Ia Grai: Hiệu quả nguồn vốn tín dụng nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank)-Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai cùng với Hội Nông dân huyện Ia Grai đã triển khai nhiều giải pháp đưa nguồn vốn vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Quan tâm đầu tư vốn cho sản xuất

 

Nông dân giao dịch vay vốn tại Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai.   Ảnh: T.N
Nông dân giao dịch vay vốn tại Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai. Ảnh: T.N

Ông Trần Ngọc Đức-Giám đốc Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai, cho biết: “Đơn vị thường xuyên khảo sát tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương, nắm bắt nhu cầu về vốn sản xuất nông nghiệp, phối hợp với đoàn thể các cấp để tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn, chủ động điều hành cơ cấu tín dụng bảo đảm phù hợp. Đồng thời, tăng cường hiện đại hóa công nghệ, gắn với từng bước đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, tiện ích, đáp ứng nhu cầu khách hàng”.

Cũng theo ông Đức, Chi nhánh đã tập trung thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng tín dụng và đẩy mạnh cho vay qua tổ liên kết, qua đó tạo mối quan hệ gắn bó với chính quyền và các đoàn thể tại địa phương trong hoạt động tín chấp cho vay vốn đầu tư phục vụ sản xuất. Tiêu biểu là việc phối hợp cùng Hội Nông dân huyện thành lập 48 tổ liên kết vay vốn với gần 900  thành viên. Hiện nay, dư nợ cho vay qua tổ liên kết của Chi nhánh đạt 62,6 tỷ đồng.

 

Nhiều nông dân huyện Ia Grai vay vốn đầu tư sản xuất hiệu quả. Ảnh: T.N
Nhiều nông dân huyện Ia Grai vay vốn đầu tư sản xuất hiệu quả. Ảnh: T.N

Theo ông Phan Đình Thắm-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai: “Hàng năm, Hội thường xuyên phối hợp với Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai kiểm tra, đánh giá chất lượng và hiệu quả của các tổ liên kết vay vốn; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ thực hiện tốt các nội dung chương trình phối hợp. Đồng thời, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư chăm sóc cà phê, loại cây trồng chủ lực của huyện. Riêng diện tích cây cà phê được đầu tư trồng mới trên địa bàn huyện trong 2 năm 2016-2017 là hơn 800 ha; năm 2018 kế hoạch của huyện là 535 ha”.

Thông qua chương trình phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội, dư nợ cho vay của Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai những năm qua luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Tính đến cuối năm 2017, tổng dư nợ của Chi nhánh là 1.167  tỷ đồng, trong đó dư nợ hộ sản xuất là 998,8 tỷ đồng, chiếm  85,5% tổng dư nợ. Đến nay, toàn huyện có hơn 5.700 hộ đang có dư nợ tại Chi nhánh. Đặc biệt, vốn tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn chiếm khoảng 98% tổng dư nợ, phủ rộng 13/13 xã, thị trấn trong toàn huyện.

Thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Sự phối hợp của Hội Nông dân và Agribank Chi nhánh Ia Grai Đông Gia Lai cùng các ban, ngành tại địa phương thông qua chương trình cho vay ủy thác, chuyển giao khoa học kỹ thuật và hỗ trợ sản xuất đã góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2014-2017, huyện Ia Grai đã có 4.134 hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

 

Huyện Ia Grai khen thưởng các hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi. Ảnh: T.N
Huyện Ia Grai khen thưởng các hội viên nông dân đạt danh hiệu sản xuất-kinh doanh giỏi. Ảnh: T.N

Những nông dân tiêu biểu như ông Cao Văn Sơn (thị trấn Ia Kha) vay vốn Agribank đầu tư chăm sóc 3 ha cà phê, 2 ha hồ tiêu và thu mua nông sản, lợi nhuận hàng năm trên 1 tỷ đồng. Nhiều hộ mạnh dạn vay vốn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Ông  Phạm Thanh Bình (xã Ia Bă) cho biết: “Trước đây, tôi trồng cà phê và nuôi cá nước ngọt. Sau đó, tôi mạnh dạn phá bỏ 0,6 ha cà phê già cỗi để chuyển đổi sang trồng cỏ nuôi bò. Hiện nay, đàn bò đã phát triển lên gần 30 con. Với mô hình sản xuất mới, trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu gần 400 triệu đồng”.

Góp mặt vào danh sách triệu phú, tỷ phú ở địa phương còn có ông Siu Dung (xã Ia Chía). Trồng 1,4 ha cà phê, 2 ha điều, 300 trụ hồ tiêu, 6 ha cao su, sau khi trừ chi phí sản xuất, mỗi năm ông Dung lãi khoảng 400 triệu đồng. Hay hộ ông Nguyễn Xuân Thiên (xã Ia Krai) trồng 8 ha cà phê xen 300 cây điều, 100 cây sầu riêng, 50 cây chôm chôm, mỗi năm lợi nhuận đạt hơn 800 triệu đồng.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai Phan Đình Thắm: “Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi góp phần động viên nông dân vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Hàng năm, huyện có trên 300 hộ đạt thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên. Thời gian tới, huyện phấn đấu nâng tỷ lệ hộ sản xuất kinh doanh giỏi lên khoảng 10% tổng số nông hộ; đến năm 2021, số hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đạt 60%”.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.