Nâng tầm hạt cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cà phê không đơn thuần là một thức uống phổ biến được nhiều người yêu thích. Phía sau mỗi ly cà phê đạt chuẩn là một quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ nông trại đến tiêu dùng. Ở đó, người sản xuất phải đặt chữ “tâm” lên hàng đầu để tạo nên một sản phẩm thân thiện với môi trường và mang lại chuỗi giá trị gia tăng cho cộng đồng. 
Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân mang lại công việc, nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ. Ảnh: Sơn Ca
Mô hình kinh tế của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân mang lại công việc, nguồn thu nhập ổn định cho nhiều chị em phụ nữ. Ảnh: Sơn Ca
Hơn 20 năm gắn bó với cây cà phê, chị Nguyễn Thị Thanh Xuân (SN 1974, tổ 3, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Pah) luôn trăn trở tìm cách để đưa sản phẩm của mình tiếp cận được nhiều người hơn, sản phẩm vừa chất lượng vừa đạt giá trị lợi nhuận, từ đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Bởi hơn ai hết, họ chính là người rất vất vả để tạo ra sản phẩm sạch, mang lại lợi ích cho môi trường và cộng đồng. Theo đó, sau thời gian nung nấu ý tưởng, năm 2016, chị Xuân quyết định rẽ lối sang ngành rang xay và thành lập cơ sở chế biến cà phê Xuân Dương. Chị cho hay, nếu tính đơn giản, vườn cà phê diện tích 5 ha của gia đình được canh tác theo phương pháp hữu cơ, cho sản lượng 20 tấn, xuất thô theo giá thị trường thì mỗi năm thu về từ vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Nhưng nếu cũng sản lượng đó được đưa vào rang xay chế biến thành phẩm thì lợi nhuận có thể tăng gấp đôi.
Lựa chọn phương pháp để nâng cao chất lượng của cây trồng, kết hợp với quy trình chế biến để nâng tầm giá trị sản phẩm là chiến lược dài hơi mà chị Xuân theo đuổi. Sau nhiều năm liền đầu tư nghiêm túc và rất khắt khe vào khâu nguyên liệu, nông trại cà phê của gia đình chị canh tác theo tiêu chí tăng nhu cầu phân hữu cơ và sinh học để tránh gây tác hại đến môi trường và sức khỏe con người. Không dừng lại ở đó, quy trình thu hái và chế biến hoàn toàn thủ công theo phương pháp honey (Honey process coffee-phương pháp để cà phê lên men tự nhiên, phơi hoặc sấy khô giữ lại vị ngọt riêng biệt, thơm mùi trái cây) đã giúp sản phẩm cà phê Xuân Dương tạo nên sự khác biệt về hương vị, chất lượng. “Để có sản phẩm chất lượng, 100% hạt cà phê được thu hái khi đủ độ chín, được rửa và phân loại trước khi bước vào quy trình ủ lên men từ 36 giờ đến 72 giờ để cà phê đạt hương vị theo yêu cầu. Đặc biệt, lớp vỏ cà phê sau quy trình honey được tái sử dụng làm phân bón cho cây, giúp cây sinh trưởng bền vững hơn”-chị Xuân chia sẻ.
Chỉ sau 4 năm ra mắt, cà phê Xuân Dương đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện nay, cà phê Xuân Dương được bình chọn là sản phẩm nông sản tiêu biểu của huyện Chư Pah, được lựa chọn tham gia các lễ hội, hội chợ xúc tiến thương mại. Riêng chị Xuân luôn tham gia tích cực trong Câu lạc bộ Phụ nữ khởi nghiệp của huyện và của tỉnh. Chị cho biết thêm, qua đợt thử nghiệm sản phẩm giữa các nông trại trên cả nước, mẫu cà phê Xuân Dương đạt điểm tối đa về hương vị trái cây. Phát huy lợi thế về chất lượng vùng nguyên liệu, để tạo nên dòng cà phê đặc biệt (Specialty coffee), trong niên vụ này, chị đã đầu tư hệ thống gồm 10 giàn phơi tự động (mỗi giàn 3 tầng, mỗi tầng có thể phơi 20-50 kg cà phê). Với hệ thống giàn phơi này, quy trình phơi cà phê cách đất sẽ giúp không khí đối lưu, chủ động hơn trong việc kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, hướng gió, thời gian phơi. Đây cũng chính là yếu tố mấu chốt để “điều chỉnh” hương vị dòng cà phê đặc biệt theo ý muốn. Theo khảo sát thị trường hiện nay, giá thành phẩm của dòng cà phê đặc biệt cao gấp 2-3 lần so với dòng cà phê phổ thông và thường được sản xuất theo đơn đặt hàng của các nhà hàng, chuỗi cà phê lớn. Để chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường, tháng 6-2019, cơ sở cà phê Xuân Dương đã chính thức ra mắt cửa hàng cà phê ngay tại TP. Đà Nẵng. Đây là kênh giới thiệu và phân phối các dòng sản phẩm cho khu vực miền Trung.
Không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị, cơ sở sản xuất của chị Xuân còn tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn. Theo đó, cơ sở thường sử dụng khoảng 5-10 nhân công trong năm để phụ giúp làm cỏ, cắt cành, bón phân, phân loại hạt cà phê đạt chuẩn trước khi đưa vào chế biến. Là một trong những người gắn bó với cơ sở từ những ngày đầu thành lập, chị Phạm Thị Hải (tổ 3, thị trấn Ia Ly) cho biết: “Công việc thu hái, chăm sóc, phân loại từng hạt cà phê đạt chuẩn đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho tôi và các chị em trong vùng. Không chỉ tạo việc làm, chị Xuân còn khuyến khích chúng tôi áp dụng quy trình canh tác hữu cơ cho vườn của mình”. Còn ở góc độ địa phương, ông Đào Quang Ánh-Bí thư chi bộ 3 (thị trấn Ia Ly) nhìn nhận: “Hiện nay, một số gia đình học hỏi kinh nghiệm để làm theo mô hình của chị Xuân. Chúng tôi cũng mong muốn cơ sở ngày càng phát triển hơn nữa để sản phẩm cà phê sạch xuất xứ từ vùng đất Ia Ly được nhiều người biết hơn, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống người dân”.  
Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.