"Thủ phủ hồ tiêu"trong cơn bĩ cực-Kỳ cuối: Giải pháp nào cứu cây hồ tiêu?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hồ tiêu chết, giá xuống tận đáy đã đẩy hàng ngàn hộ dân rơi vào cảnh khốn đốn do nợ nần chồng chất. Các ngành, cơ quan chức năng đã phối hợp đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, vấn đề căn cơ vẫn là thay đổi tư duy canh tác và phát triển hồ tiêu theo hướng sản xuất hữu cơ bền vững.
Khoanh nợ, giãn nợ
Theo số liệu mới nhất, trên địa bàn tỉnh có 15 chi nhánh ngân hàng cho 18.000 khách hàng vay 3.724 tỷ đồng để trồng, chăm sóc hồ tiêu với diện tích hơn 12.000 ha. Trong đó, nợ xấu là hơn 450 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ của 11.000 khách hàng bị thiệt hại do cây hồ tiêu chết là 2.653 tỷ đồng.
Để giúp người trồng hồ tiêu giảm bớt khó khăn, thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành, cơ quan chức năng đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ cây giống, vật nuôi... Riêng các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh giảm lãi suất, xem xét cho vay mới để khôi phục sản xuất. Đến nay, các chi nhánh ngân hàng đã hỗ trợ 6.000 khách hàng với số dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ là 337 tỷ đồng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 706 tỷ đồng, cho vay mới 816 tỷ đồng, cho vay chuyển đổi cây trồng 119 tỷ đồng...
Các hộ gia đình ở xã Yang Nam huyện Đak Đoa trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.H
Các hộ gia đình ở xã Yang Nam huyện Đak Đoa trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Ảnh: V.H
Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hộ vay vốn trồng hồ tiêu, ông Đào Minh Tú-Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề nghị các ngân hàng đánh giá lại thực trạng khó khăn, dư nợ, tình hình nợ xấu đối với các khách hàng vay trồng hồ tiêu. Đồng thời, xem xét lại từng món vay để thực hiện giãn nợ, giảm lãi, xóa lãi. Các ngân hàng phải chủ động có cơ chế, chính sách để xử lý rủi ro, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét gia tăng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong năm nay.
Nói về những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Văn Cư-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho biết: Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vơi bớt khó khăn, ngành Ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Đơn cử, nếu người vay gặp khó khăn trong việc trả nợ, ngân hàng sẽ cơ cấu thời hạn nợ, trong đó có việc điều chỉnh, gia hạn thời hạn nợ... Bên cạnh đó là giải pháp giảm lãi suất hoặc miễn giảm lãi tiền vay cho người vay; xem xét cho người dân vay lại để tái cơ cấu cây trồng.
Hướng đến sản xuất hữu cơ
Ông Trương Phước Anh-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ là hướng đi đúng mà ngành đang khuyến cáo nông dân trên địa bàn tỉnh thực hiện. Thực tế cho thấy, nếu vườn hồ tiêu đạt chất lượng hữu cơ thì giá bán tăng gấp đôi, chi phí đầu tư thấp, người dân thu lợi lớn hơn so với sản xuất hồ tiêu truyền thống. Tuy nhiên, để chuyển đổi diện tích hồ tiêu truyền thống sang tiêu hữu cơ thì đòi hỏi quá trình lâu dài, áp dụng nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật.

Trao đổi với P.V, ông Hoàng Phước Bính-Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu huyện Chư Sê-khẳng định: Khoanh nợ, giãn nợ, thậm chí là xóa nợ cho người dân chỉ là giải pháp trước mắt. Để các hộ trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh không lâm vào cảnh khốn khó thì nông dân cần thay đổi tư duy. Hiện nay, người trồng hồ tiêu nói riêng và các hộ sản xuất nói chung vẫn còn tư duy “tiểu nông” theo kiểu “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”. Để minh chứng thực trạng này, ông Bính lý giải: Nhiều người trồng hồ tiêu quá lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Hơn 5.000 ha hồ tiêu trên địa bàn tỉnh chết do sâu bệnh gây hại là hậu quả của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại thuốc hóa học khi sử dụng cho cây hồ tiêu đã giết chết những vi sinh vật có lợi, làm đất cằn cỗi và nhanh chóng bạc màu. Cùng với đó, khi hồ tiêu chết, người dân không xử lý đất để diệt trừ triệt để mầm bệnh mà tiếp tục trồng mới nên bệnh nhanh chóng lây lan.
