Làm giàu từ trồng nấm sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy mới bắt tay vào thực hiện mô hình trồng nấm sạch được hơn 2 năm nhưng gia đình chị Đinh Thị Hường (thôn Hà Thanh, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đã thu được thành công. Hiện tại, với 600 m2 trồng nấm, mỗi năm gia đình chị thu nhập trên 200 triệu đồng.

Khi chúng tôi đến nhà, chị Đinh Thị Hường đang hái nấm bào ngư để kịp giao cho thương lái. Chị Hường tâm sự: Trước đây, tôi đã thử nghiệm nhiều mô hình kinh tế, từ trồng rau màu, nuôi heo, nuôi gà nhưng đều không thành công. Năm 2015, giữa lúc đang phân vân với bài toán khó giải “trồng cây gì, nuôi con gì” để cải thiện cuộc sống, tôi đến  thăm một người bạn bị ung thư giai đoạn đầu. Bạn tôi kể, sau một thời gian chữa trị, được bác sĩ khuyên nên kết hợp nấu nấm bào ngư hay linh chi lấy nước uống, bạn tôi liền làm theo. Kiên trì uống nước nấm một thời gian dài, sức khỏe của bạn tôi đã khá hơn. Vậy là tôi quyết định trồng nấm vì chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình này cũng không quá cao.

 

Mô hình trồng nấm của gia đình chị Hường.                  Ảnh: P.T
Mô hình trồng nấm của gia đình chị Hường. Ảnh: P.T

Sau một thời gian tìm hiểu cách trồng nấm qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như trực tiếp đến học hỏi những hộ có kinh nghiệm, tháng 8-2015, chị Hường đặt mua 5 ngàn bì phôi giống nấm bào ngư và nấm sò từ Đak Lak về trồng thử nghiệm. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên gần 2/3 lứa nấm đầu tiên chị trồng bị hư. Không bỏ cuộc, chị lặn lội lên Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và ra cả tỉnh Hà Nam để học làm phôi nấm cũng như cách chăm sóc từng loại nấm.

Theo chị Hường, việc trồng nấm không hề khó và cũng khá nhàn hạ so với các công việc nhà nông khác. Tuy nhiên, người trồng phải để ý đến từng giai đoạn phát triển của nấm; môi trường lúc nào cũng phải vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát, nguồn nước tưới cho nấm phải sạch… Bên cạnh đó, khâu chọn giống đóng vai trò quyết định đến chất lượng của nấm. Vì vậy, chị Hường sử dụng mùn cưa cây cao su kết hợp cùng các loại bột bắp, cám… để ủ phôi nấm. Theo kinh nghiệm của chị Hường, chỉ ủ phôi từ bột mùn cưa cây cao su thì phôi mới cho ra nấm, còn mùn cưa các loại cây khác thì không thu được thành phẩm.

Hiện tại, gia đình chị Hường có 600 m2 trồng nấm, treo được 40 ngàn phôi nấm mỗi lứa. Mỗi năm, chị trồng được 3 lứa nấm, chủ yếu là nấm bào ngư, nấm sò và nấm mèo. Nấm bào ngư, nấm sò tính từ lúc đóng bao bì đến khi thu hoạch là 45 ngày. Chị thu nấm được 3 tháng liên tiếp, trong đó khoảng 2 tháng đầu cho thu rộ. Nấm bào ngư, nấm sò hiện có giá 25.000 đồng/kg, nấm mèo 100.000 đồng/kg. Với giá nấm như vậy, hiện mỗi năm gia đình chị Hường thu nhập trên 200 triệu đồng. “Các thương lái tự tìm đến nhà tôi mua nấm về bán. Hiện lượng nấm không đủ đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là các ngày rằm, lễ, Tết. Thời gian đến, tôi dự định nhân rộng mô hình này”-chị Hường cho hay.

Không chỉ bán các loại nấm thương phẩm, chị Hường còn cung cấp phôi nấm cho các hộ dân có nhu cầu trồng nấm sạch ăn trong gia đình hay kinh doanh nhỏ lẻ. “Tôi mới trồng nấm cách đây 3 tháng. Nhờ chị Hường nhiệt tình hướng dẫn cách chăm sóc nên nấm trồng đã cho thu hoạch. Tôi rất vui khi tự trồng được nấm sạch để phục vụ bữa ăn gia đình và bán được một ít cho người quen”-chị Lã Thị Yến (tổ 13, phường Yên Thế, TP. Pleiku) vui vẻ nói.

Đánh giá về mô hình trồng nấm sạch của gia đình chị Hường, bà Puih H’Ani-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dêr, cho biết: Chị Hường là người đầu tiên trên địa bàn xã thực hiện thành công mô hình trồng nấm sạch. Đây là mô hình hay, triển vọng để các hội viên nông dân xã tham quan, học hỏi áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập.

Phan Thương

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Việt Nam đã nhận 1.200 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon rừng

Theo TTO, ngày 21-3, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết Việt Nam đã nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng) cho các kết quả giảm phát thải đã được xác minh (tín chỉ carbon) do hạn chế được mất rừng và suy thoái rừng và tăng cường lưu trữ carbon thông qua trồng và tái tạo rừng.