Quỹ Tín dụng nhândân An Khê vượt qua khó hoạt động hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện Đề án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) An Khê có quy mô hoạt động tại 6 phường và 2 xã thì nay chỉ còn 4 phường thuộc thị xã. Do đó, để hoạt động hiệu quả và vận động thành viên ngoài địa bàn tự nguyện rút khỏi Quỹ là việc không hề đơn giản.
Hoạt động của Quỹ TDND An Khê đã góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ảnh: Sơn Ca
Hoạt động của Quỹ TDND An Khê đã góp phần tích cực vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Ảnh: Sơn Ca
Quỹ TDND An Khê là một trong 6 quỹ TDND trên địa bàn tỉnh, bắt đầu hoạt động từ tháng 11-1996 và được ghi nhận là đơn vị đứng thứ 2 về quy mô tín dụng (chỉ sau Quỹ TDND Kon Dơng, huyện Mang Yang). 23 năm qua, Quỹ TDND An Khê luôn bám sát tôn chỉ, mục đích hoạt động, nỗ lực khai thác nguồn vốn để tương trợ, giúp đỡ các thành viên đầu tư sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống; góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi ở địa bàn nông thôn. Tính đến cuối tháng 6-2019, Quỹ TDND An Khê đã có 1.857 thành viên; tổng nguồn vốn đạt 68,2 tỷ đồng (trong đó tỷ trọng tiền gửi trong thành viên đạt trên 63%); tổng dư nợ đạt 66 tỷ đồng (tỷ trọng cho vay đối với thành viên đạt 100%).
Chị Đào Thị Phụng (tổ 2, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) chia sẻ: “Tôi biết đến Quỹ TDND An Khê từ lâu và là đơn vị có uy tín nên tôi quyết định tham gia. Theo nhận định của tôi, nếu như mình cần đồng vốn nhỏ từ vài chục triệu đến trăm triệu đồng thì Quỹ sẵn sàng đáp ứng, hồ sơ thủ tục cũng đơn giản, nhanh gọn mà mức lãi suất lại hợp lý hơn so với vay bên ngoài. Có Quỹ hỗ trợ, mình có đồng vốn trong tay để chủ động tính toán công việc làm ăn cũng thuận lợi hơn nhiều”.
Gắn với bề dày về thời gian hoạt động, các chỉ tiêu về huy động vốn lẫn cho vay của Quỹ TDND An Khê luôn có sự tăng trưởng, bứt phá qua từng năm. Nhất là khi địa giới An Khê được chia tách, địa bàn hoạt động của Quỹ mở rộng ra 6 phường và 2 xã, số thành viên vì thế cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, đến năm 2016, thực hiện Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh phê duyệt, địa bàn hoạt động của Quỹ TDND An Khê chỉ còn 4 phường thuộc địa bàn thị xã gồm: An Bình, An Tân, An Phú và Tây Sơn. Để giải bài toán thu hẹp địa bàn theo Đề án là việc không hề đơn giản bởi liên quan đến việc vận động thành viên ngoài địa bàn rời Quỹ, gắn với việc xử lý khoản nợ vay trước đó.
Trao đổi với P.V, ông Lê Minh Hùng-Giám đốc Quỹ TDND An Khê-cho biết: “Thời điểm phê duyệt Đề án chuyển tiếp, Quỹ TDND An Khê hoạt động trên địa bàn một số xã, phường không liền kề với 423 thành viên, dư nợ 14,1 tỷ đồng. Đáng lưu ý, nhiều địa bàn, nhiều thành viên đã gắn bó lâu năm thì nay lại được vận động ra khỏi Quỹ, tách rời nguồn vốn hỗ trợ lâu nay khiến họ hụt hẫng, gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, một số thành viên ngoài địa bàn không chịu hợp tác khiến tỷ lệ nợ cơ cấu gia tăng cao ở một số thời điểm”.  
Có thể nói, giai đoạn 2016-2018 là quãng thời gian khó khăn nhất của Quỹ TDND An Khê khi thu hẹp địa bàn, quy mô hoạt động cộng với áp lực thu hồi vốn, xử lý nợ xấu ngoài địa bàn. Để vượt qua giai đoạn này, Quỹ đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại quản trị điều hành, kiểm soát, kiểm toán nội bộ gắn liền với cơ cấu lại về tài chính. Theo đó, Quỹ tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ bản chất vấn đề, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho bà con trong việc trả nợ, trả lãi vay nhằm hạn chế nguy cơ chuyển nhóm nợ xấu. Mặt khác, để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến địa bàn hoạt động, Thông tư số 04/2015/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép Quỹ điều chuyển trụ sở hoạt động sang địa bàn phường Tây Sơn để đảm bảo quy định.
“Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh đã quan tâm sát sao quá trình thực hiện Đề án của Quỹ, nhất là bộ phận Thanh tra giám sát đã có những kiến nghị chấn chỉnh kịp thời giúp chúng tôi khắc phục tồn tại, thiếu sót. Đến thời điểm hiện nay, có thể nói Quỹ TDND An Khê đã quay trở lại bắt nhịp đà tăng trưởng khi ổn định địa bàn hoạt động, tỷ lệ dư nợ tăng 9,8% và huy động vốn tăng 13% so với đầu năm”-Giám đốc Quỹ TDND An Khê cho biết thêm. Tính đến hết tháng 6-2019, số thành viên ngoài địa bàn chỉ còn 18 thành viên/633 triệu đồng dư nợ. Đáng chú ý, chất lượng tín dụng của Quỹ ngày càng được củng cố, tỷ lệ nợ cơ cấu từ 7% hiện giảm còn 2%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát 1,62%/tổng dư nợ; lợi nhuận thu về khá cao so với mặt bằng chung.

+ Ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh: “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục theo dõi việc thực hiện Đề án, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng, Quỹ TDND An Khê thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, UBND tỉnh về các giải pháp mở rộng tín dụng nhằm góp phần hạn chế tín dụng đen”.

+ Mục tiêu đến năm 2020: Hoàn thành các mục tiêu cơ cấu Quỹ TDND theo Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Duy trì và phát triển mức vốn điều lệ hiện có, tỷ trọng tiền gửi của thành viên đạt tối thiểu 60% tổng nguồn vốn huy động, tỷ trọng cho vay đối với thành viên đạt tối thiểu 97% tổng dư nợ; tuân thủ tôn chỉ, mục tiêu là hợp tác xã hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong kinh doanh, bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 26/CĐ-TTg ngày 26-3-2024 về việc tăng cường các biện pháp quản lý mặt hàng xăng dầu, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.