Theo ông Bính, nhiều người trồng hồ tiêu trên địa bàn tỉnh vẫn đang khát khao giá hồ tiêu sẽ cao lên như thời vàng son trước đây. Tuy nhiên, nếu cứ sản xuất theo phương thức cũ, không chuyển đổi mô hình theo hướng hàng hóa chất lượng cao thì giá hồ tiêu sẽ tiếp tục giảm do chất lượng không đảm bảo, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm cao dẫn đến sự e ngại của các đối tác. Do đó, canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ đang là hướng đi được nhiều người lựa chọn.
Là một trong những nông dân trồng hồ tiêu từ cách đây gần 10 năm, ông Trần Quang Sơn (thôn 5, xã Yang Nam) nhanh chóng nhận thấy cách trồng hồ tiêu truyền thống không đem lại hiệu quả cao. Nói về cách làm của mình, ông Sơn cho biết: Trồng hồ tiêu hữu cơ không dùng phân, thuốc hóa học mà chỉ dùng phân chuồng, thuốc trừ sâu sinh học nên giá thành đầu tư 1 ha hồ tiêu giảm hơn 50% so với cách trồng truyền thống. Cùng với đó, hiện nay, giá hồ tiêu truyền thống là 45.000 đồng/kg nhưng giá hồ tiêu hữu cơ lại là 88.000 đồng/kg. Nếu trồng hồ tiêu theo hướng này thì nông dân sẽ thu lợi rất cao.
Từ nhiều năm nay, huyện Đak Đoa đã vận động người dân sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ và xã Yang Nam là đơn vị đi đầu. Ông Nguyễn Xuân Tùng-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Năm 2016, xã đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Để được công nhận là hồ tiêu hữu cơ, vườn hồ tiêu của người dân phải thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật rất nghiêm ngặt. Các công ty sẽ thường xuyên test (kiểm tra) đến 770 chất để quản lý sản phẩm; gắn biển vườn hồ tiêu hữu cơ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Hiện nay, hợp tác xã này có gần 50 thành viên tham gia với diện tích 25,9 ha hồ tiêu hữu cơ. Ngoài ra, xã cũng đã thành lập một tổ liên kết sản xuất hồ tiêu VietGAP gồm 67 hộ với diện tích gần 100 ha.
Con đường hướng đến sản xuất hồ tiêu hữu cơ còn dài bởi theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, để chuyển đổi diện tích hồ tiêu hiện có sang sản xuất hồ tiêu hữu cơ thì phải mất ít nhất 3-4 năm. Đầu tiên là ngưng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học, chuyển sang giai đoạn làm sạch đất, chăm sóc cây trồng bằng phân chuồng và các loại thuốc sinh học. Lúc đầu, cây hồ tiêu sẽ chậm phát triển, nhưng khi hàm lượng thuốc hóa học trong đất đã hết thì hồ tiêu sẽ nhanh chóng thích ứng với môi trường mới, sản lượng ổn định, tỷ lệ hồ tiêu chết thấp và giá bán cao hơn nhiều so với hồ tiêu sản xuất kiểu truyền thống.
Dẫu biết rằng con đường giúp người trồng hồ tiêu vượt qua cơn bĩ cực, tìm về thời vàng son thuở trước không dễ dàng gì, nhưng đây là hướng đi đúng và cần nhân rộng.
 VĨNH HOÀNG-LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.