Nông dân Nghĩa Hưng liên kết nuôi ong mật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tận dụng lợi thế về nguồn tài nguyên rừng phong phú, khí hậu trong lành của địa phương, nông dân xã Nghĩa Hưng (huyện Chư Pah, Gia Lai) đã đầu tư phát triển nghề nuôi ong mật, đem lại nguồn thu nhập cao. Hiện các hộ dân nơi đây đang liên kết nuôi ong và từng bước xây dựng mật ong thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Nhằm liên kết để hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế, tháng 9-2017, Tổ liên kết nuôi ong mật xã Nghĩa Hưng được thành lập với 10 thành viên. Trong số này, mỗi thành viên nuôi 200-400 đàn ong, cá biệt có hộ nuôi đến hàng ngàn đàn. Sau 2 năm đi vào hoạt động, tổ liên kết đã phát triển khá ổn định với quy mô 4.000 đàn ong, mỗi năm thu được 120 tấn mật và 12 tấn phấn hoa. Với giá dao động từ 60 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng/kg mật, trên 100 ngàn đồng/kg phấn hoa, sau khi trừ chi phí, mỗi năm, tổ liên kết lãi khoảng 4,4 tỷ đồng, bình quân mỗi thành viên lãi khoảng 440 triệu đồng. Ngoài doanh thu từ khai thác mật, các hộ còn có khoản thu nhập thêm từ việc nhân đàn, tách đàn bán giống và các sản phẩm khác.
  Chị Đoàn Thị Thúy-chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) giới thiệu sản phẩm từ ong của gia đình.       Ảnh: L.H
Chị Đoàn Thị Thúy-chủ cơ sở nuôi ong Phước Hỷ (xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah) giới thiệu sản phẩm từ ong của gia đình. Ảnh: L.H
Ông Đỗ Văn Túc-Tổ phó Tổ liên kết nuôi ong mật-cho biết: Trước đây, gia đình ông nuôi ong lấy mật theo lối truyền thống, quy mô nhỏ nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi tham gia tổ liên kết nuôi ong và được tập huấn kỹ thuật, ông đã phát triển quy mô nuôi lên đến 400 đàn, thu lãi mỗi năm trên 300 triệu đồng. “Nuôi ong lấy mật không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải cẩn thận, tỉ mỉ và am hiểu về các đặc tính của ong như xây tổ, chia đàn, về các loài hoa, mùa ong đi lấy mật. Những tháng thời tiết lạnh, khan hiếm phấn hoa thì người nuôi cũng phải xử lý làm sao để ong không bay mất”-ông Túc chia sẻ kinh nghiệm.
Gia đình chị Đoàn Thị Thúy (thôn 6) đã có thâm niên 20 năm trong nghề nuôi ong lấy mật ở xã Nghĩa Hưng. Chị Thúy kể, năm 1999, gia đình chị bắt đầu nuôi khoảng 100 đàn ong. Khi đó, do chưa có kinh nghiệm, ong bị bệnh chết và bỏ đi hơn một nửa. Không nản chí, chị tự tìm hiểu và học cách chăm sóc đàn ong qua sách báo, ti vi và những người nuôi trước. Nhờ đó, đàn ong của gia đình chị phát triển ổn định, tăng lên theo từng năm. Đến nay, gia đình chị đã có khoảng 600 đàn ong, trung bình mỗi năm bán được khoảng 30 tấn mật. Cùng với phấn hoa và các sản phẩm từ ong, gia đình chị thu lãi 600 triệu đồng/năm. Chị Thúy phấn khởi nói: “3 năm trở lại đây, tôi đã xây dựng được thương hiệu và mở cửa hàng kinh doanh bán lẻ tại gia đình. Chất lượng mật tốt, giá cả hợp lý nên thị trường rất ưa chuộng, không đủ mật để cung cấp. Hiện nay, sản phẩm mật ong Phước Hỷ của gia đình tôi đã bao phủ khắp toàn quốc và được lựa chọn tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm của địa phương”.
Xã Nghĩa Hưng hiện có khoảng 80 hộ nuôi ong với khoảng 11.000 đàn. Đây là địa phương có số hộ nuôi ong nhiều nhất huyện Chư Pah. Ông Nguyễn Văn Dư-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng-cho biết: “Nghề nuôi ong lấy mật cần ít vốn đầu tư nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo nhiều việc làm cho người lao động lúc nông nhàn, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi giới. Nhờ nuôi ong lấy mật, kinh tế gia đình nhiều hội viên, nông dân đã được cải thiện, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Để đẩy mạnh hơn nữa nghề nuôi ong, Hội Nông dân xã đã thành lập Tổ liên kết nuôi ong mật với 10 thành viên tham gia. Sau 2 năm đi vào hoạt động, tổ liên kết đã phát huy được hiệu quả, mang lại nguồn lợi nhuận khá cho thành viên. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động thu hút nhiều hội viên tham gia tổ liên kết và từng bước xây dựng mật ong trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Nghĩa Hưng”.
Ông Dư cho biết thêm: Bên cạnh những thuận lợi, nghề nuôi ong vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Phần lớn sản lượng mật ong thu được của các hộ đều xuất bán thô cho các công ty nên thường xuyên bị ép giá, phụ thuộc vào thương lái. Việc tìm kiếm thị trường ở nước ngoài đòi hỏi sự nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng cũng đang là trở ngại của người nuôi ong ở xã Nghĩa Hưng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho những hộ nuôi ong phát triển, đề nghị các cấp chính quyền quan tâm hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm rộng hơn.
 Lê Hải

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.