Giải cứu… trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nếu tính danh mục những sản phẩm nông nghiệp phải kêu gọi “giải cứu” trong mấy năm gần đây thì con số lên tới hàng chục. Có những sản phẩm phải kêu gọi giải cứu nhiều lần, lặp đi lặp lại như: dưa hấu, muối, thịt heo…

Mới đây nhất là su hào, củ cải, những sản phẩm được coi là “rất tốt cho sức khỏe” nhưng phải nằm tại ruộng không ai mua, phải nhổ bỏ vì không thể làm gì khác. Năm nay không thấy Đoàn Thanh niên đứng ra hô hào đoàn viên tham gia giải cứu, nhưng các siêu thị đã vào cuộc nhận mua và bán sản phẩm cho nông dân. Dù Vụ Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) rất “bình tĩnh” khi nói rằng, việc khủng hoảng thừa su hào và củ cải chỉ xảy ra ở phạm vi hẹp và ở thời điểm cuối vụ, nhưng nước mắt nông dân đổ ra vì xót của là có thật, cảnh điêu đứng do mất vốn của người sản xuất là có thật. Kể cả nợ nần do vay tiền sản xuất nông sản không bán được cũng là có thật.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tình hình ấy cũng đang xảy ra với sản phẩm hồ tiêu của Gia Lai.    

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 15.500 ha hồ tiêu, riêng năm 2016 trồng mới trên 1.200 ha. Với hơn 15.500 ha, Gia Lai được xếp vào danh sách 6 tỉnh trọng điểm sản xuất hồ tiêu của cả nước. So với định hướng quy hoạch, toàn tỉnh đã vượt hơn 10.000 ha. Cái “vượt lên” đang báo trước những tai họa. Cơ sự vì giá hồ tiêu đang giảm, dự đoán còn tiếp tục giảm, dù vụ hồ tiêu vừa qua được mùa. Với một thị trường khó đoán định như hiện nay, sản xuất nông nghiệp nếu cứ “vượt lên” về diện tích, vượt lên về sản lượng thì nguy cơ “được mùa rớt giá” luôn đeo đẳng.

Sự điều tiết trong sản xuất nông nghiệp không thể thuộc về nông dân vì họ không có khả năng làm việc đó, mà phải thuộc về cơ quan quản lý nông nghiệp. Nếu cơ quan này làm việc không hiệu quả, thậm chí thiếu trách nhiệm thì tai họa sẽ xảy ra trên diện rộng. Với những loại củ quả như su hào hay củ cải, chỉ trồng trong một vụ, nếu mất giá cũng chỉ gây thiệt hại trong một vụ. Nhưng với những loại cây trồng phải tính nhiều năm như hồ tiêu thì nông dân không thể chặt bỏ khi cây chưa cho hạt, dù giá có giảm sâu tới đâu.

Với những loại cây lâu năm này, dứt khoát không thể trồng theo “phong trào” hay thấy giá lên trong một thời điểm thì thi nhau trồng, nhất là khi đầu ra không ổn định. Như dưa hấu, tiêu thụ nội địa không bao nhiêu, chủ yếu bán sang Trung Quốc. Nhưng một khi Trung Quốc dừng mua hoặc mua với giá bèo thì những đoàn xe tải chở dưa hấu phải dừng lại ở cửa khẩu và dưa chịu cảnh thối rữa bởi người sản xuất đã đặt cược vào một thị trường không ổn định. Chưa kể, sản phẩm mình sản xuất ra không bảo đảm chất lượng, do sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học (chủ yếu đến từ Trung Quốc). Khi thị trường chính tiêu thụ sản phẩm lại không chấp nhận dư lượng hóa chất do chính họ sản xuất và bán cho Việt Nam thì người nông dân nước ta phải lãnh đủ mọi thua thiệt.

Với cây hồ tiêu cũng vậy. Nếu diện tích và sản lượng tăng nhưng chất lượng giảm thì tất yếu giá hồ tiêu sẽ giảm. Với thị trường nội địa cũng vậy mà thị trường quốc tế cũng thế. Bài học về quảng canh và thâm canh tuy cứ nhắc đi nhắc lại nhưng rất ít được người sản xuất quan tâm. Cứ thấy loại cây nào giá lên là trồng ồ ạt, bất chấp hậu quả khi giá xuống hay mất giá.

Chúng ta đã có cơ quan chức năng phụ trách sản xuất nông nghiệp tới cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT) nhưng lâu nay sản xuất nông nghiệp vẫn chưa được kiểm soát và thiếu thông tin có thể tin cậy về thị trường. Sản xuất nông nghiệp trở thành một hoạt động mang nhiều tính may rủi. Đó thực sự là một nguy cơ. Chưa kể, người nông dân thật thà còn dính vào những cái bẫy lừa đảo do kẻ xấu đặt ra, kiểu như “bẫy trồng gừng” hay “bẫy trồng bí đao” ở vài địa phương thuộc Gia Lai.

Chưa thể đòi hỏi nông dân nước ta phải có “tư duy sản xuất nông nghiệp ở tầm vĩ mô” được, điều mà nông dân ở các nước phát triển đã có. Vậy thì rất cần sự quản lý giống cây trồng, sự tư vấn kịp thời và hữu hiệu từ các cơ quan chức năng ngành nông nghiệp, để người nông dân chỉ sản xuất những sản phẩm mà thị trường yêu cầu và chấp nhận.

Đó là trách nhiệm lớn của ngành nông nghiệp.

Thanh Thảo

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.