TP. Hồ Chí Minh-Gia Lai: Tăng cường hợp tác, hỗ trợ đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 28-5, Hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra tại TP. Pleiku. Tham dự hội nghị, về phía TP. Hồ Chí Minh có đồng chí Lê Thanh Liêm-Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp. Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, doanh nghiệp. Tham dự hội nghị còn có lãnh đạo các sở, ngành của nhiều tỉnh bạn; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế và nhiều nhà khoa học.

Hợp tác cùng phát triển

 

Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp.   Ảnh: Đức Thụy
Lãnh đạo tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Đức Thụy

Với sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, doanh nghiệp của 2 địa phương, sau 15 năm triển khai, Chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa Gia Lai và TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều kết quả. Đặc biệt, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư luôn được lãnh đạo 2 địa phương quan tâm. Đến nay, đã có 26 nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh đầu tư vào Gia Lai với 27 dự án, tổng vốn 6.355 tỷ đồng trên các lĩnh vực nông-lâm nghiệp, thủy điện, khu dân cư, thương mại... Các doanh nghiệp Gia Lai cũng đã đầu tư 22 dự án vào TP. Hồ Chí Minh với tổng vốn trên 29.544 tỷ đồng thuộc lĩnh vực cao ốc, văn phòng, căn hộ...

Phát biểu chào mừng hội nghị, bên cạnh việc ghi nhận những kết quả đáng mừng của quá trình hợp tác, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành còn đánh giá rất cao sự hỗ trợ từ phía các cơ quan, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh đối với Gia Lai về nghiệp vụ y tế, khoa học-công nghệ, thể dục-thể thao, thương mại-du lịch, đào tạo cán bộ, xây dựng các mô hình xóa đói giảm nghèo, các chương trình từ thiện, như: xóa mù đục thủy tinh thể cho người nghèo, xây tặng trường học, nhà tình nghĩa, tặng quà cho gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật... Các cơ quan truyền thông của TP. Hồ Chí Minh cũng đã góp phần tích cực trong việc quảng bá hình ảnh Gia Lai đến với người dân, nhà đầu tư của TP. Hồ Chí Minh và cả nước.

Kết quả hợp tác đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Gia Lai trong thời gian qua khi kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá; kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, mở rộng; văn hóa-xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên rõ rệt; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện đáng kể. Năm 2017, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI Gia Lai đứng thứ 43/63 tỉnh thành (tăng 3 bậc so với năm 2016).

Cũng như Gia Lai, quá trình hợp tác thời gian qua cũng đã có những tác động nhất định đến sự phát triển kinh tế-xã hội của TP. Hồ Chí Minh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn, đời sống bà con ngày một nâng lên. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số khó khăn, như: chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm; hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao; hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ; một số nhu cầu của thành phố về nguyên-vật liệu còn nhiều khó khăn... Để thực hiện kế hoạch mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2020 cũng như thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị và gần đây nhất là Nghị quyết số 54 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, thành phố rất cần sự hỗ trợ, đồng hành của các địa phương, trong đó có tỉnh Gia Lai”.

Những lĩnh vực đầu tư mũi nhọn

 

Ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư. Ảnh: Đức Thụy
Ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư. Ảnh: Đức Thụy

Tại hội nghị, những tiềm năng, thế mạnh của Gia Lai lại một lần nữa được giới thiệu đến các đại biểu và nhà đầu tư. Theo đó, Gia Lai là tỉnh có vị trí chiến lược với 5 quốc lộ đi qua, nối với các tỉnh Duyên hải miền Trung, Nam Trung bộ, có Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nối khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Tỉnh có diện tích tự nhiên hơn 15.500 km2 (lớn thứ 2 cả nước), trong đó có hơn 11.600 ha đất đỏ bazan phù hợp nhiều loại cây trồng. Dân số của tỉnh hiện gần 1,5 triệu người, trong đó lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên khoảng 800.000 người. Trên địa bàn tỉnh có 44 công trình thủy điện với tổng công suất 2.290 MW, sản lượng điện hàng năm 7 tỷ kWh. Ngoài ra, Gia Lai được đánh giá là tỉnh có tiềm năng điện gió, đặc biệt tại 4 khu vực tiềm năng điện gió lớn nhất tỉnh có công suất đạt khoảng 1.800 MW. Số giờ nắng bình quân của tỉnh 1.900-2.200 giờ/năm, rất thích hợp để phát triển điện năng lượng mặt trời, quy mô công suất có thể đạt 7.500 MW.

Tỉnh Gia Lai có 3 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 620 ha. Trong đó, 1 khu công nghiệp đang triển khai và đã lấp đầy 90%; 2 khu công nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư hạ tầng và kêu gọi đầu tư. Thế mạnh của tỉnh là phát triển cây công nghiệp (100.300 ha cao su, 94.000 ha cà phê, 16.300 ha hồ tiêu, 17.800 ha điều, 42.100 ha mía). Gia Lai cũng có thế mạnh về phát triển du lịch sinh thái với nhiều danh lam thắng cảnh như: Biển Hồ, hồ Ayun Hạ, thác Phú Cường, thác Chín Tầng, thác Mơ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng; du lịch văn hóa, lịch sử với nhiều địa danh nổi tiếng như: Plei Me, Cheo Reo, Nhà lao Pleiku, Khu Di tích Tây Sơn Thượng đạo, Làng kháng chiến Stơr...

