Nhà máy cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sắp đóng cửa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Samsung Huệ Châu (Huizhou Samsung Electronics) - nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sắp đóng cửa - South China Morning Post cho biết.
Khu phức hợp của Samsung tại Huệ Châu.
Thời kỳ đỉnh cao, khu phức hợp của Samsung tại Huệ Châu, nằm ở phía Bắc của Châu thổ sông Châu Giang, được xem là nhà máy lớn nhất của Samsung tại Trung Quốc, sản xuất 1/5 smartphone bán ra tại Trung Quốc vào năm 2011. Tuy nhiên, vào ngày 28/2 năm nay, một thông báo ngừng tuyển dụng đã được dán lên cổng ra vào của nhà máy.
“Thật ra, từ sau Tết Nguyên đán, dân địa phương đã nghe thấy tin đồn Samsung chấm dứt sản xuất trong những tháng tới”, Zhong Ming, cư dân thành phố Huệ Châu, cho hay. Ông đã chứng kiến sự lớn mạnh của nhà máy trong suốt 3 thập kỷ.
Samsung Huệ Châu là nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng của Samsung tại Trung Quốc sau khi công ty này đóng cửa cơ sở của họ tại thành phố Thiên Tân hồi tháng 12 năm ngoái. Thậm chí, Samsung cũng ngừng sản xuất các thiết bị mạng vào đầu năm 2018 tại nhà máy của mình ở thành phố Thâm Quyến.
Anh Steve Huang, một kỹ sư đã làm việc tại nhà máy Samsung Huệ Châu 17 năm, cho biết hệ thống đèn chiếu sáng ở đây từng được tô điểm với những biển hiệu quảng cáo bắt mắt của Samsung. Bây giờ tất cả đều biến mất. Chưa hết, số nhân viên tại nhà máy đã giảm từ 9.000 người năm 2013, thời điểm Samsung đứng đầu Trung Quốc về thị phần smartphone với 20%, xuống còn 4.000 người.
Vào năm ngoái, thị phần của hãng giảm chỉ còn 1%, trước sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ nội địa như Huawei, Xiaomi và Oppo. Nhà máy Huệ Châu đi vào hoạt động ngày 24/8/1992, khi gã khổng lồ điện tử ký hợp đồng liên doanh với chính quyền thành phố. Vài ngày sau đó, Hàn - Trung chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao.
Một người cho thuê nhà ở địa phương cho biết: "Tháng trước tôi nghe nói vài trăm công nhân đã nhận được khoản tiền bồi thường khoảng từ 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD) cho tới hơn 100.000 nhân dân tệ (14.400 USD), tùy theo số năm công tác, và đã rời Samsung".
Samsung rời bỏ Trung Quốc, nhưng mở rộng sản xuất ở các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ. Ảnh: VEN.
Theo South China Morning Post, Công ty Samsung China từ chối bình luận bất kể cả truyền thông Trung Quốc và Hàn Quốc tuần trước đều đưa tin việc công ty này cắt giảm hoạt động sản xuất và sa thải bớt công nhân tại nhà máy ở Huệ Châu.
Sự sụp đổ của Samsung tại Trung Quốc cũng làm dấy lên mối lo ngại lớn hơn về tương lai kinh tế của Trung Quốc và vai trò của nước này trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là vào thời điểm Mỹ đang có cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Chính Samsung cũng phải chịu phần lớn trách nhiệm cho việc mất thị phần điện thoại thông minh ở Trung Quốc, khi bộ phận tiếp thị và dịch vụ của họ không bắt kịp các thương hiệu Trung Quốc. Trên thực tế, công ty đang đóng cửa các nhà máy ở Trung Quốc, đồng thời mở rộng sản xuất ở Việt Nam và Ấn Độ. Đây là vấn đề đáng ngại đối với Trung Quốc.
Giá thuê một phòng đơn đã giảm từ 500 Yuan (khoảng 1,6 triệu đồng) xuống chỉ còn 200 Yuan hoặc 300 Yuan mà vẫn không thấy công nhân nào đến thuê, một chủ nhà cho biết.
Thay vì sản xuất tại Trung Quốc, Samsung đã mở cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới ở ngoại ô thủ đô New Delhi của Ấn Độ vào năm ngoái.
Đáp lại, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng giữ chân các công ty nước ngoài, thông qua việc giải quyết các khiếu nại của họ, và hứa rằng họ sẽ được hoan nghênh và bảo vệ tại Trung Quốc. Bắc Kinh đã gấp rút thông qua luật đầu tư nước ngoài trong năm nay để tạo hành lang pháp lý cho việc bảo vệ sở hữu trí tuệ nước ngoài, và cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc. Nước này cũng đang trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư tên tuổi, như nhà sản xuất ô tô điện Tesla.
Vân Trần (CLO)

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.