đến mô hình phát triển nông nghiệp bền vững, mang lại giá trị kinh tế cao.



Hạ tầng giao thông phát triển

Đã sống hơn 40 năm ở thị trấn Kbang, bà Trần Thị Gái (tổ 4) cho hay: Trước đây, khu vực này toàn đường đất, mưa thì lầy, nắng thì bụi, người dân đi lại khó khăn. Các hộ trong làng Chiêng, Che Ré muốn ra thị trấn phải vượt qua mấy đoạn ngầm rất nguy hiểm. Những năm gần đây, thị trấn được Nhà nước đầu tư làm đường giao thông, nhiều con đường bê tông phẳng lì, rộng thoáng, buổi tối đèn đường sáng choang, người dân đi lại thuận tiện. Đặc biệt, tuyến đường Lê Văn Tám trước nhà tôi còn được kết nối với đường đến thác Hang Dơi-là một trong những công trình được huyện đầu tư xây dựng phục vụ phát triển du lịch.

 Giới thiệu các sản vật địa phương tại Ngày hội Du lịch Kbang.
Giới thiệu các sản vật địa phương tại Ngày hội Du lịch Kbang.



Theo ông Phạm Thành Nhân-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện: Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn nhà nước hỗ trợ và nhân dân, doanh nghiệp đóng góp để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Cụ thể, với tổng kinh phí hơn 510 tỷ đồng, huyện đã đầu tư cứng hóa 426,4 km đường giao thông. Năm 2010, chỉ có 3/121 km đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện thì đến nay con số này đã tăng lên 99,9/121 km, đạt 82,1%. Từ năm 2010 đến 2015, toàn huyện chỉ có 1 xã hoàn thành tiêu chí giao thông (đạt 0,77%) thì đến nay đã có 8 xã hoàn thành (đạt 53,8%).

Bên cạnh đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân cũng như phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, huyện Kbang còn quan tâm xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ du lịch nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Cụ thể, huyện đã đầu tư làm đoạn đường từ đường Trường Sơn Đông đi trung tâm xã Krong; đường vào Khu di tích lịch sử Vườn mít-Cánh đồng Cô Hầu; đường vào Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng; đường trục xã Đak Rong đi làng Kon Bông (vào thác Kon Bông); đường vào xã Kon Pne; đường vào thác Hang Dơi (thị trấn Kbang)… Đây chính là cơ sở, điều kiện để huyện kêu gọi đầu tư, khai thác các điểm du lịch sinh thái, văn hóa-lịch sử, phát triển các tour du lịch thu hút du khách.

Liên kết nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp

Ngoài tập trung các giải pháp thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, huyện Kbang còn chú trọng phát triển mô hình sản xuất tập trung trong nông nghiệp gắn với tìm đầu ra cho sản phẩm. Ông Mã Văn Tình-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho hay: Hiện diện tích cây mắc ca trên địa bàn đã hơn 580 ha, tập trung ở các xã Đak Rong, Sơ Pai, Sơn Lang, Krong, Kon Pne với hơn 1.000 hộ dân tham gia trồng. Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng 70 ha cho thu hoạch, tính bình quân 5 tạ nhân/ha thì phần diện tích này cho thu khoảng 35 tấn, giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg thì người dân thu về 50 triệu đồng/ha, chưa kể thu nhập từ cây cà phê, đậu, bắp trồng xen. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đầu tư trồng và liên kết với người dân trồng, tiêu thụ sản phẩm từ cây mắc ca. Đơn cử như: Công ty cổ phần Liên Việt Gia Lai cung ứng giống và thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân (giá không thấp hơn 85.000 đồng/kg); Phòng Giao dịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt-Chi nhánh Gia Lai cũng có gói cho vay đầu tư sản xuất cây mắc ca, thời gian tối đa đến 10 năm; Công ty TNHH Thương mại Du lịch Đức Anh (Đak Lak) liên kết hỗ trợ phát triển cây mắc ca từ năm 2014...

  Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Kbang được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Kbang được quan tâm đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.



Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kbang cho biết: Các sản phẩm hạt mắc ca cũng được đa dạng hóa để tiếp cận thị trường, nâng giá trị hạt mắc ca thuần chưa qua chế biến. Hiện có 10 hộ thu mua hạt mắc ca rồi phân loại, sấy khô, đóng gói hút chân không bán ra thị trường. Giá bán sỉ tại địa phương là 220.000 đồng/kg; bán lẻ là 260.000 đồng/kg; ký gửi các điểm bán ở TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng giá từ 280.000 đồng đến 300.000 đồng/kg. Chị Nguyễn Thị Lệ Giang (tổ 11, thị trấn Kbang) cho biết, chị tự làm mắc ca sấy khô bán ra thị trường nhiều năm nay. “Bên cạnh mục tiêu giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, tôi muốn đưa sản phẩm mắc ca tiếp cận thị trường rộng hơn, không còn bó hẹp trong địa bàn huyện”-chị Giang cho hay.

“Ngoài ra, một số hộ khác còn chế biến sữa mắc ca, tinh dầu mắc ca, nhân hạt mắc ca ngào mật ong cũng góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm, giúp tiêu thụ hạt mắc ca dễ dàng hơn. Trong số này, có 5 cơ sở chế biến hạt mắc ca đủ điều kiện an toàn thực phẩm; 3 cơ sở đã làm hồ sơ để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh”-ông Tình thông tin thêm.

 

 MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.