Chưa có giấy phép lưu hành vẫn bán phân bón

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản và Xây dựng miền Nam số tiền 35 triệu đồng và buộc đơn vị này thu hồi 2 sản phẩm phân bón: Địa Long và Vôi Lân Địa Long sản xuất tại Gia Lai đã bán ra thị trường.

Đầu năm 2018, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh phát hiện loại phân bón nhãn hiệu Địa Long (sản xuất tại Gia Lai) được bày bán trên thị trường có nhiều biểu hiện nghi vấn về chất lượng nên đã tiến hành xác minh. Qua đó, lực lượng Cảnh sát Môi trường xác định, những sản phẩm này là của  Nhà máy Sản xuất Phân bón Địa Long Gia Lai, thuộc Viện Công nghệ Sinh học miền Nam, có địa chỉ tại tổ dân phố 5, phường Yên Thế, TP. Pleiku. Mở rộng điều tra, Phòng Cảnh sát Môi trường xác định, phân bón sản xuất tại nhà máy này chưa được cấp phép lưu hành nhưng đã bán ra thị trường với số lượng lớn.

 

Mẫu phân bón Địa Long bị lực lượng Công an thu giữ để kiểm tra chất lượng. Ảnh: L.A
Mẫu phân bón Địa Long bị lực lượng Công an thu giữ để kiểm tra chất lượng. Ảnh: L.A

Sau khi đã nắm rõ thông tin, ngày 9-1-2018, Phòng Cảnh sát Môi trường phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), Trạm Bảo vệ Thực vật TP. Pleiku tiến hành kiểm tra Nhà máy Sản xuất Phân bón Địa Long Gia Lai. Qua đó, đoàn liên ngành phát hiện nhà máy này đi vào hoạt động từ tháng 4-2017 và đang sản xuất 2 loại phân bón, gồm: Địa Long và Vôi Lân Địa Long. Nhà máy có ký hợp đồng kinh tế với Chi nhánh Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản và Xây dựng miền Nam (Chi nhánh Công ty) để sản xuất 2 loại phân bón này.

Đến thời điểm kiểm tra, Chi nhánh Công ty đã bán ra thị trường các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak, Đak Nông, Bắc Giang hơn 300 tấn Vôi Lân Địa Long với giá 480 ngàn đồng/tấn và 36 tấn phân Địa Long với giá 580 ngàn đồng/tấn. Số phân bón còn trong kho của Nhà máy gồm 241,7 tấn Vôi Lân và 76,6 tấn phân Địa Long. Dù đã đi vào hoạt động từ lâu và bán sản phẩm ra thị trường nhưng đơn vị này không thực hiện quy định của Nhà nước về công bố hợp quy (theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12-12-2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ) và chưa có giấy phép lưu hành những sản phẩm phân bón sản xuất tại Gia Lai theo quy định của pháp luật.

Ngày 26-4, Phòng Cảnh sát Môi trường đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Chi nhánh Công ty cổ phần Khai thác Khoáng sản và Xây dựng miền Nam về hành vi không thực hiện quy định của Nhà nước về công bố hợp quy và chưa có giấy phép lưu hành sản phẩm ra thị trường với số tiền 35 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Chi nhánh Công ty thu hồi các sản phẩm phân bón Địa Long sản xuất tại Gia Lai đã được bán ra thị trường.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, ngày 2-5, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Dương Thị Kim Ngân-Phó Giám đốc Nhà máy Sản xuất Phân bón Địa Long Gia Lai. Bà Ngân khẳng định: Những sản phẩm phân bón trên đảm bảo chất lượng (theo quy định cũ) và không phải là phân bón giả. Tuy nhiên, trong quá trình làm các thủ tục cần thiết đối với sản phẩm có một số vướng mắc khi các quy định, quy chuẩn của sản phẩm thay đổi nên chi nhánh Công ty có thiếu sót, chậm trễ. Về phía Nhà máy sẽ chấp hành đầy đủ hình thức xử lý của lực lượng chức năng và trong thời gian tới sẽ cố gắng hoàn thiện mọi thủ tục pháp lý.  

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thiếu tá Trần Đình Hùng-Phó Đội trưởng Đội 3, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh, cho biết: “Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc thu hồi sản phẩm của Chi nhánh Công ty. Đồng thời, nếu phát hiện những sản phẩm phân bón của Chi nhánh Công ty được sản xuất tại Gia Lai tiếp tục bày bán trên thị trường khi chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật thì sẽ xử lý nghiêm…”.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.