Điểm tựa của nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ hiệu quả hoạt động của 2 tổ hợp tác trồng mía ở 5 làng: Krối, Kbang, Chợch, Bôn và Tơ Tưng (xã Lơ Ku, huyện Kbang) do Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, cuối năm 2017, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku( Kbang, Gia Lai) đã được thành lập. Sau một thời gian đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã thể hiện vai trò “bà đỡ” giúp các thành viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông Hồ Văn Dương-Chủ tịch UBND xã, kiêm Trưởng ban Phát triển xã Lơ Ku, cho biết: Từ năm 2015 đến nay, xã được Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sinh kế, như: sản xuất lúa nước, nuôi heo đen, cải tạo vườn hộ, trồng mía… Trong đó, năm 2017, dự án hỗ trợ trên 1,5 tỷ đồng cho 90 hộ nghèo tại 5 làng để trồng gần 88 ha mía.

 

Các thành viên trong tổ hợp tác làng Krối thu hoạch mía.                                               Ảnh: H.T
Các thành viên trong tổ hợp tác làng Krối thu hoạch mía. Ảnh: H.T

Trên cơ sở đề xuất, các hộ nghèo đã thành lập 7 nhóm cải thiện sinh kế trồng mía. Thấy các nhóm hoạt động hiệu quả, xã đã thành lập 2 tổ hợp tác. Các thành viên tổ hợp tác đã thực hiện tốt việc liên kết với các đơn vị cung ứng giống, vật tư đầu vào, tìm kiếm đầu ra ổn định, đem lại nguồn lợi cho hộ nghèo. Từ thành công của 2 tổ hợp tác, cuối tháng 12-2017, Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku đã được thành lập.

Ông Đinh Bới-Tổ trưởng tổ hợp tác, kiêm Trưởng nhóm cải thiện sinh kế trồng mía làng Krối, cho biết: Nhóm cải thiện sinh kế trồng mía làng Krối có 17 thành viên, trong đó, 70% là hộ nghèo, còn lại là hộ cận nghèo và hộ khá. Nhóm được dự án hỗ trợ chi phí cày đất, giống, phân bón, kỹ thuật để trồng 1 ha mía. Do mới chuyển đổi từ cây bắp, cây đậu sang trồng mía nên bà con còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng được sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ dự án, bà con đã nhanh chóng nắm được quy trình trồng, chăm sóc mía. Đến nay, nhóm đã thu hoạch được 50% diện tích mía. Ngoài sản lượng cao, mía của nhóm được nhà máy thu mua đánh giá có chữ lượng đường vượt trội. Bà con trong làng thấy trồng mía cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng đậu xanh và bắp.

Sau khi thu hoạch 1,5 sào mía được dự án hỗ trợ, bà Đinh A Chi-thành viên nhóm trồng mía làng Krối, chia sẻ: “Gia đình mình thuộc diện hộ nghèo. Tham gia vào nhóm trồng mía, mình được dự án hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật. Sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí, mình còn lãi 15 triệu đồng, cao hơn hẳn so với trồng bắp và đậu xanh”.

Tương tự, ông Đinh Liếc-Tổ trưởng tổ hợp tác, kiêm Trưởng nhóm cải thiện sinh kế trồng mía làng Bôn, nói: “Mình đã tích cực vận động các thành viên trong nhóm thực hiện hiệu quả việc trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Hơn nữa, giờ có hợp tác xã hỗ trợ thêm, mình và các thành viên trong nhóm không phải lo vật tư đầu vào và lo đầu ra cho cây mía”.

Lơ Ku là xã đặc biệt khó khăn, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Nhưng lợi thế của xã là có diện tích đất nông nghiệp rộng, lên đến 12.240 ha, thích hợp để trồng các loại cây công nghiệp, cây ngắn ngày và các loại cây thực phẩm, cây ăn quả. Tuy nhiên, các hoạt động phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn, định hướng cho người dân trên địa bàn xã còn nhiều bất cập. “Việc thành lập hợp tác xã là tất yếu nhằm hỗ trợ cho người dân phát triển sản xuất. Hợp tác xã hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, bình đẳng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Tham gia hợp tác xã, các thành viên được trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ về giống, vốn, đầu ra cho sản phẩm”-anh Lý Kim Thành-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Xây dựng Lơ Ku, cho biết.

Cũng theo anh Thành, trước đây, khi chưa có hợp tác xã, chưa có dự án hỗ trợ sinh kế, việc sản xuất trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ, manh mún, được chăng hay chớ. Nhưng hiện nay, hợp tác xã tích cực vận động bà con tham gia 2 cánh đồng mẫu lớn của xã.  Các hộ này được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Nhờ có các nhóm cải thiện sinh kế do Dự án Giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ, xã Lơ Ku đã hình thành được các tổ hợp tác và thành lập được hợp tác xã. Điều này góp phần giúp xã thực hiện tốt mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nhất là về tiêu chí thu nhập và tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.

Hoài Hương

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.