Hướng đến thương hiệu chôm chôm Ia Tô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 20 năm trước, nhiều hộ ở thôn 6 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai) đã thử trồng cây chôm chôm trên vùng đất đỏ và thu được thành công. Đến nay, diện tích chôm chôm nơi đây đã mở rộng lên khoảng 30 ha, trở thành một loại trái cây đặc sản của địa phương.

Hiệu quả kinh tế

Nằm bên những con đường cấp phối ngoằn ngoèo ở thôn 6 (xã Ia Tô) là các vườn chôm chôm trồng từ cách đây gần 20 năm. Ông Lục Triển Vọng-Chi hội trưởng chi hội Nông dân thôn 6, cho hay: “Thôn 6 có 180 hộ thì hơn 100 hộ trồng chôm chôm. Một số hộ đã chuyên canh, các hộ khác trồng xen chôm chôm trong vườn cà phê. Vốn thích nghi với khí hậu nóng ẩm ở miền Nam nhưng khi được trồng trên vùng đất bazan, cây chôm chôm vẫn cho năng suất cao. Đến nay, diện tích chôm chôm ở đây đã mở rộng lên khoảng 30 ha”.

 

Ông Lê Văn Thu chăm sóc vườn chôm chôm của gia đình. Ảnh: P.L
Ông Lê Văn Thu chăm sóc vườn chôm chôm của gia đình. Ảnh: P.L

Nói rồi ông Vọng dẫn chúng tôi đến tham quan vườn cây của gia đình bà Lê Thị Kim Liên ở thôn 6. Ngôi nhà xây nhỏ nhắn của bà Liên được bao quanh bởi vườn chôm chôm xanh tốt, đang mùa ra hoa. Bà Liên kể, 105 gốc chôm chôm của gia đình bà được trồng từ năm 2002, giống cây được lấy từ Đồng Nai. Cây chôm chôm trồng khoảng 3 năm thì cho thu hoạch. So với các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu thì chôm chôm dễ chăm sóc hơn, tiết kiệm công lao động và chi phí đầu tư. Thông thường mỗi năm, bà cắt tỉa cành cho cây 2 lần sau khi thu hoạch và trước lúc ra hoa. Cây chôm chôm ít bị bệnh nên cũng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Trung bình, vườn chôm chôm của gia đình tôi đạt sản lượng 20 tấn/năm. Với giá bán 15 ngàn đồng/kg,  mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng”-bà Liên chia sẻ.

Cách nhà bà Liên chừng 1,5 km, 90 gốc chôm chôm của gia đình ông Lê Văn Thu cũng đang ra hoa. Ông Thu tâm sự: “Vườn chôm chôm của tôi trồng đã được 16 năm rồi và vẫn đang cho thu hoạch đều đặn. Cũng tùy theo thời tiết từng năm mà năng suất tăng, giảm nhưng nhìn chung khá ổn định. Cây chôm chôm rất thích hợp với thổ nhưỡng ở vùng này nên cho trái đều, quả ngọt, giòn, được người tiêu dùng yêu thích. Trung bình mỗi năm, tôi thu được khoảng 8-10 tấn quả, thu nhập khoảng 150 triệu đồng”. Từ khoảng Rằm tháng 6 đến hết tháng 7 Âm lịch là thời gian chôm chôm cho thu hoạch rộ. Thương lái từ khắp nơi vào tận vườn thu mua, còn lại đem bỏ mối tại các chợ ở TP. Pleiku hay các huyện lân cận. “Mặc dù diện tích trồng chôm chôm ngày càng tăng nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn rất cao. Do đó, vườn cây của gia đình tôi cũng như các hộ khác trong thôn luôn có đầu ra đều đặn, thậm chí “cháy hàng” vào cuối mùa”-ông Thu cho hay.

Hướng đến thương hiệu

Sau gần 20 năm bén rễ ở thôn 6 (xã Ia Tô), chôm chôm được coi là một đặc sản của địa phương này. Vì vậy, việc đăng ký thương hiệu chôm chôm Ia Tô để nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này là rất cần thiết. Bà Liên mong mỏi: “Nếu xây dựng được thương hiệu chôm chôm Ia Tô, giá bán sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hy vọng sẽ được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo về cách chăm sóc cây chôm chôm, làm sao để cây ra hoa đều, quả đẹp và không bị rụng… Từ trước đến nay, quá trình chăm sóc vườn cây đều do gia đình tự đúc rút kinh nghiệm và học hỏi qua mạng internet”.

Ông Nguyễn Chí Nguyên-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Tô, cho biết: “Việc đăng ký thương hiệu cho chôm chôm Ia Tô đã được các cơ quan chức năng của huyện Ia Grai tiến hành những bước đầu tiên. Dù vậy, từ nay cho đến lúc được công nhận thì các nhà vườn phải tự hình thành và củng cố chất lượng sản phẩm của mình. Chúng tôi khuyến khích các nhà vườn mở rộng diện tích, đồng thời chăm sóc đúng quy trình, sử dụng đúng liều lượng các loại hóa chất, phân bón hóa học nhằm tạo ra sản phẩm sạch để thu hút người tiêu dùng, đưa chôm chôm Ia Tô đi tiêu thụ khắp trong và ngoài tỉnh”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.