Cây na mang lại thu nhập cao cho người dân vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở huyện Kông Chro, Gia Lai đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây na. Loại cây ăn quả này đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
Ông Vũ Văn Tĩnh-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Yang-cho hay: Thời gian qua, xã tập trung tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi những diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả như: thanh long, quýt, bưởi, chuối, na... Riêng cây na, trên địa bàn xã hiện có 34 hộ trồng với diện tích 20,6 ha, chủ yếu là giống na dai. Trong số này, 18,6 ha na đã cho thu hoạch. “So với nhiều loại cây trồng khác, na dai có giá bán tương đối ổn định, hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi đã đăng ký na dai là sản phẩm đặc trưng của xã”-ông Tĩnh chia sẻ.
Sau khi trừ chi phí, 650 gốc na mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình ông Lê Văn Ất. Ảnh: Ngọc Minh
Sau khi trừ chi phí, 650 gốc na mang lại thu nhập hơn 200 triệu đồng cho gia đình ông Lê Văn Ất. Ảnh: Ngọc Minh
Ông Lê Văn Ất (thôn 2, xã Kông Yang) là một trong những người đầu tiên trồng cây na dai ở huyện Kông Chro. Ông Ất cho biết: Năm 2001, ông đưa vợ con từ tỉnh Vĩnh Phúc vào Kông Chro lập nghiệp. Sau nhiều năm tích góp, gia đình ông mua được 6,5 sào đất. “Mảnh đất này toàn sỏi đá, trồng cây gì cũng chậm phát triển, năng suất thấp. Năm 2006, tôi cải tạo đất để trồng 650 cây na dai. Hơn 2 năm sau, cây na cho thu hoạch nhưng sản lượng chưa cao do thiếu nước tưới. Năm 2014, tôi đào giếng, làm hệ thống tưới nước tự động, đồng thời áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăm sóc, bón phân cho cây na. Từ đó, 650 cây na năm nào cũng cho thu hơn 11 tấn quả, giá bán bình quân từ 25 ngàn đồng/kg trở lên. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi hơn 200 triệu đồng/năm từ vườn na”-ông Ất chia sẻ. Ngoài bán quả, ông Ất còn ươm na giống, mỗi năm xuất bán khoảng 4-5 ngàn cây với giá 10 ngàn đồng/cây. 
Tượng tự, gia đình bà Nguyễn Thị Báu (thôn 2, xã Kông Yang) có 800 cây na, thu lời trên 100 triệu đồng/năm. Bà Báu cho hay, gia đình bà có 1,2 ha đất trước đây chuyên trồng bắp, mì. Năm nào được mùa, được giá thì thu về gần 30 triệu đồng, không đủ trang trải cho gia đình. Năm 2011, bà quyết định mua 800 cây na dai về trồng trên diện tích 8 sào, phần đất còn lại dành để trồng cỏ nuôi bò. “Từ năm 2014 đến nay, vườn na cho thu gần 200 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng. Như vậy, so với việc trồng bắp, mì thì cây na cho thu nhập cao hơn nhiều”-bà Báu so sánh.
  Bà Nguyễn Thị Báu (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) sắp xếp na vào thùng để xuất bán. Ảnh: N.M
Bà Nguyễn Thị Báu (thôn 2, xã Kông Yang, huyện Kông Chro) sắp xếp na vào thùng để xuất bán. Ảnh: N.M
Theo chia sẻ của nhiều hộ dân thì cây na dai dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật cao, phù hợp với những vùng đất ráo nước nhưng lại phải có nguồn nước tưới thường xuyên. Na dai trồng ở Kông Chro tuy mẫu mã không đẹp nhưng ngon ngọt hơn các vùng khác, được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, vụ thu hoạch na bắt đầu từ tháng 6 và kéo dài đến tháng 8, thương lái khắp nơi đổ về thu mua. Chị Lê Thị Nguyên-một thương lái-cho biết: “Trước đây, tôi thường thu mua na và một số trái cây ở huyện Đak Pơ. 3 năm nay, tôi chuyển sang thu mua na ở huyện Kông Chro để xuất bán ra các tỉnh, thành: Đà Nẵng, Bình Định và Thừa Thiên-Huế. Khách hàng đánh giá rất cao chất lượng na trồng ở huyện Kông Chro. Vì vậy, họ sẵn sàng mua cao hơn 5 ngàn đồng/kg so với các loại na trồng ở nơi khác”.
Theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro: Trên địa bàn huyện có 69,6 ha na. Trong đó, xã Chơ Long có 4,5 ha, Kông Yang 20,6 ha, Đak Song 0,2 ha, thị trấn Kông Chro 4,7 ha, Yang Trung 36,1 ha, Chư Krey 1,5 ha, Đak Kơ Ning 0,8 ha và Yang Nam 1,2 ha. “Thời gian qua, ngành Nông nghiệp và PTNT huyện tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả; khuyến cáo nông dân sản xuất các loại cây ăn quả nói chung và cây na nói riêng theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm sạch, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng”-ông Hưng thông tin thêm.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.