Sâu keo hại bắp tăng mạnh: Thấp thỏm nỗi lo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuất hiện từ tháng 4 đến nay, sâu keo mùa thu đã gây nhiễm hơn 5.517 ha bắp vụ mùa tại 11 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, cơ quan chuyên môn và các địa phương đang tập trung hướng dẫn nông dân biện pháp phòng-chống nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Lây lan trên diện rộng 
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, diện tích trồng bắp hàng năm trên địa bàn toàn tỉnh xấp xỉ gần 50.000 ha, tập trung nhiều nhất là các huyện Kông Chro, Kbang, Chư Prông… Từ tháng 4 đến nay, sâu keo mùa thu đã xuất hiện tại 11 huyện, thị xã với diện tích bắp bị nhiễm bệnh hơn 5.517 ha. Trong đó, nhiễm nhẹ 3.155 ha; trung bình hơn 1.179 ha và nhiễm nặng hơn 1.182 ha; mật độ phổ biến 2-4 con/m2; cao từ 7 đến 10 con/m2…; gây hại chủ yếu trên các giống bắp như NK66, NK67, NK7328, Bioseed 9698 và các giống bắp nếp. Các địa phương có diện tích bắp nhiễm nhiều như Chư Prông 2.565 ha, Kông Chro 1.443 ha, Chư Pưh 1.249 ha, Kbang 130 ha…
Diện tích bắp của người dân xã Yang Trung bị sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: Nguyễn Diệp
Diện tích bắp của người dân xã Yang Trung bị sâu keo mùa thu gây hại. Ảnh: Nguyễn Diệp
Kông Chro là một trong những địa phương có diện tích trồng bắp lớn của tỉnh với diện tích hàng năm gần 11.000 ha. Tính đến ngày 1-7, diện tích bắp bị nhiễm sâu keo là 1.644 ha, chiếm 28,5% diện tích trồng bắp trên địa bàn. Trong đó, diện tích nhiễm nhẹ 1.213 ha, trung bình 407 ha và nặng 12,6 ha, diện tích buộc phải cày bỏ 10,8 ha.
Ông Đinh Chinh (làng Hle Hlang, xã Yang Trung) cho hay: “Năm nào gia đình tôi cũng trồng 1,3 ha bắp lai giống NK 7328 và đều đạt năng suất cao. Tuy nhiên, năm nay, diện tích bắp của gia đình đang bị sâu keo gây hại, chúng chủ yếu ăn ngọn bắp chưa biết có thu hoạch được không”. Cách đó không xa, rẫy bắp 6 ha của gia đình anh Đinh Bloch cũng đang bị sâu keo tấn công. Anh Bloch nói: Năm ngoái, trên diện tích này, gia đình thu hoạch được khoảng 45 tấn bắp tươi, bán với giá dao động từ 2.800 đồng đến 3.000 đồng/kg, thu về gần 120 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng. Năm nay, 6 ha bắp của gia đình đang bị sâu keo gây hại mạnh. Chúng tôi cũng đã được tập huấn kỹ thuật về cách phòng trừ loại sâu này nhưng tình hình không mấy khả quan. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ trồng bắp trong làng cũng bị sâu keo gây hại.
Khẩn trương ngăn chặn 
Trước tình hình sâu keo mùa thu gây hại bắp có dấu hiệu lây lan mạnh, cơ quan chuyên môn cùng các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp, hướng dẫn người dân khẩn trương phòng trừ. Tại huyện Kông Chro, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời tổ chức hội thảo hướng dẫn người dân phòng trừ sâu keo tại xã Đak Tơ Pang; phối hợp với xã Yang Trung và Công ty hỗ trợ phun thuốc trừ sâu keo trên địa bàn xã Yang Trung với diện tích 10 ha bắp lai. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên ra các văn bản hướng dẫn và cảnh báo tình hình sâu keo gây hại bắp; tập huấn cho người dân phương pháp phòng trừ…
Người dân phun thuốc phòng trừ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân phun thuốc phòng trừ. Ảnh: Nguyễn Diệp
Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro, hiện nay việc phòng trừ sâu keo mùa thu trên địa bàn huyện gặp khó khăn. “Nguyên nhân là do người dân gieo trồng bắp trong nhiều đợt khác nhau, việc thăm đồng lại chưa thường xuyên. Mặt khác, đây là loài sâu mới ăn tạp, đẻ nhiều, tập tính di trú xa, có tính kháng thuốc cao và tốc độ lây lan nhanh...”-ông Hưng cho biết. 
Theo ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, sâu keo mùa thu có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, xâm nhập vào nhiều quốc gia trên thế giới, có thể gây hại trên 300 loài thực vật như bắp, đậu tương, lúa, mía... Đây là loài sâu đa thực trong đó thức ăn ưa thích nhất là cây bắp. Tại Việt Nam, sâu keo mùa thu hiện nay đã xuất hiện tại nhiều tỉnh như Đồng Nai, Lai Châu, Đak Lak, Kon Tum, Gia Lai.
“Tại tỉnh ta, thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ tháng 3, Chi cục cũng đã ban hành văn bản nhắc nhở các địa phương kiểm tra phát hiện kịp thời và triển khai biện pháp phòng trừ. Tuy nhiên, đặc điểm của loài sâu keo là trên một cánh đồng, ổ dịch tồn tại nhiều giai đoạn tuổi khác nhau nên việc phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Theo đó, người dân phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp, vệ sinh đồng ruộng, sử dụng các hoạt chất như Bacillusthuringienis, Spinetoram, Indoxacard, Lufenuron… khi phát hiện phun kép 2-3 lần hiệu quả phòng trừ sẽ cao hơn. Trong đó, quan trọng nhất là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng kỹ thuật) để tăng tính hiệu quả chống sâu bệnh...”-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo.
Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.