Gia Lai: Tăng cường quản lý đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 29-5, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý thực hiện đầu tư công năm 2018. Đây cũng là hoạt động nhằm phấn đấu hoàn thành một trong những mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư công của tỉnh năm 2018 gần 3.300 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách địa phương trên 1.541 tỷ đồng, nguồn ngân sách Trung ương trên 1.735 tỷ đồng. Khối lượng thực hiện tính đến ngày 21-5 là trên 365 tỷ đồng, đạt trên 12% kế hoạch; giải ngân được trên 315,7 tỷ đồng, đạt hơn 10,6% kế hoạch. Đến nay, một số dự án triển khai thực hiện và giải ngân khá chậm, thậm chí chưa giải ngân như: Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku), Dự án kè chống sạt lở bờ Tây sông Ba đoạn qua thị xã Ayun Pa, Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên...

 

Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) vẫn gặp vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Ảnh: H.D
Dự án kè chống sạt lở suối Hội Phú (TP. Pleiku) vẫn gặp vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Ảnh: H.D

Đây là kết quả khá khiêm tốn dù ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công; định kỳ hàng tuần, hàng tháng báo cáo và tham mưu UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo, tháo gỡ nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.

Nói về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư công, ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết: Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng rất khó khăn, nhất là các dự án ở khu vực đô thị, giá đất cao, chi phí đền bù lớn. Các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu là vận động người dân tự nguyện hiến đất mà không đền bù nên cũng gặp nhiều hạn chế. Việc lập dự án còn chậm trễ và kéo dài; các khâu tiếp theo như phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu, thi công, giải ngân còn mất nhiều thời gian; một số dự án, năng lực của nhà thầu chưa đáp ứng được yêu cầu.

Trong buổi làm việc mới đây tại tỉnh ta, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu cũng nhận định, việc triển khai các dự án từ vốn đầu tư công của tỉnh còn chậm so với mặt bằng chung, vướng mắc chủ yếu liên quan đến giải phóng mặt bằng. Do đó, tỉnh cần tập trung tháo gỡ vấn đề này để đảm bảo hoàn thành kế hoạch. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện cũng như giải ngân, phấn đấu đến hết tháng 6 đạt 40% khối lượng và giải ngân, đến tháng 9 đạt trên 60% để đảm bảo hoàn thành 100% kế hoạch năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hoàng yêu cầu các chủ đầu tư lập tiến độ cho từng công trình, đôn đốc các đơn vị thi công, triển khai quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng.

Để đạt chỉ tiêu này, tại Chỉ thị số 05/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện nghiêm công tác quyết toán dự án hoàn thành theo quy định hiện hành của Nhà nước về việc lập, nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương lập, trình thẩm tra, phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo quy định. Đặc biệt, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các dự án đầu tư công theo quy định; theo dõi và phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí, thực hiện nghiêm các chế tài đối với các vi phạm đồng thời tăng cường hiệu quả giám sát, đánh giá đầu tư của cộng đồng.

Thực hiện nghiêm Chỉ thị 05/CT-UBND là một trong những hoạt động nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu của kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Việc cơ cấu lại đầu tư công lần này sẽ tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, gắn đầu tư phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng-an ninh. Một trong những mục tiêu cụ thể, quan trọng của kế hoạch là phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%, tiếp tục thu hút tối đa và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.

Tỉnh ta đang nỗ lực thu hút đầu tư trên mọi lĩnh vực. Ngoài việc đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai thực hiện “chính quyền phục vụ” thì việc quản lý, triển khai hiệu quả đầu tư công chính là một trong những yếu tố tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư về một chính quyền “nói đi đôi với làm”, có những chính sách quản lý hiệu quả.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.