Tìm cách "sống được" từ cây cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày trước, người ta trồng cao su chủ yếu để khai thác mủ. Đã một thời, mủ cao su được coi là “vàng trắng”, nhất là khi chưa xuất hiện cao su nhân tạo. Bây giờ, mủ cao su thiên nhiên vẫn là nguyên liệu quý nhưng giá cả luôn biến động và đang theo chiều hướng giảm.
Tuy nhiên, cây cao su không chỉ có giá trị khai thác mủ. Gỗ cao su giờ cũng đã trở thành một mặt hàng gỗ công nghiệp rất có giá trị trên thế giới. Vì thế, có thể nói, từ gốc tới ngọn cây cao su hiện nay đều có thể sử dụng, đều có thể biến thành tiền nếu biết khai thác và chế biến theo quy trình công nghiệp.
Chế biến gỗ cao su, bột gỗ cao su ra các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu là công việc trong tầm tay của doanh nghiệp Việt (ảnh internet)
Chế biến gỗ cao su, bột gỗ cao su ra các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu là công việc trong tầm tay của doanh nghiệp Việt (ảnh internet)
Gia Lai có diện tích cao su lớn nhất Tây Nguyên với trên 103.000 ha. Nhưng diện tích lớn hay nhỏ không quan trọng. Điều quan trọng nhất là cây cao su được trồng, chăm sóc thế nào và được khai thác ra sao. Sở dĩ nhiều hộ nông dân trồng cao su tiểu điền phải chặt phá vườn cây để trồng cây khác chính là vì đầu ra của cây cao su chưa ổn định và chưa có hệ thống bao tiêu sản phẩm thích hợp để người trồng có lãi tốt, ít nhất cũng ngang với trồng những loại cây khác.
Trong năm 2018, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đã tạo việc làm cho 81.000 lao động, trong đó có 25.000 người dân tộc thiểu số, với thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng. Đây là mức thu nhập khá so với đời sống của người dân ở nông thôn và miền núi. Nhưng số lao động đó chủ yếu là công nhân các công ty do VRG quản lý. Trong khi ở Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung còn rất nhiều hộ nông dân trồng cao su tiểu điền. Vấn đề là làm sao VRG phải tổ chức giúp họ khai thác và bao tiêu sản phẩm, kể cả sản phẩm gỗ cao su. Với cao su thanh lý lấy gỗ, phải 25-27 năm mới tới kỳ. Đó là khoảng thời gian khá dài. Trong lúc chờ đợi khai thác gỗ thì khai thác mủ cao su vẫn là hoạt động mang lại nguồn thu chủ yếu. Phải làm sao để mủ cao su trên khắp Việt Nam, bất kể trồng đại điền hay tiểu điền, đều được khai thác và trở thành thương phẩm có giá trị cao. Khi đó, người trồng cao su tiểu điền mới duy trì được vườn cây. Sản phẩm mủ cao su luôn biến động về giá, vì vậy, phải mở rộng được thị trường xuất khẩu, tiếp thị, làm thương hiệu, quảng bá sản phẩm để có thể bán ra thế giới với mức giá tốt nhất có thể. Đó là điều mà những nông dân trồng cao su tiểu điền không thể làm được mà VRG phải làm, cho cả mình và nông dân. Vì thế, chỉ có thể tìm mọi cách để “sống được” từ chính cây cao su mà thôi.
Việc xuất thô sản phẩm mủ cao su hay gỗ cao su là một sự lãng phí rất lớn, và cũng từ đó, Việt Nam bị phụ thuộc rất nhiều vào thị trường nước ngoài, không kiểm soát được giá cả. Trong khi chờ đợi Việt Nam có những sản phẩm công nghệ cao từ mủ cao su thì việc chế biến gỗ cao su, bột gỗ cao su ra các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu là công việc trong tầm tay của doanh nghiệp Việt. Dĩ nhiên, doanh nghiệp phải có những nhà máy hiện đại thực hiện công việc này và phải có những hợp đồng lớn, dài hạn để bao tiêu sản phẩm. Nguồn nguyên liệu này bây giờ đã trở thành nguyên liệu gỗ công nghiệp quý, có giá trị. Và chúng ta có đủ nguyên liệu cho những nhà máy lớn hoạt động. Trong khi đó, mủ cao su vẫn phải được khai thác và chế biến sâu ở mức có thể để sản phẩm xuất khẩu mang lại giá trị cao hơn.
Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.