Trồng tràm trên đất bán ngập: Lợi ích kép

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) Việc trồng cây tràm trên vùng đất bán ngập thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly không chỉ mang lại lợi ích về mặt hệ sinh thái mà còn tạo nguồn sinh kế ổn định cho người dân.
Hồ thủy điện Ia Ly có diện tích bề mặt rộng tới 64,5 km2, có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong điều tiết dòng chảy, khả năng phòng hộ của hệ sinh thái đất ngập nước, bảo vệ đa dạng sinh học và cảnh quan du lịch. Tuy nhiên, độ cao mực nước của hồ chứa không cố định theo mùa, sự lên xuống của mực nước hồ theo chu kỳ đã hình thành một vùng đất bán ngập có tổng diện tích khoảng 1.400 ha, đa phần bị cây cỏ dại, mai dương xâm lấn sau thời gian nước rút, không được người dân trong vùng sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Trữ lượng của rừng tràm cừ tại vùng đất bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly hiện đạt tới 260 m3/ha. Ảnh: Sơn Ca
Trữ lượng của rừng tràm cừ tại vùng đất bán ngập khu vực lòng hồ thủy điện Ia Ly hiện đạt tới 260 m3/ha. Ảnh: Sơn Ca
Nhận thấy việc khôi phục và bảo vệ hệ sinh thái tại vùng đất bán ngập là cực kỳ quan trọng, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới (Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên) đã xây dựng đề án khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các giải pháp trồng rừng trên vùng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Ia Ly” giai đoạn 2013-2016 với tổng kinh phí thực hiện 605 triệu đồng, bao gồm nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và nguồn đối ứng. Mục tiêu của dự án là xây dựng hệ sinh thái rừng bán ngập lòng hồ, góp phần tạo sinh kế cho người dân sống ven hồ; xác định một số loài cây lâm nghiệp phù hợp trên từng lập địa bán ngập; xác định được phương thức trồng rừng cho các loài cây được lựa chọn phù hợp trên từng lập địa bán ngập và phù hợp với tập quán canh tác của người dân ven hồ thủy điện Ia Ly.
Theo đó, năm 2013, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới đã phối hợp với UBND xã Ia Ly (nay là thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) và Công ty Thủy điện Ia Ly xây dựng mô hình thử nghiệm trồng rừng trên vùng đất bán ngập lòng hồ thủy điện, diện tích 4 ha, bao gồm 2 dòng tràm Úc và 1 dòng tràm ta (tràm cừ), mật độ trồng 10.000 cây/ha. Đáng lưu ý, sau khi cây tràm được xuống giống thời gian ngắn thì khu vực này bị ngập nước liên tục trong quãng thời gian 4-6 tháng. Đến khi nước rút, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới đã tiến hành kiểm đếm, thu thập đánh giá số liệu thực tế. Kết quả cho thấy, tỷ lệ cây sống đạt tới 90%. Sau 3 năm (2013-2016) triển khai mô hình thử nghiệm trồng rừng, phần lớn diện tích cây tràm đã sinh trưởng và phát triển ổn định, có khả năng cải tạo môi trường và hoàn trả dinh dưỡng cho đất. Ông Trần Hồng Sơn-Giám đốc Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới, Chủ nhiệm đề án-cho hay: “Kết quả thử nghiệm cho thấy, đây là loại cây có khả năng phù hợp với điều kiện ngập nước, ngăn chặn hiện tượng rửa trôi đất, có hiệu quả kinh tế cao, lại dễ trồng và sinh trưởng nhanh, sau 5-7 năm là cây có thể khai thác”.
Ngay sau khi đề án kết thúc, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới đã tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác và bảo vệ rừng trồng cho ông Trần Văn Hồng (tổ 1, thị trấn Ia Ly). Đến nay, trữ lượng cây tràm đã đạt 260 m3/ha, nếu đưa vào khai thác sẽ cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất giấy, cọc xây dựng với giá thị trường hiện nay vào khoảng 15-20 ngàn đồng/cây. “Theo kinh nghiệm cá nhân, nếu trồng cây tràm ở vùng bán ngập thì chi phí đầu tư chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/ha. Còn mùa nước ngập sẽ mang theo lượng phù sa về nên chi phí phân bón, làm cỏ sẽ giảm bớt”-ông Hồng chia sẻ kinh nghiệm.
Trong tháng 5-2019, qua giám sát về hiệu quả ứng dụng các đề tài, dự án khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, đoàn giám sát HĐND tỉnh đánh giá đây là mô hình nhiều triển vọng. Đồng thời, đoàn giám sát đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Lâm nghiệp nhiệt đới nhân rộng mô hình để người dân ở vùng đất bán ngập có thêm sinh kế cải thiện cuộc sống.        
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.