Chú trọng bảo tồn và phát triển cây dược liệu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) vừa ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Vườn cây đương quy ở xã Sơ Pai, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Sang
Vườn cây đương quy ở xã Sơ Pai, huyện Kbang. Ảnh: Ngọc Sang
Nghị quyết được xây dựng trên quan điểm chung là: Việc phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu của tỉnh trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội để tập trung đầu tư bảo tồn và phát triển dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa ổn định, lâu dài với quy mô diện tích phù hợp, tập trung, chuyên canh trên cơ sở khai thác các lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và thị trường. Gắn bảo tồn, phát triển dược liệu với quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, phát triển các nguồn gen quý hiếm; phát huy ngành, nghề truyền thống, quảng bá và phát triển du lịch. Bảo vệ tài nguyên và môi trường, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ đầu tư cho khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến, tiêu thụ dược liệu. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển cây dược liệu, các sản phẩm dược liệu; góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích; tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động…
Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 09-NQ/TU là quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và gây trồng; khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm nằm trong danh mục cần bảo vệ để bảo tồn gen và phục vụ công tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, đến năm 2025, hoàn thành công tác điều tra, thống kê, tổ chức bảo tồn và khai thác bền vững dược liệu trong tự nhiên; phát triển khoảng 2.500 ha vùng nuôi trồng dược liệu; hình thành ít nhất 2 cơ sở sản xuất giống dược liệu để sản xuất, cung cấp cây con chất lượng cao cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng dược liệu. Đến năm 2030, nâng tổng diện tích vùng nuôi trồng dược liệu từ 5.000 ha trở lên; hình thành mới ít nhất 2 cơ sở chế biến dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu trên địa bàn tỉnh để thu mua, tiêu thụ các sản phẩm dược liệu được sản xuất.
Để thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp cần thực hiện như: tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về dược liệu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dược liệu; triển khai đề án bảo tồn và phát triển các vùng trồng dược liệu tập trung; ứng dụng khoa học và công nghệ; phát triển và đào tạo nguồn nhân lực; chế biến và tiêu thụ dược liệu; chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ; nguồn kinh phí thực hiện…
Hà Sự

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.