Hợp tác xã Hoài Trương Chư Sê: Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau hơn 2 năm thành lập, Hợp tác xã (HTX) Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê (xã Ia Blang, huyện Chư Sê, Gia Lai) đã khẳng định được hiệu quả trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản.
Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê được thành lập năm 2017, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Từ năm 2018, HTX bắt đầu có ý tưởng chuyển qua trồng rừng sản xuất và phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bà Mai Thị Thủy-Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc HTX-cho biết: “Chúng tôi nhận thấy tài nguyên rừng tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Sản xuất nông nghiệp theo lối hiện tại để lại nhiều hệ lụy cho nguồn đất, nước, khí hậu… Do vậy, HTX chủ trương phát triển sản xuất hữu cơ dựa trên một số loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng Chư Sê. Đây cũng là xu thế phát triển chung của nông nghiệp hiện đại”.
Bắt tay thực hiện ý tưởng này, HTX gặp không ít khó khăn về diện tích đất để xây dựng vùng nguyên liệu và nguồn vốn. Nhiều bài toán được hoạch ra, những để có thể vượt qua khó khăn và đạt mục tiêu như kỳ vọng, HTX buộc phải lựa chọn con đường “lấy ngắn nuôi dài”. “Chúng tôi thuê vườn cao su tái canh của một đơn vị trên địa bàn để đầu tư trồng các loại cây như: gáo vàng, cà phê TR-4, hồ tiêu Sri Lanka, đinh lăng, mắc ca, sầu riêng, mít khổng lồ… Để tạo nguồn thu trong ngắn hạn, HTX đẩy mạnh tận dụng trồng xen một số cây ngắn ngày như: nghệ đỏ, sachi, chanh dây khi vườn cây dài ngày cây chưa khép tán”-bà Thủy cho biết.
 Thành viên Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê đang ép dầu sachi.Ảnh: L.H
Thành viên Hợp tác xã Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê đang ép dầu sachi. Ảnh: L.H
Để tăng giá trị kinh tế, tạo thế chủ động trong sản xuất, giảm thiểu nguy cơ bị ép giá trong thời kỳ cao điểm thu hoạch mùa vụ, HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê đã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ sản phẩm. Trong đó, sachi là loại cây trồng đầu tiên được HTX lựa chọn để thực hiện. Bà Thủy cho hay: “Hợp tác xã thu hút được các thành viên có chung chí hướng dựa trên nền tảng sẵn có: người có vùng nguyên liệu, người có cơ sở máy móc và nắm vững kỹ thuật chế biến, người biết xây dựng thương hiệu, hoàn thiện thủ tục pháp lý cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường… rồi cùng bắt tay tạo thành chuỗi liên kết. Nhờ đó, thời gian qua, trong khi nhiều nơi đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm sachi thì chúng tôi đã tạo dựng được chuỗi trồng-chế biến-tiêu thụ các sản phẩm khá hiệu quả. Hiện HTX đã đưa ra thị trường nhiều dòng sản phẩm có giá trị cao như: dầu sachi, hạt sachi rang sấy, trà túi lọc lá sachi… Bình quân mỗi tháng, HTX sản xuất khoảng 500 kg sản phẩm từ sachi và 100 lít dầu sachi. Tuy còn khiêm tốn nhưng với chúng tôi đó là những trái ngọt sau rất nhiều vất vả, nỗ lực trên hành trình mới”.
Là một trong những thành viên tham gia HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê ngay từ những ngày đầu, anh Trần Anh Đạt (tổ 7, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Gia nhập HTX, tôi trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết, có thể tận dụng ưu thế và hỗ trợ nhau trong suốt chu trình sản xuất. Chúng tôi học được cách tạo nên sức mạnh tập thể, cho ra những sản phẩm có giá trị cao hơn mà nếu làm đơn lẻ khó lòng vươn tới. Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp hiện nay, chúng tôi tin rằng sẽ tạo được nền tảng tốt hơn từ sự liên kết này”. Thực tế, với lợi thế làm chủ được công nghệ ép dầu và có cơ sở ép dầu từ các loại hạt thực vật đang hoạt động khá tốt, anh Đạt đã không ngại ngần đăng ký làm thành viên HTX. Từ việc loay hoay tự tìm khách hàng nhỏ lẻ, anh đã nhận được đơn hàng lớn sau khi đảm đương ép toàn bộ sản phẩm dầu sachi cho HTX, đồng thời tạo động lực nâng cao tay nghề để đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm của HTX.
Tương tự, anh Phạm Văn Đồng-chủ trang trại nấm dược liệu hữu cơ tại thôn Bầu Zút (thị trấn Chư Sê) cũng gia nhập HTX Nông-Lâm nghiệp Hoài Trương Chư Sê và thấy được hiệu quả của việc tham gia chuỗi liên kết. “Khi gia nhập HTX, sản phẩm nấm dược liệu của trang trại được đóng bao bì, thương hiệu của HTX. Hay nói cách khác, mình sẽ “có tên, có tuổi” để bước ra thị trường. Giá trị sản phẩm tất nhiên sẽ tăng lên không ít. Sản phẩm cũng có cơ hội tham gia vào các thị trường khó tính”-anh Đồng chia sẻ.
Từ số ít thành viên ở huyện Chư Sê, đến nay, HTX đã phát triển lên 18 thành viên. Trong số này có các thành viên ở địa phương khác như Mang Yang, Kbang; sản xuất ở các lĩnh vực khác như trồng, chế biến hạt sachi, mắc ca, dược liệu… Từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX đạt khoảng 300 triệu đồng. Con số này tuy không lớn nhưng đặt trong bối cảnh HTX còn non trẻ thì cũng rất đáng khích lệ. Hiện vùng nguyên liệu của HTX với 34 ha cây trồng ban đầu đang phát triển tốt.
“May mắn là hiện nay, một số nơi HTX đến chào hàng, giới thiệu sản phẩm đều cho phản hồi tích cực. Gần đây nhất, HTX đã đạt chứng nhận VietGAP và ký được hợp đồng phát triển cây dược liệu đương quy, đinh lăng với Công ty cổ phần Dược liệu Gia Định (TP. Hồ Chí Minh). Đây là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục cố gắng hoàn thiện chu trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và đưa ra kế hoạch phát triển mới trong thời gian tới”-bà Thủy chia sẻ thêm.
 HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.