Đánh giá về tiềm năng du lịch của Gia Lai, ông Trần Hùng Việt-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) cho biết: “Gia Lai là một trong những tuyến điểm du lịch mang nhiều sắc thái hấp dẫn của vùng Tây Nguyên. Du lịch Gia Lai nhiều tiềm năng với hệ thống núi rừng, nhiều cảnh quan tự nhiên, khí hậu mát mẻ quanh năm. Gia Lai còn có nền văn hóa lâu đời của đồng bào vùng cao, chủ yếu là đồng bào Jrai và Bahnar thể hiện qua kiến trúc nhà rông, nhà sàn, nhà mồ, lễ hội truyền thống, thông qua y phục, nhạc cụ. Loại hình du lịch tâm linh cũng là điểm nhấn phù hợp tâm lý du khách. Ngoài ra, phải nhắc đến thế mạnh ẩm thực với các đặc sản, như: cơm lam, gà nướng, rau rừng, rượu cần, cơm cháy, rượu nếp, phở khô và tình cảm của người dân hiền hòa, mến khách. Mới đây, chúng tôi cũng đã tiếp tục triển khai 5 tour mới, gồm: Pleiku-Buôn Ma Thuột, Pleiku-Kon Tum, Pleiku-Kon Tum-Buôn Ma Thuột, tour “Lên rừng xuống biển” Pleiku-Thủy điện Ia Ly-Quy Nhơn-Biển Kỳ Co, Pleiku-Phú Yên và nghiên cứu triển khai tour nối tuyến Gia Lai-Đông Bắc Thái Lan-Campuchia”.

Còn ông Phạm Trung Kiên-Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), khẳng định, cùng với tỉnh Đak Lak, Gia Lai là một trong những thị trường bán lẻ quan trọng nhất trong toàn bộ khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo kết quả phân tích của Công ty Tư vấn Chiến lược hàng đầu thế giới Boston Consulting Group (BCG), Gia Lai thuộc top 30 tỉnh, thành trên cả nước được đánh giá có tiềm năng lớn về nhu cầu cho loại hình bán lẻ hiện đại với mức giá trị bán lẻ được dự báo đạt khoảng 100 triệu USD đến năm 2020. Bên cạnh đó, Gia Lai có lợi thế vượt trội do thiên nhiên ban tặng nhiều vùng đất rộng lớn, thổ nhưỡng phì nhiêu, thời tiết ôn hòa quanh năm, phù hợp với tất cả các loại cây trồng trên mọi miền đất nước và chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy sản. Vì vậy, sản lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản được sản xuất ổn định, có chất lượng cao, không chỉ đạt chuẩn đưa vào các hệ thống phân phối hiện đại tại Việt Nam mà còn có thể xuất khẩu sang những thị trường có chính sách nghiêm ngặt nhất. “Với tiềm năng mà tỉnh Gia Lai hiện có thì định hướng đầu tư một trung tâm thương mại với quy mô lớn và hiện đại, cũng như là phủ rộng các điểm bán Siêu thị Co.opmart tại các tuyến huyện thuộc tỉnh Gia Lai với tầm nhìn trong vòng 3 năm tới là kế hoạch được đánh giá hết sức khả thi của Saigon Co.op”-ông Kiên khẳng định.

Tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác

Có thể khẳng định, chưa bao giờ môi trường đầu tư tại Gia Lai lại được cải thiện và cởi mở đến vậy. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, các đại biểu đã nghe chính những “người trong cuộc” khẳng định điều đó. “Nhìn lại quá trình hoạt động và phát triển của Co.opmart Pleiku và Co.opmart Chư Sê, cũng như quá trình thực hiện 2 dự án Trung tâm Thương mại tại số 29 đường Nguyễn Văn Cừ (TP. Pleiku) và dự án Siêu thị Co.opmart An Khê, chúng tôi nhận thấy sự cam kết hỗ trợ nhiệt tình, sâu sát và đầy trách nhiệm từ lãnh đạo UBND tỉnh đến lãnh đạo của các sở, ban, ngành, địa phương. Có thể nói, tất cả các dự án đầu tư của Saigon Co.op thành công trước đây cũng như 2 dự án mới đều có điểm chung là sự tham gia đích thân của lãnh đạo chính quyền các cấp ngay trong giai đoạn đầu để có những đề xuất, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho Saigon Co.op trong quá trình triển khai. Đây là điểm nổi bật nhất đối với công tác kêu gọi và thu hút đầu tư của tỉnh Gia Lai, làm cho các doanh nghiệp an tâm trong những ngày đầu tìm kiếm dự án”-ông Phạm Trung Kiên bày tỏ.

Tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành khẳng định: “Với nhiều tiềm năng chưa được khai thác, Gia Lai tiếp tục triển khai thực hiện nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, cơ hội đầu tư vào Gia Lai tiếp tục được rộng mở. Với quyết tâm đổi mới cách nghĩ, cách làm, Đảng bộ và chính quyền các cấp ở Gia Lai sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi theo quy định của pháp luật cho nhà đầu tư đến đầu tư tại Gia Lai. Gia Lai sẽ là một vùng đất đáng tin cậy của các nhà đầu tư”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Hội nghị hôm nay là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp của 2 địa phương để tiếp tục giới thiệu tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Gia Lai cũng như TP. Hồ Chí Minh, từ đó xúc tiến hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch. Về phía TP. Hồ Chí Minh luôn hoan nghênh và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có Gia Lai vào đầu tư kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh. Với chính sách thông thoáng, cởi mở và phương châm xem thành công của các doanh nghiệp tỉnh bạn chính là thành công của mình, TP. Hồ Chí Minh cam kết tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo hiệu quả lâu dài và thuận lợi nhất”. 

Tại hội nghị lần này có 11 nhà đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư với tổng vốn 16.100 tỷ đồng; 10 nhà đầu tư được trao quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với 10 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4.952 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại hội nghị cũng diễn ra việc ký kết các hợp đồng đầu tư tín dụng giữa các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp.

Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.