Đak Pơ phát huy vai trò tín dụng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cho vay kịp thời, đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả... là mục tiêu mà Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) hướng đến nhằm phát huy tối đa vai trò của tín dụng chính sách, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương.

Nguồn lực quan trọng giúp bà con phát triển kinh tế

“Muốn bà con tin tưởng thì mình phải làm trước. Mình không làm thì nói ai nghe”-đây là lời bộc bạch chân tình của anh Đinh Văn Cao-Trưởng thôn Đê Chơ Gang (xã Phú An, huyện Đak Pơ) khi vận động bà con trong làng vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất. Nói đi đôi với làm, bản thân anh Cao đã mạnh dạn vay vốn 2 chương trình gồm hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn và nước sạch vệ sinh môi trường từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) huyện.

 

Một phiên giao dịch lưu động tại xã của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ. Ảnh: S.C
Một phiên giao dịch lưu động tại xã của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ. Ảnh: S.C

Có vốn trong tay, anh nuôi bò sinh sản và xây dựng công trình vệ sinh cho gia đình. Sau gần 3 năm, bò mẹ đã đẻ bê con, nâng tổng đàn bò của gia đình anh lên 6 con. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tiên phong đầu tư trồng hơn 20 ha keo lai. “Đây là loại cây dễ trồng. Nếu gặp đất tốt thì sau 5 năm, cây keo lai sẽ cho thu hoạch. Đáng mừng hơn nữa là Nhà nước đang có chính sách hỗ trợ chương trình trồng cây lâm nghiệp với mức kinh phí 7 triệu đồng/ha”-anh Cao cho biết.

Đê Chơ Gang là làng dân tộc thiểu số duy nhất của xã Phú An. Tuy nhiên, theo anh Cao, điều đáng ghi nhận nhất là bà con đều chí thú làm ăn, chỉ những trường hợp già cả, không có đất sản xuất thì mới không vay vốn ngân hàng. Đặc biệt, trong làng không có tình trạng nợ ngân hàng quá hạn, không có “tín dụng đen”. Từ nguồn vốn chính sách hỗ trợ, bà con đã đẩy mạnh chăn nuôi, phát triển đàn bò xấp xỉ 400 con. Bên cạnh cây mía và mì, làng Đê Chơ Gang có 41 hộ đăng ký trồng 99 ha keo lai trong năm nay.

“Nguồn vốn tín dụng chính sách là nguồn lực chính giúp bà con làng Đê Chơ Gang nói riêng, xã Phú An nói chung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả”-ông Trần Vũ Thanh-Phó Chủ tịch UBND xã Phú An, khẳng định. Tính đến nay, tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 18,4 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở các chương trình hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 0,6% trong năm 2017, hiện chỉ còn 4,19%, tương đương 57 hộ. Đáng chú ý  là mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 31,2 triệu đồng/năm; xã đang phấn đấu đến năm 2020 đạt 40 triệu đồng/năm. Nhằm giúp người dân phát triển kinh tế ổn định, xã đang vận động bà con chuyển đổi một phần diện tích sang các loại cây trồng cho hiệu quả kinh tế như: dứa, thanh long hoặc phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chủ trương của Nhà nước. Đồng thời, xã tiếp tục duy trì ổn định tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có.

Ưu tiên vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số

“Ưu tiên vốn tín dụng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là chủ trương của hệ thống Ngân hàng CSXH Việt Nam. Đối với huyện miền núi đặc thù như Đak Pơ, chúng tôi cam kết ưu tiên vốn cho bà con thuộc 34 làng đồng bào dân tộc thiểu số, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đầu tư phát triển sản xuất”-ông Nguyễn Xuân Nhân-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đak Pơ, cho biết.

Chỉ riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã tập trung giải ngân các chương trình tín dụng đạt khoảng 18 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ toàn huyện lên 180 tỷ đồng/5.717 hộ dư nợ; doanh số thu nợ đạt khoảng 6 tỷ đồng. Một số chương trình tín dụng có quy mô dư nợ lớn như: cho vay hộ nghèo đạt 43 tỷ đồng, hộ cận nghèo đạt 30 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo đạt 21 tỷ đồng, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đạt 40,2 tỷ đồng, nước sạch vệ sinh môi trường đạt 28 tỷ đồng…

Để nguồn vốn tín dụng phát huy hiệu quả, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể để đẩy mạnh tuyên truyền, bình xét cho vay, tổ chức tốt các phiên giao dịch lưu động tại xã, kết hợp lồng ghép vốn tín dụng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm hoặc thực hiện kế hoạch tự kiểm tra việc sử dụng vốn vay, kiểm tra 100% hộ vay sau khi giải ngân trong vòng 30 ngày, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, trả nợ, lãi cho ngân hàng đúng quy định… Nhờ đó, chất lượng tín dụng ngày một nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,22%/tổng dư nợ.

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.